Bóng Đá Plus trên MXH

Jota 'vừa khít' với Liverpool: Tất cả là nhờ di chuyển
12:18 ngày 24/11/2020
Nỗi nhớ Mohamed Salah của fan Liverpool vơi đi rất nhiều khi họ vẫn còn đó một Diogo Jota đang cực kỳ bùng nổ. Sự hòa nhập đáng kinh ngạc của tân binh người Bồ Đào Nha cho cảm giác đôi bên sinh ra là dành cho nhau. Nhưng vì sao?

    Màn hủy diệt Leicester 3-0 giúp Liverpool thiết lập một kỷ lục mới trong lịch sử câu lạc bộ. Cụ thể, Liverpool đã tạo nên kỷ lục 64 trận bất bại trên sân nhà Anfield tại Premier League, vượt qua kỷ lục 63 trận không thua trước đó tại tổ ấm của mình trong giai đoạn từ tháng 2/1978 đến tháng 12/1980.

    Cũng ở trận đấu trên, Jota cũng lập nên cột mốc cho riêng mình. Bàn thắng ở phút 41 của ngôi sao người Bồ Đào Nha giúp anh trở thành cầu thủ của The Reds đầu tiên ghi bàn thắng ở 4 trận liên tiếp trên sân nhà. Không những thế, với 30 đường chuyền trước khi Jota dứt điểm tung lưới Kasper Schmeichel, Liverpool lập kỷ lục về bàn thắng cần nhiều pha luân chuyển bóng nhất kể từ khi Opta bắt đầu thực hiện việc thống kê từ mùa 2006/07.

    Với 8 bàn chỉ sau 12 trận góp mặt, Jota cho thấy mình xứng đáng từng xu trong tổng số 45 triệu bảng mà Liverpool đã chi ra. Cựu tiền đạo Wolves gợi nhớ lại xúc cảm hồi Liverpool mới mua Sadio Mane và Mohamed Salah khi chỉ sau một vài trận đấu, họ biết mình đã tìm được đúng người.

    Định vị cầu thủ cần mua

    Để mua được một cầu thủ phù hợp với hệ thống của CLB là chuyện không dễ dàng, cứ hỏi Man United và Barcelona là biết. Jota thi đấu xuất sắc ở Wolves nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc anh sẽ thành công ở Anfield.

    Về mặt lý thuyết, Jota phù hợp với mọi đội bóng. Khả năng linh hoạt của anh thể hiện ở việc có thể thi đấu bất cứ vị trí nào trên hàng công, từ tiền đạo cánh, hộ công đến trung phong. Lối chơi dựa nhiều vào tốc độ, khả năng xử lý trong phạm vi hẹp của Jota có vẻ cũng hợp với phong cách tấn công trực diện, áp đảo của Liverpool. Tuy nhiên, chính khả năng di chuyển không bóng mới thực sự tạo nên sự khác biệt của Jota.

    Bàn thắng vào lưới Leicester là ví dụ điển hình. Ở đội hình xuất phát, Jota thi đấu tiền đạo phải trong hệ thống 4-3-3. Nhưng Jota sẽ không bám biên suốt 90 phút mà nhìn vào tình hình để di chuyển. Ở bàn thắng nói trên, lúc James Milner đang cầm bóng, Jota vẫn ở cánh phải, Mane và Roberto Firmino xuất hiện ở trung lộ.

    Khi bóng được đảo cánh sang cho Andy Robertson, Naby Keita di chuyển sát vòng cấm thu hút sự chú ý của hậu vệ đối phương. Lúc này, Jota đã lùi xuống một chút và ẩn thân giữa hai tuyến của Leicester.

    Việc Keita di chuyển chiến thuật khiến bộ ba phòng ngự của Leicester phải theo kèm 1 vs 1 với anh, Mane và Firmino, qua đó mất dần sự chú ý cho Jota.

    Đến lúc này, sự độc đáo của Jota mới phát huy. Nhận thấy Robertson vượt qua Marc Albrighton, Jota không di chuyển ra trung lộ để nhận bóng mà lập tức chạy chéo vào trong vòng cấm. Keita và Mane giúp sức bằng cách di chuyển ngược ra khỏi vòng cấm kéo giãn hàng thủ của Leicester. Cách di chuyển ăn ý này cho thấy đây là bài phối hợp mà Liverpool đã tập nhiều lần.

    Roberton tạt sớm chuẩn xác và chỉ cần một cái lắc đầu tinh tế, Jota đã có bàn thắng. Từ đường tạt đến pha di chuyển, mọi thứ ăn khớp hoàn hảo, tạo nên một bàn thắng đúng với thương hiệu Liverpool. Pha lập công đề cao sự kết hợp đồng đội nhưng vẫn có điểm nhấn là kỹ năng cá nhân của Jota.

    Tại sao Jota làm được như vậy?

    Sự khác biệt giữa Jota và một tân binh khác như Takumi Minamino - người không quá nổi bật từ lúc gia nhập Liverpool, nằm ở tư duy. Minamino có xu hướng "biến mất" trong trận đấu như Firmino vì anh chịu khó di chuyển tạo ra khoảng trống cho đồng đội và duy trì cự ly đội hình chung. Vai trò như vậy rất quan trọng trong việc tạo ra hiệu quả cho Liverpool khi ở 1/3 sân đối phương, nhưng nó cũng khiến các tiền đạo kiểu đó ghi bàn và kiến tạo ít hơn các các cầu thủ chạy cánh. Nói cách khác, trong khi Minamino cố gắng ẩn mình vào bóng tối, Jota lại luôn muốn tìm kiếm quả bóng ở nơi mặt trời chiếu tới.

    Nói vậy không phải là Jota không quan tâm tới cự ly đội hình, trái lại, anh đặc biệt quan tâm. Nhưng anh có những bước chạy thông minh để cho phép mình tận dụng lợi thế ở những tình huống quyết định. Khả năng ghi bàn của Jota đã được đồng đội ghi nhận và anh trở thành điểm tập kết bóng mỗi khi Liverpool cần bàn thắng.

    Jota tắc bóng trung bình ít hơn Mane, Salah, Firmino và Minamino. Anh đi bóng cũng ít hơn Salah và Mane. Nhưng sự khác biệt lớn nhất nằm ở việc Jota chịu khó dứt điểm hơn mọi cầu thủ khác. Jota là như vậy, có khả năng ghi bàn và tự tin dùng khả năng của mình.

    Jota đã cho ra tuyên ngôn về bản thân mình, anh không muốn chỉ là một phương án dự bị cho "tam tấu" trứ danh của Liverpool. Jota muốn được sát cánh cùng họ, phối hợp với họ, kiến tạo cho họ và ghi bàn thay họ mỗi khi thời cơ đến. Sự tự tin này Minamino không có được, còn Jota thì dư thừa.

    Giải thích màn ăn mừng "chữ cái" của Jota
    Khi ghi bàn vào lưới West Ham vào cuối tháng 10, Jota ăn mừng bằng cách tạo nên chữ "M" từ hai tay. Đến khi ghi bàn vào lưới Leicester, anh lại tạo nên chữ "A". Nhiều fan cho rằng Jota đang tri ân quê nhà "Massarelos" với những chữ viết tắt như vậy. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó có thể là một sự chuẩn bị cho màn cầu hôn, hoặc là tên viết tắt của đứa con chưa chào đời của Jota.

    Hà Trang (Theo Telegraph) • 12:18 ngày 24/11/2020

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay