Dân Anh xưa nay nổi tiếng vì tính bảo thủ. Chẳng thế mà trong nền chính trị của đảo quốc này có cả đảng Bảo thủ, một chính đảng lớn nhất nhì và thường xuyên nắm quyền trị quốc.
Bảo thủ là khăng khăng giữ lấy những giá trị truyền thống, cho dù nó có thể không còn phù hợp. Kệ, dứt khoát phải duy trì nó, phớt lờ mọi chỉ trích, công kích. Do đó, dân Anh còn có thêm một tính cách mang tính hệ quả khác là phớt lờ, đến nỗi cũng thành danh “phớt Ăng lê”.
Trong bóng đá, tính bảo thủ của người Anh nổi trội với sự tôn thờ sơ đồ chiến thuật 4-4-2, thứ đã giúp họ vô địch World Cup 1966 – danh hiệu lớn duy nhất của mảnh đất tự xưng là “quê hương của bóng đá”. Các cầu thủ Anh, các HLV chỉ biết đến 4-4-2, chỉ chơi theo đội hình này ở mọi cấp độ.
Cựu danh thủ David Platt đến khi sang Ý thi đấu cho Sampdoria mới té ngửa rằng, hoá ra trong bóng đá còn có rất nhiều sơ đồ chiến thuật khác, chứ không chỉ riêng 4-4-2. Ngay cả việc Platt ra nước ngoài thi đấu cũng là một sự “phá bảo thủ” bởi cầu thủ Anh chỉ biết thi đấu ở trong nước mà thôi.
Nhưng rồi, sự bảo thủ trong bóng đá Anh cũng phai nhạt. Premier League được nghiên cứu, phá chấp, đổi mới thành giải đấu giải trí và kiếm tiền tốt nhất thế giới. Làn sóng lê dương đã ập đến Premier League, trong khi các cầu thủ Anh cũng hăng hái xuất khẩu lao động. Đó là một điều không tưởng với lãnh đạo bóng đá Anh trong thập niên 1980, 1990.
Thế nhưng, những thành phần ngoại lai lại trở nên bảo thủ còn hơn cả người Anh. HLV Erik ten Hag và Jurgen Klopp là những ví dụ tiêu biểu. Klopp vốn dĩ biết rằng thứ bóng đá Gegenpressing có thể hoạnh phát nhưng cũng hoạnh bại vì sức tàn phá thể lực của cầu thủ sau một thời gian.
Nhưng Klopp vẫn bảo thủ với Gegenpressing, chấp nhận sẽ đến lúc tàn lụi để đánh đổi lấy những danh hiệu trước mắt. Liverpool có thể vô địch Premier League mùa này nhưng chắc chắn, sau khi Klopp ra đi, một đống hoang tàn sẽ xuất hiện và việc hồi phục nó sẽ rất tốn kém. Klopp chấp nhận như canh bạc cuối cùng của mình.
Trong khi đó, Ten Hag cũng là đang nổi lên như một kẻ bảo thủ. Ông ta bảo thủ với nguyên lý hỗn loạn, từ hỗn loạn đội hình, hỗn loạn lối chơi, hỗn loạn chiến thuật đến hỗn loạn quản trị. Dưới tay một HLV xuất thân từ một nền bóng đá hoa mỹ, cống hiến, giàu sức sáng tạo là Hà Lan, MU giờ đây là một đội bóng hỗn loạn tột độ.
Chính vì hỗn loạn nên MU trở thành một thực thể bất định, khó lường. Họ có thể thua Liverpool tới 0-7, nhưng cũng có thể tiễn Liverpool khỏi FA Cup một cách đầy bất ngờ. Không ai biết trước được điều gì sẽ đến với MU bởi Ten Hag đang cực kỳ bảo thủ với thực trạng hiện tại.
Sau thất bại kinh ngạc trước Chelsea hồi giữa tuần, ông ta vẫn khăng khăng rằng mình đúng, lối chơi của MU là đúng, chẳng qua vì sai sót của một vài cá nhân nên mới thua thôi. Ông ta tỏ vẻ “phớt Ăng-lê” trước mọi sự chỉ trích theo đúng tinh thần của câu nói cùn: “Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi”.
Chả phải, Ten Hag và Klopp đang bảo thủ hơn cả người Anh hay sao?