Tháng Sáu, báo chí tiết lộ thông tin Jamie Vardy từ chối cơ hội gia nhập Arsenal, để ký tiếp hợp đồng mới với Leicester, lần thứ hai trong vòng 6 tháng. Hợp đồng cũ của Vardy chỉ vừa gia hạn vào tháng Hai, với mức lương 80.000 bảng/tuần, kèm điều khoản phá vỡ trị giá 22 triệu bảng. Arsenal đã kích hoạt điều khoản đó, nhưng Vardy quyết định ở lại, ký hợp đồng mới cùng mức lương tăng lên thành 100.000 bảng/tuần với Leicester.
Đây được xem là một thắng lợi cho Leicester khi giữ được một trong ba trụ cột quan trọng nhất của mùa bóng trước. Cùng với Riyad Mahrez và N’Golo Kante, Vardy đã chơi với phong độ cực cao, ghi 24 bàn và lọt vào danh sách đề cử Cầu thủ xuất sắc nhất mùa của PFA.
Leicester không có bất kỳ ai thay được Vardy ở mùa trước, và việc anh khỏe mạnh gần như cả mùa quả thực là một điều kỳ diệu. Bán Vardy đi, Leicester có khi phải mất 40 triệu bảng cho một tiền đạo có trình độ tương đương.
Dưới góc nhìn một fan trung thành của Leicester, Vardy là cầu thủ không thể thay thế. Nhưng trên tư cách một người quan sát công tâm, tôi lại thấy tiếc vì Leicester đã không bán anh ấy cho Arsenal. Vì tôi xếp Vardy vào nhóm những “cầu thủ một mùa”.
Vì sao tôi lại nói như thế? Trước hết, Vardy đã chơi không tốt ở một kỳ EURO mà đa số các đồng đội của anh tại Leicester đều thể hiện được giá trị. Anh ấy đã ghi bàn gỡ hòa vào lưới Xứ Wales, nhưng đấy là một sai lầm của trung vệ Ashley Williams nhiều hơn, trong một tình huống mà chính Vardy cũng đã đứng ở tư thế việt vị.
Trước đó, Vardy ghi 24 bàn, trong đó có 19 bàn từ những tình huống “bóng sống”, nhưng đa số là những bàn dễ dàng. Thành tích ghi 24 bàn cũng là nhảy vọt so với những gì anh thể hiện trước đó. 34 trận của mùa 2014/15, Vardy chỉ ghi được có 5 bàn.
Trong 2 mùa ở giải hạng Nhất trước đó nữa, Vardy cũng ghi có 20 bàn trong 63 trận. Lần cuối cùng Vardy có hiệu suất ghi bàn tốt như mùa trước là khi anh còn đá cho Fleetwood Town ở giải đấu không được xếp hạng trong hệ thống các giải đấu tại Anh.
Tính đến trước mùa giải 2015/16, chính Leicester cũng chẳng tin Vardy, người mà họ mua về với giá 1 triệu bảng. Nếu không họ đã không bỏ ra 1,25 triệu bảng cho Chris Wood và 9 triệu bảng cho Andrej Kramaric, kỷ lục của CLB, với hy vọng thay Vardy. Rồi đến khi lên hạng Premier League, Leicester lại chi 8 triệu bảng cho Leonardo Ulloa, 7 triệu bảng cho Shinji Okazaki với hy vọng họ sẽ là chân sút ghi bàn chủ lực.
Một lý do khác: Vardy sẽ 30 tuổi trong mùa bóng sắp tới. Có những tiền đạo ở Anh ghi bàn tốt ở tuổi “băm”. Chẳng hạn như Rickie Lambert, ghi 12 và 14 bàn cho Southampton ở tuổi 30 và 31. Yakubu ghi 17 bàn ở tuổi 30, Didier Drogba ghi 29 bàn ở mùa giải mà anh đã 31 tuổi.
Nhưng đấy là những trường hợp hiếm hoi. Vả lại họ cũng là một mẫu tiền đạo hoàn toàn khác với Vardy, người phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ. Mà tốc độ lại là điều rất khó duy trì khi bạn bước vào tuổi “băm”. Hãy hỏi Robbie Keane, Darren Bent và Michael Owen.
Leicester giữ Vardy lại, họ sẽ phải gồng một khoản lương lớn hơn cho một cầu thủ rất có thể sẽ chơi kém hơn chính mình. Trong khi số tiền này họ hoàn toàn có thể dùng để giữ Kante và Mahrez, những cầu thủ trẻ hơn và có tương lai hơn.
Thế nên tôi mới nói Leicester đã giữ lại người mà họ nên bán nhất trong bộ ba “nguyên tử” ở mùa vừa qua là Kante - Mahrez - Vardy.