Nhưng, thầy trò Juergen Klopp vẫn thắng ngược trước Arsenal, Sheffield United và West Ham. Tất nhiên, phải nói rằng đấy là những trận thắng khó khăn. Thắng đã là khó, trừ phi đẳng cấp chênh lệch rõ ràng. Huống hồ, đây là những trận thắng ngược. Câu chuyện nói lên điều gì?
Hàng thủ Liverpool ở trận gặp Arsenal vẫn còn Virgil van Dijk. Nhưng hậu vệ cánh Andrew Robertson mắc lỗi cá nhân, dẫn đến bàn mở tỷ số cho Alexandre Lacazette. Ở trận gặp Sheffield thì Liverpool đã mất Van Dijk (một cách lâu dài), HLV Juergen Klopp phải điều tiền vệ Fabinho vào vai trung vệ. Fabinho gây ấn tượng trong vai trò này. Đến trận gặp West Ham thì thậm chí Fabinho cũng vắng mặt nốt, vì chấn thương. Một Nathaniel Phillips “nào đó” xuất hiện trong đội hình chính. Lạ thay, Phillips trở thành người hùng!
Bóng đá là môn đồng đội. Riêng trong lĩnh vực phòng ngự, tính chất đồng đội lại càng rõ rệt. Vậy, chúng ta có câu trả lời: vì sao hàng thủ Man City sụp đổ khi không có Aymeric Laporte trong mùa vừa qua, nhưng Liverpool thì đang đứng vững trong hoàn cảnh mất cả Van Dijk lẫn Fabinho.
Câu chuyện Liverpool phải liên tục lội ngược dòng nói lên tính thực tế: quả là hàng thủ Liverpool đã suy yếu vì không có mặt cá nhân hay nhất, nhưng bản thân sự vắng mặt hay có mặt của Van Dijk - dù là trung vệ số 1 thế giới - không phải là tất cả. Còn hễ Laporte “là tất cả” trong lối chơi của Man City, thì đấy là việc của Pep Guardiola.
Chỗ tương đồng giữa Guardiola và Klopp là họ đều có triết lý riêng đặc sắc, từ đó xây dựng sức mạnh có nền tảng, ổn định và lâu dài, cho đội bóng của họ. Khác biệt là ở chỗ: Klopp không quá “siêu phàm” như Guardiola. Thứ bóng đá của Guardiola là thứ bóng đá cứ như đến từ thời kỳ khác, hành tinh khác. Khi thành công, Guardiola trở thành triết gia lỗi lạc. Khi chưa hoặc không thành công, cầu thủ của Guardiola từng thú thật rằng họ... chẳng hiểu ông nói gì.
Klopp “người phàm” hơn. Thứ bóng đá của ông cũng gần gũi, dễ hiểu hơn. Triết lý của Klopp chỉ là nền tảng, trong khi bóng đá không thể tách rời vấn đề chiến thuật. Mỗi trận đấu, thời điểm cụ thể đòi hỏi một chiến thuật cụ thể. Nghĩa là phải điều chỉnh, chứ không bám mãi vào triết lý nào.
Liverpool không chỉ điều chỉnh hàng thủ, mà cả hàng công nữa. Từ đội hình đến lối chơi. Klopp đành hy sinh cách tấn công ào ạt theo đội hình 4-3-3 quen thuộc, chuyển sang đối phó tình huống, bằng sơ đồ 4-2-3-1. Giới quan sát cười cợt: 4-2-3-1 mà trông như 2-4-4 hoặc 2-5-3! Tóm lại là chẳng ra đội hình gì sất. Dĩ nhiên, vì chưa nhuần nhuyễn. Tất cả đều chỉ đang ở tình trạng điều chỉnh. Klopp phải điều chỉnh có thể vì những khó khăn trước mắt, cũng có thể vì nhu cầu đổi mới Liverpool (kể cả khi không ai chấn thương). Mọi chuyện cứ phải khó khăn, hóc búa một tí, thì mới... thật!
XEM THÊM
Marcus Rashford: Ngôi sao của những trận đấu lớn