Lịch thi đấu, Kết quả, BXH Premier League
Ngày xưa, Arsene Wenger chỉ cần mỗi “tuyệt chiêu” nhìn người là đủ vang danh, tạo dựng được chỗ đứng riêng bất khả xâm phạm trong nghề huấn luyện. Ông kéo một cầu thủ chạy cánh “vứt đi” ở Juventus về Arsenal, rồi biến thành trung phong siêu đẳng, đó là Thierry Henry. Còn có hàng chục ví dụ khác nữa. Arsenal hốt bạc nhờ luôn mua được cầu thủ giá rẻ, rồi lại bán đi với giá ngôi sao, nhờ Wenger nhìn ra và biết cách phát huy những giá trị riêng tốt nhất của từng cầu thủ.
Tất nhiên, Wenger cũng có những lúc... nhìn sai, như chính ông thừa nhận tình trạng “bị cảm giác đánh lừa”. Điều quan trọng nhất khiến Wenger trở nên lạc hậu là cuộc cách mạng trong ngành thống kê. Ở đây, chúng ta không nói về những con số đơn giản thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh truyền hình, để phục vụ những khán giả thông thường. Giới cầm quân dễ dàng có số liệu riêng, tùy nhu cầu riêng của họ, do những đội ngũ riêng cung cấp. Lĩnh vực chiêu mộ tài năng trong bóng đá đỉnh cao bước sang ngã rẽ khác.
Juergen Klopp hay ho thế nào khi tuyển mộ Virgil Van Dijk cho Liverpool? Vấn đề không nằm ở “cặp mặt xanh” của ông, kiểu như Wenger ngày trước nữa, mà là sự kiên định với triết lý của mình. Klopp kiên nhẫn chờ đến khi mua được Van Dijk thì thôi, chứ ông không mua ngôi sao khác. Pep Guardiola thành công cũng là nhờ triết lý, cứ phải có đúng ngôi sao phù hợp, chứ không mua những mẫu ngôi sao mà số liệu thống kê nhan nhản khắp nơi đã cho thấy rõ họ chuyền bóng thế nào, di chuyển ra sao, nói chung là cũng rất hay.
Giỏi như Wenger, Klopp, Guardiola, hay nhiều HLV khác nữa (ở đây, chúng ta chỉ nói về cái giỏi trong cách tuyển mộ cầu thủ), thì đều hướng sự hấp dẫn của môn bóng đá đến chỗ tốt đẹp. Ở M.U, nếu như báo chí nói đúng, thì Woodward chủ trương làm thân với nhà đại diện Mino Raiola, hòng mua được những cầu thủ do ông ta đại diện, dễ hơn đội khác. Buồn cho Woodward: Fernandes không phải là ngôi sao “của Raiola”!
Giới bóng đá ghét cay ghét đắng những người như Raiola, bởi sự thao túng trên thị trường chuyển nhượng. Ghét, nhưng không... khinh. Phải tôn trọng “hắn” là đằng khác. Ngược lại, cách điều hành của Woodward thì chẳng ai ghét, đơn giản vì đấy là việc riêng của ông ta. Nhưng, cách làm như thế thật đáng xem thường. “Những Raiola” ngang nhiên tồn tại là nhờ bóng đá luôn có những nhân vật như Woodward - loại doanh nhân chẳng biết có hiểu gì về bóng đá hay không!
XEM THÊM
Vì sao Rashford có thể giúp Bruno Fernandes tốt hơn nữa?