Brentford là đội bóng quá nhỏ nếu so sánh về tầm vóc với M.U. CLB hạng Nhất này rất nghèo khi ngân quỹ hoạt động chỉ xếp thứ thứ 4 từ dưới lên tại giải đấu. Nhưng với tầm nhìn của chủ tịch Matthew Benham, người có bằng Tiến sĩ vật lý đại học Oxford, đội bóng nhỏ bé ấy đã tiến hành cuộc cách mạng dữ liệu từ cách đây 8 năm. Và họ thu được những thành quả không ngờ. Chẳng hạn như vụ mua tiền đạo Neil Maupay từ Saint-Etienne với giá 1,6 triệu bảng năm 2017. Từ nguồn dữ liệu khổng lồ, Brentford kết luận rằng thành tích 12 bàn/53 trận ở 2 mùa gần nhất cho đội bóng Pháp không phản ánh đúng tiềm năng của Maupay.
Thương vụ sau đó thành công rực rỡ. Hai mùa ở Brentford, tiền đạo người Pháp ghi tới 41 bàn và có 14 pha kiến tạo, để rồi lọt vào tầm ngắm của hàng loạt đội bóng hạng trên. Mùa Hè năm ngoái, Brentford bán Maupay cho Brighton với giá 20 triệu bảng, lời gấp gần 8 lần lúc mua.
“Câu chuyện của Brentford chỉ là một ví dụ về hiệu quả trong việc khai thác dữ liệu lớn. Có rất nhiều ví dụ khác, sống động không kém”, David Sumpter - Giáo sư toán ứng dụng và là tác giả cuốn sách “Toán học bóng đá” - cho biết. Theo Giáo sư Sumpter, Brighton cũng dùng ứng dụng dữ liệu để quyết định việc thuê HLV trưởng. “Họ bổ nhiệm HLV Graham Potter vì những dữ liệu phân tích cho thấy, nhà cầm quân này sẽ hợp với kế hoạch đường dài của CLB chứ không phải ứng viên Chris Hughton”, Sumpter tiết lộ.
Chưa rõ lựa chọn của Brighton chính xác tới đâu, nhưng ít nhất đến lúc này, cùng với HLV Potter thì đội chủ sân Falmer vẫn đang đứng trên nhóm xuống hạng tại Premier League. Cơ hội để nhà cầm quân 44 tuổi tiếp tục con đường cùng Brighton, vì thế, đang khá rộng mở. Còn theo Sumpter, việc sử dụng dữ liệu lớn đã là hoạt động không thể thiếu ở những đội bóng hàng đầu châu Âu, như Barca chẳng hạn.
Trong cuốn “The Science of Space Creation” - (Khoa học kiến tạo không gian), Giáo sư Sumpter viết: “Khi Javier Fernandez, Trưởng phòng khoa học thể thao của Barca, đưa tôi tham quan trung tâm dữ liệu mới, có cảm giác tôi đang ở trụ sở của tập đoàn công nghệ Google hoặc một trường đại học hàng đầu nào đó. Javier và đội của anh đang cố gắng dùng khoa học để thấu hiểu bóng đá, với mục tiêu nghiên cứu các dữ liệu được tạo ra trên sân theo cách trung thực nhất và chính xác nhất có thể”.
Theo Giáo sư Sumpter, cũng chính nhờ những nghiên cứu công phu như thế mà Barca đã xây dựng được một triết lý bóng đá đầy khoa học cho lò La Masia. Và dĩ nhiên, chẳng có lý gì M.U không học theo Brentford hay Barca về cách khai thác dữ liệu. Đấy có thể không phải con đường ngắn nhất, nhưng chắc chắn là thẳng nhất dẫn tới thành công ở thời đại “số hóa” này.
Ai là người giỏi nhất? Theo Giáo sư Sumpter, không dễ tìm được những chuyên gia có thể xây dựng hệ thống theo dõi và phân tích hiệu quả các dữ liệu lớn về bóng đá. Bởi đấy là những người, ngoài tài năng toán học thiên bẩm, còn phải yêu môn thể thao vua. “Tôi biết một số gương mặt giỏi nhất, tất nhiên họ không nhiều, nhưng có thể kể nhanh một số cái tên như Ian Graham ở Liverpool, Javier Fernandez tại Barca hay Sarah Rudd ở Arsenal”, Giáo sư Sumpter nói. |
XEM THÊM
Premier League có thể tái khởi tranh vào 6/6