Khâu "chiêu binh mãi mã" của M.U ở hè 2020 đã trở thành câu chuyện được nhắc tái nhắc hồi suốt một thời gian dài. Quỷ đỏ đưa vô số mục tiêu vào tầm ngắm, cả sao số lẫn tiềm năng, nhưng rốt cuộc lại đưa về "ông lão" 33 tuổi Edinson Cavani cùng hai cái tên vô danh Amad Diallo và Facundo Pellistri trong ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng.
An ủi duy nhất của M.U có chăng là bản hợp đồng mang tên Alex Telles - một trong những ngôi sao sáng nhất của Porto mùa trước. Thế nhưng, việc Telles có thực sự chất lượng, hữu dụng tại Quỷ đỏ hay không vẫn cần thời gian trả lời.
Trước mắt, Man United sẽ có chuyến làm khách tới sân của Newcastle tại Premier League, và đây rất có thể là sự khởi đầu cho hành trình đầy phong ba bão táp mới mà Quỷ đỏ nói chung hay HLV Ole Solskjaer Solskjaer nói riêng phải đón nhận.
Sau khi triều đại của Louis van Gaal khép lại năm 2016, phó chủ tịch Ed Woodward mới nhận ra cách tuyển mộ cầu thủ của M.U có vấn đề. Daley Blind cùng Morgan Schneiderlin vẫn được Woodward coi là ví dụ về loại hợp đồng nên tránh. Bộ đôi này ngốn của Quỷ đỏ tới 40 triệu bảng - một con số không hề ít, nhưng trong nhận thức muộn màng, họ không phải là những con người phù hợp với đội bóng.
Chính điều này đã thúc đẩy một cuộc cải tổ ở bộ phận tuyển trạch của Man United, và khi HLV Solskjaer đã có được ba tân binh hàng đầu ông cần là Daniel James, Harry Maguire và Aaron Wan-Bissaka vào hè năm ngoái, nó cho thấy những thay đổi đã được đền đáp. Thế nhưng, bằng cách lạ lùng nào đó, Quỷ đỏ lại cuống cuồng đưa về 4 tân binh ở chợ hè 2020, một trong số đó là Cavani - tiền đạo mà M.U hoàn toàn có thể ký hợp đồng trước từ tháng Giêng.
"Những gì mà hạn chót chuyển nhượng mang lại cho bạn chính là dấu hiệu rõ ràng về việc các CLB đang hoạt động tồi tệ", Gary Neville đã viết như vậy vào ngày cuối của kỳ chuyển nhượng hè 2012. Đó là những gì đã xảy ra lặp đi lặp lại ở Man United kể từ khi Sir Alex Ferguson "rửa tay gác kiếm" vào năm 2013.
Thực tế, M.U đã đồng ý về các mục tiêu chuyển nhượng hè từ tháng Giêng 2020, rút gọn xuống còn 3 người mỗi vị trí và các cuộc họp chi tiết được tổ chức 4 tuần một lần, với sự tham gia của trưởng bộ phận tuyển trạch toàn cầu Marcel Bout cùng giám đốc kỹ thuật Mick Court. Nhưng trước khi các cuộc đàm phán nghiêm túc có thể bắt đầu, Covid-19 đã quét qua xứ sở sương mù, khiến các trận đấu ở Premier League phải tạm dừng.
Man United ước tính rằng mỗi trận trên sân nhà không khán giả khiến họ thiệt hại từ 4 đến 5 triệu bảng doanh thu. Họ cũng phải hoàn lại 20 triệu bảng cho những đài truyền hình do không thể phát sóng trận đấu. Việc nguồn thu sụt giảm khiến Quỷ đỏ không dám vung tay ở vụ Jadon Sancho, bất chấp phi vụ này từng rất gần họ. Ousmane Dembele, Kingsley Coman, Ismaila Sarr, Lucas Ocampos, Douglas Costa và Wilfried Zaha đều được coi là những phương án thế chỗ Sancho, nhưng M.U ưu tiên mượn hơn vung tiền mua thẳng, khiến việc đàm phán đâm vào ngõ cụt.
Một phần nguyên nhân khiến M.U chưa thể bù lỗ, không nhiều thì ít, là do họ đã đánh giá quá cao các "hàng tồn" của mình. Thủ thành Sergio Romero - người hiện chỉ là sự lựa chọn thứ ba ở khung gỗ sau David De Gea và Dean Henderson - đã rất muốn ra đi ở chợ hè 2020. Aston Villa và Everton đều đánh tiếng muốn có sự phục vụ của Romero, song phía M.U nhất quyết giữ giá 10 triệu bảng mới chịu bán. Dĩ nhiên, Aston Villa và Everton quay đầu chạy thẳng, khiến Romero giận dữ. Về phần Quỷ đỏ, họ sẽ phải tiếp tục oằn mình trả lương 100.000 bảng mỗi tuần cho thủ thành người Argentina kể cả anh ngồi chơi xơi nước đến hết mùa này.
Jesse Lingard hay Phil Jones là những trường hợp tương tự khi đều là bị đánh giá là hàng thải của M.U. Thế nhưng, có vẻ như Quỷ đỏ không nhận ra vấn đề rằng các cầu thủ của họ chẳng phải là những ngôi sao nên rất khó để thanh lý được với giá cao. Đó còn chưa kể những Lingard hay Jones đều thuộc dạng "ăn sung mặc sướng" tại M.U nhờ mức lương cao hơn mặt bằng chung, nên việc bán, hay thậm chí cho họ ra đi theo dạng mượn, càng trở nên khó khăn hơn.
Cũng ở chợ hè 2020, Man United từng ép giá ác liệt Roma vụ Chris Smalling, song rốt cuộc cũng phải chấp nhận xuống nước để bán rẻ cho đại diện Italia với giá 13,5 triệu bảng (ban đầu đòi từ 18 đến 20 triệu bảng). Chính sự ảo tưởng này khiến M.U thiếu hụt nguồn thu, dẫn đến hao hụt ngân sách để mạnh dạn chiêu mộ tân binh.
Theo truyền thông Anh, đến tận ngày cuối của phiên chợ hè 2020, M.U vẫn gặp khúc mắc với người đại diện của Cavani về bản quyền hình ảnh. Mọi chuyện chỉ xong xuôi... 54 phút trước deadline, bất chấp tiền đạo lão tướng người Uruguay đã trở thành cầu thủ tự do từ tháng 6.
Việc Cavani đến Manchester muộn đã kéo theo chuyện anh phải cách ly 14 ngày theo quy định nhằm phòng ngừa Covid-19. Điều đó đồng nghĩa Cavani sẽ không thể đá trận ra mắt M.U ở chuyến làm khách trước Newcastle vào cuối tuần này. Tất cả đều do công tác tuyển trạch của M.U, khi tự họ đang tự làm khó mình.
Với tình hình nhân sự hiện tại (Cavani chưa thể tham dự, Anthony Martial bị treo giò, Maguire khủng hoảng tâm lý...), sẽ không có gì ngạc nhiên nếu M.U phải nhận một thất bại trước Newcastle, hoặc may mắn thu về trận hòa. Thế nhưng, Newcastle mới chỉ là cửa ải khó khăn đầu tiên mà M.U phải đối mặt, bởi trong thời gian tới, họ sẽ lần lượt phải đụng độ PSG (Champions League), Chelsea, RB Leipzig (Champions League), Arsenal và Leicester.
Quả thực, mây đen đang bao phủ lấy Old Trafford và các fan của Man United có lẽ nên chuẩn bị sẵn tinh thần để đối mặt với những kết quả nghiệt ngã phía trước.
XEM THÊM
Scholes: 'M.U cần một giám đốc bóng đá'