Pha làm bàn giễu nhại và màn ăn mững phẫn nộ của Tevez
Một pha làm bàn giễu nhại. Một màn ăn mừng phẫn nộ. Đó là cách Carlos Tevez kết liễu Man City, tên trọc phú láng giềng mới nổi. Đồng thời, chấm dứt luôn chuyện tình của mình với M.U. Tiếp bóng từ Ronaldo, chân sút người Argentina dịch trái bóng vừa đủ để Richard Dunne lỡ trớn và thân hình hộ pháp của trung vệ này không che khuất tầm nhìn với khung thành.
Một cú sút, bằng mu lai má trong, bóng cuộn theo quỹ đạo vòng cung khiến cú bay người của thủ thành Joe Hart trở nên thừa thãi và vô nghĩa. Lưới Man City tung lên. 2-0 cho Quỷ đỏ. Cầu trường rung lên bần bật, CĐV M.U nhảy nhót, hát hò phấn khích.
“Tevez! Tevez! Tevez!”, tiếng hô đồng thành như dậy đất. M.U không chỉ dạy cho kẻ láng giếng lắm mồm một bài học mà còn tiến gần hơn tới chức vô địch Premier League 2008/09, khiến những nỗ lực bám đuổi của kình địch Liverpool trở nên vô vọng.
Vậy nhưng, Tevez không cười. Đúng hơn anh không bày tỏ một chút gì vui sướng vì lập đại công. Sau khi lưới Man City tung lên, trong bộ dạng cau có gầm gừ đặc trưng của gã mặt sẹo, tiền đạo này chạy về khán đài phía nam, nơi bộ sậu ban lãnh đạo M.U, trong đó có Giám đốc điều hành David Gill, chễm chệ ngồi tại khu VIP, rồi quắc mắt trừng và khum tay đằng sau tai.
Cử chỉ ấy ra điều Tevez muốn nói: “Thấy gì chưa? Nghe gì chưa? Lũ khốn?”. Ngày hôm sau, cử chỉ của tiền đạo người Argentina chiếm trọn mặt báo tại đảo quốc sương mù, derby thành Manchester hay đua vô địch Premier League chỉ còn là đề tài phụ.
Đó là con đường mà M.U đã đi và đã ngã. Vết xe đổ cứ lặp đi lặp lại đầy ám ảnh. Trong một mô hình thu nhỏ, màn ăn mừng phẫn nộ của Tevez ngày hôm ấy là ẩn dụ vĩ đại cho mối tình trái ngang và tréo ngoe giữa M.U và những cầu thủ bóng đá Argentina.
Một CLB vĩ đại và tận hiến. Một nền bóng đá hùng cường và sản sinh ra vô vàn ngôi sao tấn công. Vậy nhưng mối duyên ấy cứ mãi lỡ làng và để lại một khối u tình nhức nhối suốt mười mấy năm nay cho Quỷ đỏ thành Manchester.
Veron, mối duyên lỡ làng đầu tiên của Quỷ đỏ
Trước khi bước sang thế kỷ này, M.U chưa bao giờ tiến sâu vào thị trường Nam Mỹ. Lịch sử Quỷ đỏ được đắp bồi bằng những tài năng bản địa, từ Những đứa trẻ của Busby đến Class of 92 thời Sir Alex Ferguson. Những cầu thủ người Anh và Ireland là cốt lõi cho sự thành công.
Nhưng sự ra đời và bùng nổ của kỷ nguyên Premier League khiến tốc độ toàn câu hóa trong lòng bóng đá Anh diễn ra với tốc độ chóng mặt. Các CLB bắt đầu săn tìm những tài năng ngoại quốc, không chỉ Âu châu, Nam Mỹ, Phi châu mà còn manh nha sang cả Á châu.
Đối với M.U, trong những năm đầu kỷ nguyên Premier League, nhìn chung tầm nhìn tuyển dụng của đội chủ sân Old Trafford không vượt qua khỏi biên giới Âu châu. Scandinavia là thị trường màu mỡ mà Sir Alex Ferguson tập trung khai khác, với những Peter Schmeichel, Ronny Johnsen, Ole Gunnar Solskjaer hay Henning Berg.
Ngoài ra việc tấn công vào thị trường Pháp, Nga hay Hà Lan cũng đem đến cho Quỷ đỏ những thành công nhất định. Tuy nhiên, trước thềm mùa giải 2001/02, M.U vượt vươn ra khỏi lằn ranh để chiêu mộ Juan Sebastian Veron, nhạc trưởng tài hoa và ma mị của Lazio.
Cùng đến Old Trafford với Veron còn có cả Ruud van Nistelrooy, chân sút người Hà Lan, và việc chi ra 28,1 triệu bảng cho tài năng xuất chúng bậc nhất của bóng đá Argentina lúc bấy giờ cho thấy tham vọng của đội bóng thành Manchester.
Sơ đồ 4-4-2 truyền thống, với hai tiền vệ biên và cặp tiền vệ trung tâm song song, đã lỗi thời. Sự xuất hiện của Veron là báo hiệu cho nỗ lực cải tiến hệ thống chiến thuật của Alex Ferguson. Mặc dù đoạt cú ăn ba vĩ đại ở mùa 1998/99, Champions League vẫn là sân chơi nặng đô với các CLB, kể cả M.U.
Tại đấu trường danh giá nhất châu Âu, nồng độ chiến thuật rất nặng, M.U không thể chỉ sử dụng vài pha bật tường đơn giản để xuyên phá hàng thủ đối phương, vốn là những đội bóng hàng đầu châu Âu, như làm hàng tuần tại trận địa trong nước. Champions League đòi hỏi sự tư duy nhiều hơn.
Veron được kỳ vọng là chia khóa mở cánh cửa đưa M.U vào hàng ngũ tinh hoa của bóng đá châu Âu. Mặc dù vẫn được xem là ông lớn, tuy nhiên thành tích của Quỷ đỏ tại Champions League vẫn khá bất ổn, hoặc thăng hoa hoặc bị lấn lướt.
Tuy nhiên, với Veron, M.U đã sở hữu cầu thủ cả lục địa già thèm khát và e sợ, bởi tài nghệ khuynh loát quần hùng. Đó là một ngôi sao đã tạo dựng tên tuổi tại Serie A, giải VĐQG nắm quyền lực tối cao những năm 1990, giữ trọng trách đưa các nhà vô địch Premier League lên một đẳng cấp mới.
Mặc dù khởi đầu tuyệt vời tại Manchester, thời gian còn lại của Veron tại Anh chỉ toàn bi phẫn và mâu thuẫn. Trong khi tài nghệ của Veron là bất khả hoài nghi, nhãn quan, tư duy chiến thuật, những cú chạm bóng tinh tế và những đường chọc khe sắc lẹm, Gary Neville đưa ra quan điểm rằng vấn đề lớn nhất của tiền vệ người Argentina là thiếu hiệu quả trong thực tế.
“Đã có những ngôi sao không tồn tại được tại M.U. Veron là điển hình. Veron là một người đàn ông tuyệt vời, một cầu thủ bóng đá xuất chúng, nhưng anh ấy không hiểu rõ ý nghĩa trở thành cầu thủ M.U. Veron không cảm nhận được văn hóa và truyền thống của đội bóng này”, cựu thủ quân M.U đưa ra lý thứ nhất khiến Veron thất bại tại Old Trafford.
“Anh ấy không thể xử lý bóng nhanh. Các CĐV M.U không thích xem phô diễn kỹ thuật. Họ muốn máu lửa và sấm sét, đưa bóng cho Peter Schmeichel, ném bóng cho Giggs, tấn công, tấn công và tấn công”, và đây là lý do thứ hai.
Trong những năm sau đó, với sự phát triển vượt bậc của các hệ thống chiến thuật, đặc biệt sự bùng nổ của hiện tượng tiqui-taca, có một lập luận được đưa ra rằng: “Veron đơn thuần không phù hợp với môi trường Old Trafford. Anh ta quá mới còn M.U quá cũ. Và cái cũ kỹ đã chiến thắng”.
Để minh định cho tài nghệ của Veron, hãy nghe Nicky Butt, đối thủ cạnh tranh vị trí trực tiếp với tiền vệ người Argentina tại M.U phát biểu. “Veron là cầu thủ xuất chúng nhất tôi từng tận mắt chứng kiến, sau Cantona. Trên sân tập, anh ấy như thể một thứ tôi chưa từng thấy”.
Và đó là vấn đề, 75.000 CĐV M.U ngồi chật cừng Old Trafford mỗi cuối tuần không được chiêm ngưỡng những gì Nicky Butt chiêm ngưỡng ở Veron. Hai mùa khoác áo Quỷ đỏ, “Phù thủy nhỏ” lúc nào cũng hoang mang bởi tốc độ điên cuồng của Premier League.
Chính anh sau này đã thừa nhận: “Khác biệt lớn nhất là thể chất. Tôi chuyển đến từ một quốc gia mà các trận đấu là cách duy nhất để tập luyện, đến một quốc gia tập luyện điên cuồng ngay từ giai đoạn tiền mùa giải. Ở Anh, họ chơi bóng cả năm. Giáng sinh, Năm mới, đá tất. 6 tháng đầu tôi còn theo kịp, nhưng sau tháng 12, tôi đuối hẳn và không thể theo kịp”.
Rốt cuộc, vụ đầu tư vào thị trường Argentina đầu tiên của M.U đã thất bại thảm hại. Veron cuối cùng được bán tống bán tháo sang Chelsea với cái giá bằng một nửa số tiền Quỷ đỏ đã chi. Nhìn chung bóng đá Anh chưa sẵn sàng cho một tiền vệ hạng sang, để hy sinh yếu tố thể chất và thể hiện sự vượt trội về kỹ thuật.
Heinze - Tên khốn tráo trở
Sau thất bại mang tên Veron, Ferguson trở nên thận trọng với hàng nguồn gốc xuất xứ Argentina. Phải mất thêm 2 năm, M.U mới lại kết duyên với người Á Căn Đình. Nhưng khác với lần trước, lần này tân binh của Quỷ đỏ không phải một tay nghệ sĩ hào hoa và tốn kém. Hắn là một chiến binh gan lì và thủ đoạn: Gabriel Heinze, đến từ PSG với giá hơn 7 triệu bảng.
Nhưng cũng giống những người đồng hương đi trước, El Gringo đến Manchester với vốn tiếng Anh ít ỏi và quyết định không học thứ ngôn ngữ Ăng-lô này làm gì cho nhọc thân. Và một lần nữa, giống như Veron, Heinze ra mắt đầy phấn khích tại M.U, với bàn thắng trong trận ra mắt gặp Bilton và nhanh chóng chiếm lĩnh suất đá chính ở hành lang trái hàng thủ Quỷ đỏ.
Nhưng nếu Veron là đông, đẹp và chỉ để nhìn chứ giá trị thực không đáng là bao, Heinze là sắt: cứng và giòn, thà gãy chứ không chịu bị bẻ cong. Không lâu nữa, cầu trường Old Trafford lại vang vọng “Argentina! Argentina! Argentina” mỗi khi gã đồ tể Á Căn Đình ra đòn hung bạo như thể muốn giết chết đối phương thay vì truy cản. Đến cuối mùa, Heinze được tôn vinh là Cầu thủ xuất sắc nhất năm bởi lối chơi không khoan nhượng, thể hiện tinh thần bóng đá Anh và sự máu lửa.
Cả Sir Alex lẫn thủ quân Roy Keane hiếm khi đánh giá cao sự nhiệt huyết của người Argentina. Tuy nhiên, vị chiến lược gia người Scotland đã phải dùng từ tàn nhẫn để miêu tả Heinze, thậm chí tin rằng y sẵn sàng đốn hạ cả bà nội của mình. Còn Keane lại miêu tả một cách cô đọng: “Hắn là tên khốn tráo trở”.
Nếu Veron đến Old Trafford bằng sự huyên náo khoa trương thì Heinze lại trầm lắng cô đọng, để trở thành một phần quan trọng trong kế hoạch tái thiết M.U của Sir Alex. Nhưng, rốt cuộc, Heinze lại đi vào một cái kết còn thảm khốc hơn Veron tại Old Trafford. Vì chấn thương đầu gối thảm khốc, cầu thủ người Argentina mất vị trí vào tay Patrice Evra từ mùa 2006/07 và tính đến chuyện ra đi.
Sau 3 mùa giải, Heinze đã nhận được sự tin yêu của người hâm mộ M.U bởi sự dấn thân. Nhưng mùa Hè 2007, hậu vệ này dấn thân hơi quá trên thị trường chuyển nhượng khi đòi chuyển đến Liverpool, kình địch của M.U. Suốt 40 năm, không một thương vụ nào được thực hiện giữa M.U và Liverpool, vậy mà Heinze lại cả gan xâm phạm lời nguyền.
Động thái của hậu vệ này khiến mọi thành viên M.U phẫn nộ, Alex Ferguson tìm mọi cách phá hoại vụ chuyển nhượng và đưa Heinze lên giá treo cổ trong lòng CĐV Quỷ đỏ. Cuối cùng, hậu vệ người Argentina chuyển sang Real Madrid, và chẳng ai còn nhớ đã từng có một gã vệ sỹ đồ tể từng đổ cả máu trong màu áo M.U. Heinze đi vào quên lãng, như một tên lính đánh thuê hết phận sự.
Chuyện của Heinze cũng như chuyện của Tevez. Cả hai đều chinh phục Old Trafford bằng sự máu lửa nhưng rồi lại chìm vào quên lãng bởi tâm trí và thân phận lính đánh thuê. Heinze đòi đến Liverpool còn Tevez lại sang Man City thật. Ngày Tevez dơ cao tấm biển RIP Fergie trong lễ mừng công của Man City, tên của anh đã chết ở Old Trafford.
Mối u tình cùng người Á Căn Đình
Ferguson không có duyên với người Argentina đã đành, những người kế nhiệm ông, cũng không ai thành công với một tài năng đến từ xứ Tango. Di Maria là trường hợp điển hình. Vẫn là khởi đầu phấn khích và kết thúc hận thù. Khi Di Maria từ chối tham gia du đấu cùng Quỷ đỏ, anh đã tự mình mở cánh cửa rời Old Trafford.
Nhưng chưa hết, màn ăn mừng phấn khích quá đà trong màu áo PSG, khi gặp lại Quỷ đỏ tại Champions League, khiến hình ảnh El Fideo chết thêm lần nữa trong lòng người hâm mộ M.U. Rốt cuộc, người Á Căn Đình bám trụ lâu nhất tại Old Trafford lại là một Marcos Rojo kém tiếng tăm, với 3 mùa gắn bó. Tiếp đến là Sergi Romero, thủ thành an phận dự bị cho De Gea suốt hơn 2 năm qua.
Mối u tình của Quỷ đỏ với người Á Căn Đình cứ thế kéo dài 2 thập kỷ một cách khó lý giải. M.U là một trong những CLB hùng mạnh nhất. Argentina là một trong những nền bóng đá hùng cường nhất. Cả hai đều hiện thân cho cái đẹp mê hoặc của bóng đá tấn công và tận hiện, vậy mà rốt cuộc chưa một lần trọn tình trọn nghĩa.
Napoli tôn sùng Maradona, Barcelona thần tượng Messi, Fiorentina trân quý Batistuta, ngay đến Man City cũng say mê Sergio Aguero, nhưng chẳng ai được yêu trọn vẹn ở M.U.
XEM THÊM
Ferdinand kêu gọi Pogba làm rõ tương lai
Andy Cole & chỗ xuất sắc... không thể thống kê
M.U cần một tiền đạo bom tấn để kích thích Rashford phát triển hơn nữa