Lịch thi đấu, Kết quả, BXH Premier League
Đây là thời điểm thảm họa với những người khổng lồ của thể thao Anh. Chỉ trong khoảng thời gian 1 tháng, nhà vô địch bóng bầu dục Saracens bị đẩy xuống hạng do vi phạm quy định trả lương. Giờ đây là Man City, ĐKVĐ Ngoại hạng Anh, bị cấm thi đấu tại Champions League trong 2 mùa giải tiếp theo.
Những người ủng hộ luật pháp có thể cảm thấy rằng trật tự đã được khôi phục. Thể thao không phải là món hàng miễn phí, nhưng nó tồn tại là để dành cho đông đảo công chúng hâm mộ. Các đội bóng có thể làm điều họ muốn nhằm đạt những mục tiêu của mình, nhưng phải đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh.
Án phạt của UEFA dành cho Man City sẽ vang dội khắp thế giới, trong một ngành công nghiệp đã làm say mê hàng tỷ tín đồ túc cầu giáo khắp hành tinh, vốn đã quen nhìn thấy tiền và quyền lực thách thức các cơ quan quản lý.
Nếu đây là một án phạt mang tính biểu tượng, dù có thể sẽ sớm bị bác bỏ tại tòa án trọng tài thể thao quốc tế (CAS), thì đó vẫn là một bước ngoặt trong cách phát triển của bóng đá Anh và châu Âu.
Từ bất cứ quan điểm nào, những cầu thủ lớn, các đội bóng lớn đang trở nên quá khó để quản lý họ. Qatar sở hữu Paris Saint-German. Abu Dhabi đầu tư hàng trăm triệu euro vào Man City như là vấn đề cốt lõi của những đế chế thể thao trên toàn thế giới, những thế lực ít nhiều liên quan tới dầu mỏ.
Các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Nga và Mỹ giờ đây lấn át các quan chức bóng đá, biến những giải đấu đỉnh cao thành một phiên bản tài chính toàn cầu, trong đó UEFA, FIFA hay thậm chí cả các chính phủ trở thành những kẻ bất lực đứng ngoài cuộc chơi.
Một cụm từ quan trọng trong phán quyết của UEFA là Man City “không hợp tác trong vụ việc điều tra này”. Lỗi rõ ràng của việc kê khai tăng doanh thu của Man City thông qua các thỏa thuận với đối tác "thân thiết" tại Abu Dhabi là cốt lõi của hành vi phạm tội.
Nói một cách dễ hiểu, đội chủ sân Etihad đã khai khống doanh thu (đến từ các nhà tài trợ) trong báo cáo tài chính gửi lên UEFA trong giai đoạn từ 2012 đến 2016. Việc trả lương cầu thủ quá cao và chiêu mộ nhiều ngôi sao là lý do khiến Man City buộc phải phóng đại doanh thu, hòng lách luật công bằng tài chính (Financial Fair Play).
Một luật sư tham dự quá trình điều tra vụ việc khẳng định, lý do Man City “không hợp tác” là bởi “họ cố làm cho chúng tôi trở nên ngu ngốc”. Hiện UEFA cho phép đội bóng này tiếp tục kháng cáo về án phạt.
Án phạt của UEFA cho thấy tổ chức này bắt đầu thể hiện tiếng nói và cũng sẵn sàng phá bỏ mọi rào cản để cải tổ, nhằm mở rộng quan hệ đến khắp mọi nơi trên thế giới, chẳng hạn như thiết lập một đầu mối để thu hút đầu tư từ các quốc gia dầu mỏ giàu có ở Trung Đông. Qua đó, họ có thể tìm kiếm nhiều tiền hơn nữa vào bóng đá, thúc đẩy sự phát triển của môn thể thao này trên khắp lục địa già.
Có thể nói, luật công bằng tài chính (FFP) là “di sản rùng rợn” đối với những nhà đầu tư bóng đá, của cựu chủ tịch bị thất sủng tại UEFA là Michael Platini. Nhưng sự bất thường vẫn còn. Gia đình nhà Glazers có thể tự do rút tiền khỏi Man United, trong khi Sheikh Mansour lại không được tự do đưa tiền vào Man City, hoặc đưa không vượt quá một mức quy định.
Man City luôn coi FFP là công cụ bảo vệ thế lực cũ (những đội bóng vốn có sức mạnh tài chính và truyền thống) trước đồng tiền đến từ các quốc gia hay quỹ tài sản có chủ quyền. Tuy nhiên, vấn đề của Man City là họ đồng ý ký vào thỏa thuận FFP, sau đó lại cố gắng phá vỡ thứ mà họ đã cam kết.
Man City bị tuyên bố “có tội” là đúng. Cuộc chiến của họ bây giờ là hình phạt và liệu nó có phù hợp với “tội danh” đã nêu ở trên.
Nếu Tòa án thể thao quốc tế (CAS) vẫn giữ nguyên án phạt, Man City có thể sẽ rơi vào khủng hoảng. Man City vẫn còn danh hiệu Champions League mùa này để nhắm tới, nhưng hai mùa sau họ sẽ trở nên vô vị. Các ngôi sao của Pep Guardiola và Man City chắc chắn không muốn bị giới hạn ở các giải đấu quốc nội, đặc biệt trong bối cảnh Liverpool đang khuynh đảo vào lúc này.
Song, cần nhìn xuyên thấu án phạt vừa được UEFA đưa ra. Nó như một thông điệp rằng, thời đại quyền lực không giới hạn của những chủ sở hữu tỷ phú đã qua. Bóng đá không phải là đồ chơi của các tài phiệt có liên quan tới dầu mỏ.
Với khoản tiền phạt và doanh thu Champions League bị mất, Man City có thể thiệt hại tới hơn 100 triệu bảng (194 triệu USD). Tuy nhiên, thứ ít quan trọng hơn tiền chính là án phạt này đã “vỗ” thẳng vào tham vọng của Abu Dhabi và sự nhục nhã bởi những cáo buộc mà họ phải đối mặt trước tòa.
Cơn bão tiền ở Ngoại hạng Anh đã kéo dài suốt gần hai thập kỷ, tính từ thời điểm tỷ phú Roman Abrahamovich mua lại Chelsea từ tay chủ tịch Ken Bates năm 2003. Đã đến lúc bão tan. Cầu thủ Anh được đẩy giá lên kịch trần, cần phải đưa nó trở lại đúng giá trị thực. Những thương vụ bom tấn tới lúc vơi dần, giữa bối cảnh mà một đội bóng ngay cả việc mua được một cầu thủ mới với giá chỉ 10 triệu euro cũng đã là niềm hạnh phúc.
Thái độ của Abu Dhabi lúc này thế nào? Sau Man City, đội bóng nào sẽ là đội tiếp theo chịu hình phạt của “chiếc roi công lý”; cơ cấu và cách thức hoạt động của Premier League liệu đến lúc phải thay đổi, quyền lực của những ông chủ tỷ phú cần được giới hạn... đang là những câu hỏi được đặt ra tiếp theo?
XEM THÊM
Pep sợ mất việc nếu thua Real, thừa nhận không phải HLV giỏi nhất
Kỷ lục vòng 1/8 Champions League: Ronaldo và Messi dẫn đầu
Đội hình giá trị nhất vòng 1/8 Champions League: Không Messi và Ronaldo