Binh pháp có câu: “Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng”, có nghĩa là “Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Biết ta thì dễ rồi, thực lực thế nào, năng lực ra sao, khát vọng và dũng cảm ở mức độ mấy, điểm mạnh điểm yếu hay điểm khoác lác lừa người là gì, ta không hiểu ta thì còn ai hiểu.
Thế nhưng còn “biết người”. Thế nào gọi là biết, làm thế nào để biết, có biết thực hay không, có muốn biết hay không? Trong những dấu hỏi trên, cái cuối cùng là khó nhất. Muốn biết về người là phải thừa nhận giá trị của người tạo ra, khiến ta phải lao tâm khổ tứ muốn biết để mà hoá giải.
Trong mối kình địch derby Manchester, khoảng hơn chục năm trước, MU dưới thời Sir Alex Ferguson không có nhu cầu “biết Man City”. Trong mắt họ, đó chỉ là một gã hàng xóm ồn ào, hợm hĩnh, chẳng may có chiến thắng 6-3 thì cũng chỉ là ăn may, là phong độ nhất thời chứ đẳng cấp mãi mãi thua kém.
Do đó, họ không thèm, không cần, không muốn biết Man City mạnh yếu ra sao, chiến lược dài ngắn thế nào, cần đá kiểu gì để duy trì địch thủ dưới tầm bĩu môi của mình. Cái suy nghĩ thiên kiến và tự phụ đó đã làm hại MU trong suốt 1 thập niên, để rồi chứng kiến Man City trở thành đội bóng hay nhất thế giới, còn mình sa sút xuống tầng lớp trung lưu thất thế.
Bài toán xây dựng đội bóng trong ngắn, trung, và dài hạn của Man City rõ ràng ưu việt gấp 100 lần so với MU. Cùng lắm tiền nhưng Man City dần dần vượt trội ở học viện đào tạo trẻ (đến huyền thoại của MU như David Beckham, Wayne Rooney cũng gửi con học ở đây), chọn HLV, mua bán cầu thủ, xây dựng phong cách bóng đá…
Thế nên, trong cùng một bối cảnh, màu Xanh ngày càng thịnh vượng, hùng mạnh còn màu Đỏ ngày một thâm đen như tiết luộc, tan nát, rối loạn và yếu hèn. Giờ đây, khi derby Manchester diễn ra, MU có thắng thì đúng là “ăn may chó ngáp phải ruồi”, chứ làm gì đủ tuổi mà so đọ từng vị trí để luận thắng thua. Vậy MU có muốn “biết” Man City hay không?
Trở lại thời Chiến Quốc, khi mà nhà Triệu bị Hung Nô uy hiếp liên tục, Triệu Vũ Linh vương cay lắm khi thấy chiến thuật cưỡi ngựa bắn tên của Hung Nô quá ưu việt so với lối đánh trận của mình. Ông liền đi đầu trong phong trào “học rợ Hồ’ để cải tiến quân sự.
Ông mặc trang phục Hồ (một điều tối kỵ với người Trung Hoa ngạo mạn), học cưỡi ngựa bắn cung kiểu Hồ, cải tiến trang bị chiến đấu và phương thức giao tranh đúng y của Hung Nô. Điều này đã khiến Triệu Vũ Linh vương bị cả 7 nước chê cười, tuy nhiên, ông đã tạo ra một đội kỵ binh Triệu tung hoành ngang dọc Trung Nguyên. Cộng thêm sự tài năng quân sự xuất sắc của Lý Mục, Triệu đã khiến Hung Nô sợ mất mật và trở thành một nước mạnh thời Chiến Quốc.
Hồi xưa MU chê Man City là kẻ ồn ào, giờ Man City là trùm Premier League, MU có thấy ngưỡng mộ không? Không những ngưỡng mộ mà còn phục sát đất ấy chứ, nếu không Sir Jim Ratcliffe chẳng nói MU phải học tập Man City, phải noi theo tấm gương này mới hy vọng thành công.
Thua kém người không phải là điều gì xấu hổ, nhưng từ chối học hỏi người để đánh bại người mới mà ngu dốt vô cùng vậy.