Trong suốt lịch sử phát triển chiến thuật bóng đá, có những vị trí hoặc vai trò gắn chặt với một tượng đài nhất định. Franz Beckenbauer và vai trò libero chẳng hạn. Hoặc Roberto Baggio và vai trò “số 9 rưỡi”. Marc Overmars vươn lên trong kỷ nguyên hiện đại, vốn đã bão hòa về chiến thuật, gần như không còn nét mới mang tính cách mạng nào nữa. Nhưng anh vẫn có chỗ tương tự so với những phát kiến mang tính lịch sử. Ngay khi xuất hiện lần đầu tiên ở Premier League, Overmars đã để lại ấn tượng sâu đậm, gây ảnh hưởng lớn về mặt lối chơi. Người ta nói rằng Overmars đã định nghĩa lại cách chơi và vai trò của cầu thủ chạy cánh trong làng bóng Anh.
Khi gia nhập Arsenal vào năm 1997, Overmars nói rằng tốc độ cao của bóng đá Anh thích hợp với lối chơi của mình. Trên thực tế, Overmars với biệt danh “TGV” (tàu siêu tốc) đã lập tức trở thành nỗi kinh hoàng cho mọi hàng thủ. Nhưng tốc độ chỉ mới là một phần nhỏ trong toàn bộ giá trị của Overmars.
Hãy nói về đặc điểm đơn giản nhất khi người ta khen ngợi một ngôi sao bóng đá: thành tích. Overmars đến Premier League trong bối cảnh M.U vẫn đang thống trị tuyệt đối (vô địch 4/5 mùa đầu tiên và về nhì, sau Blackburn, ở mùa còn lại). Chưa ai xem Pháo thủ, đứng dưới cả Newcastle trong mùa bóng trước đó, là đối thủ thật sự của M.U. Ngay mùa đầu tiên góp mặt, Overmars đã góp công lớn giúp Arsenal lần đầu tiên vô địch Premier League, lại còn lấy FA Cup để hoàn thành cú đúp oanh liệt. Chính anh ghi bàn duy nhất giúp Arsenal hạ M.U ngay trên sân Old Trafford - kết quả làm cho cán cân nghiêng hẳn về Arsenal. Rồi anh lại ghi 2 bàn trong trận đấu xác định ngôi vô địch cho Arsenal (thắng Everton 4-0). Đến trận chung kết FA Cup thì Overmars lại ghi bàn giúp Arsenal thắng Newcastle.
Vâng, Overmars đã tỏa sáng với những đóng góp rất cụ thể trong những trận đấu lớn nhất. Và đấy chính là những trận đấu mở ra cả một “kỷ nguyên” oai hùng cho Arsenal, làm thay đổi luôn cục diện của quê hương bóng đá. Thế còn lối chơi?
Như đã nêu, Overmars không chỉ có tốc độ. Nhờ kỹ thuật tuyệt luân, vốn đã là “thương hiệu” của các ngôi sao vươn lên từ Ajax Amsterdam, anh đi bóng rất lắt léo. Hầu như không thể lấy bóng trong chân Overmars. Lối chơi thông minh giúp Overmars trở nên đáng gờm trong mọi quyết định mà anh lựa chọn: chuyền, sút, hoặc tiếp tục cầm bóng đột phá. Truyền thống “chạy và sút”, tạt cánh - đánh đầu, vai trò và lối chơi của cầu thủ đá cánh “chuẩn Anh” bị đưa lên bàn mổ, khi người ta xem những màn trình diễn “độc, lạ” của Overmars bên cánh trái của hàng công Arsenal. Lối chơi quen thuộc trên quê hương bóng đá từ đó đã thay đổi rất nhiều, do ảnh hưởng của Overmars.
Hậu vệ phải Gary Neville của M.U thừa nhận anh đã bị Overmars tra tấn bởi cả tốc độ lẫn lối chơi quá linh hoạt, xem đấy là cầu thủ đá cánh hay nhất mà anh từng đối đầu. Bình luận viên Alan Hansen thì gọi Overmars là “sinh vật lạ của bóng đá hiện đại”. Nhiều lúc, hậu vệ đối phương thật sự không biết phải làm gì để chống đỡ. Họ không dám truy cản trực tiếp, mà chỉ lùi dần, cho đến khi Overmars tiến đến vị trí có thể ghi bàn. Mà Overmars đâu nhất thiết phải ghi bàn! HLV Cha Bum-kun của đội tuyển Hàn Quốc bình luận: “Ai cũng có thể ghi bàn, nếu có Overmars chơi gần đấy”.
Ban đầu, Overmars thiên về chân trái và HLV Louis Van Gaal đặt anh vào cánh phải của hàng công Ajax. Một mặt, anh có thể phát huy những pha đột phá vào trung lộ khi vận dụng chân trái sở trường. Mặt khác, nếu không muốn chơi như vậy thì Overmars phải củng cố khả năng chơi bóng bằng chân phải. Riết rồi chân phải... hay hơn chân trái, và anh lại trở nên đáng gờm khi chơi ở cánh trái của Arsenal. Overmars còn có thể chơi tiền đạo.
Tiếc thay, Overmars chấn thương một cách thường xuyên. Có vẻ như đã thấy trước điều này, HLV Wenger bán anh sang Barcelona sau 3 năm sử dụng, giúp Arsenal “hốt bạc”. Đấy là cả một câu chuyện hấp dẫn khác...
Overmars nay vẫn... như xưa! Mùa bóng vô cùng đáng nhớ 25. Khi chuyển từ Arsenal sang Barcelona vào năm 2000 với giá 25 triệu bảng, Marc Overmars trở thành cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá Hà Lan (tính đến thời điểm ấy). Đấy là một trong những điển hình nói lên tài “mua rẻ, bán đắt” của HLV Arsene Wenger. |
XEM THÊM
Đội hình trẻ tiêu biểu của Premier League 10 năm trước giờ này ra sao?