Người ta luôn nói Arteta là học trò của Pep Guardiola. Vậy thì có khi ông là một học trò tồi, hoặc một kẻ không nghe lời khi có những sản phẩm đầu tay đi trái ngược với triết lý của Pep. Arsenal trong tay Arteta cực kỳ thực dụng, sẵn sàng từ bỏ quả bóng, từ bỏ lối chơi kiểm soát vốn là bản sắc của cả truyền thống Pháo thủ lẫn Pep, để đạt được mục đích. Dù với bất cứ lý do gì, Arteta cũng đang thành công và chúng ta phải ghi nhận điều đó.
Đi sâu vào cụ thể, Arteta khác biệt như thế nào? Đầu tiên, ông từ bỏ cái tôi lớn của người thầy khi luôn muốn áp đặt lối chơi lên đối thủ. Arsenal của Arteta là một tập thể luôn chuẩn bị sẵn tinh thần để chủ động nhún mình.
Chơi rình rập không dễ, nhất là với những đội bóng không được đánh giá cao về tinh thần bền bỉ như Arsenal. Nhưng Arteta vẫn xây dựng theo mô hình đó, truyền vào đầu các học trò thứ kỷ luật sắt về giữ vị trí, cự ly đội hình và vai trò của từng mắt xích.
Điều đó có thể thấy rõ nhất ở trận chung kết FA Cup với Chelsea. Dù được chơi hơn người tới gần 20 phút cuối sau thẻ đỏ của Mateo Kovacic, Arsenal vẫn chỉ cầm bóng 40%. Trước Man City hay mới nhất là Liverpool cũng vậy, Arteta trung thành tuyệt đối với con đường vạch ra ban đầu.
Cũng ở trong 3 trận đấu bị đánh giá là cửa dưới này, tài thao lược của Arteta mới bộc lộ rõ ràng. Khi tấn công, Arsenal sẽ là hệ thống 3-4-3, nhưng khi không có bóng, họ lập tức trở thành 4-5-1 hoặc thậm chí là 5-4-1.
Trong cả 3 trận đấu đó, hàng thủ 3 người cộng thêm 2 cầu thủ chạy cánh chỉ có đúng 1 lần thay đổi. Cụ thể là Kieran Tierney, David Luiz và Rob Holding đá trung vệ. Hector Bellerin chạy cánh phải còn Ainsley Maitland-Niles ở hướng đối diện. Chỉ có đúng 1 lần Shkodran Mustafi thay thế cho Hoding ở vị trí trung vệ lệch phải.
Mấu chốt tại đây nằm ở Tierney. Chàng trai mua về từ Celtic này không chỉ để Arteta sử dụng đơn giản như một hậu vệ trái đơn thuần. Với khả năng theo kèm bền bỉ và óc phán đoán tốt, Tierney là lựa chọn tối ưu ở vị trí trung vệ lệch trái. Nhưng với cái chân trái khéo léo, Tierney còn cực mạnh ở khả năng tấn công.
Tierney được cho phép lao về phía trước khi đội nhà có bóng, tự biến mình thành một hậu vệ trái, tạo điều kiện cho Maitland-Niles thành một cầu thủ chạy cánh. Cứ nhìn bản đồ các pha chạm bóng của Tierney trong trận đấu với Chelsea là rõ khi cặp đôi này đã tạo ra muôn vàn khó khăn Cesar Azpilicueta.
Đây phần nào giống với chiến thuật trung vệ chồng biên mà HLV Chris Wilder đã làm nên tên tuổi ở Sheffield United. Điều này cho phép Arteta vừa tăng cường nhân sự cho hàng thủ, vừa không bị thiếu mất quân số trên mặt trận tấn công.
Khi mất bóng, rất nhanh thôi, Bellerin sẽ lui xuống hợp thành bộ tứ vệ, biến đội hình Arsenal lúc đó thành 4-5-1. Nhưng ngoài sự linh hoạt của Tierney, một yếu tố quan trọng khác để hệ thống này vận hành trơn tru là việc giữ vị trí của cặp tiền vệ trung tâm.
Ở 2/3 trận nói trên, cặp đôi đó là Granit Xhaka và Dani Ceballos. Xhaka thì là một "mỏ neo" đúng nghĩa từ lâu, nhưng việc ép Ceballos không được bỏ vị trí quá nhiều để lao về phía trước là dấu ấn chiến thuật của Arteta. Điều này thể hiện rõ nhất ở trận tranh Siêu cúp Anh với Liverpool, khi không có Ceballos, Arteta gây bất ngờ khi thay thế bằng Mohamed Elneny - cầu thủ vừa mới trở lại sau một năm cho đi mượn.
Elneny không nổi bật ở tất cả các mặt nhưng yên tâm là anh biết tuân thủ chỉ thị của HLV. Do đó, thay thế một đôi chân mềm mại của Ceballos bằng thứ bóng đá cậy sức của Elneny vẫn không khiến Arsenal khác biệt quá nhiều. Họ vẫn chơi "xù xì" như thế và khiến đối phương trả giá bằng những lần phản công.
Câu chuyện tương tự với Alexandre Lacazette. Vốn là một trung phong cực kỳ hiệu quả trong vòng cấm, vị trí trung bình của Lacazette ở trận gặp Chelsea thậm chí còn thấp hơn cả Pierre-Emerick Aubameyang - một cầu thủ chạy cánh. Trong hệ thống của Arteta, một trung phong như Lacazette cũng phải biết hy sinh, thường xuyên lùi sâu, tận dụng các bước di chuyển thông minh của mình để lôi kéo sự chú ý của cặp trung vệ đối phương.
Chính vì vai trò không quá nổi bật này mà khi Lacazette bị thay thế bởi cầu thủ trẻ Edward Nketiah ở trận gặp Liverpool, Arsenal cũng không gặp khó khăn gì khi vận hành. Cái tài của Arteta là vậy, ông không quá phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào (trừ Aubameyang) với hệ thống mà mình xây dựng, đặc biệt là khi thời gian chuẩn bị không quá dài.
Do đó, Mesut Oezil và Matteo Guendouzi đừng mơ được vào sân nếu không tự thay đổi. Tiêu chí rất rõ ràng: Nếu anh không phù hợp với những gì đội bóng cần, anh sẽ không được thi đấu.
Đương nhiên, đây là cách vận hành phù hợp với mặt trận cúp, nơi những trận đấu là một mất một còn. Arsenal không thể gặp đối thủ nào cũng chịu trận như vậy. Đồng thời, đó hoàn toàn là cách Arteta "liệu cơm gắp mắm" trong bối cảnh không có đủ nhân sự cần thiết.
Giờ đây, khi đã có sự bổ sung của Willian, thêm vào đó là trung vệ tiềm năng Gabriel Magalhaes, cách tiếp cận trận đấu của Arsenal có thể khác đi không biết chừng. Dẫu sao, niềm tin của Gooner vào Arteta lúc này đang lên rất cao.
XEM THÊM
Havertz tới Chelsea: 5 bản hợp đồng đắt giá nhất của Chelsea thi đấu ra sao?
Havertz đứng ở đâu trong top 10 bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Ngoại hạng Anh?