Sir Alex không xây dựng đội hình rồi sau đó đưa ra một lý thuyết xương sống về cách nên chơi bóng như thế nào. Tài sản lớn nhất của ông chính là khả năng tổ chức, tạo động lực và phát triển cầu thủ.
Nhưng trong thời đại ngày nay, dường như mỗi HLV muốn thành công đều phải là "triết gia", có triết lý của riêng mình. Dễ dàng tìm thấy những nét riêng biệt nơi Pep Guardiola, Jurgen Klopp, Jose Mourinho... Kể từ khi Sir Alex nghỉ hưu vào năm 2013, nhà vô địch Premier League duy nhất không phải "triết gia" là Claudio Ranieri, dù rằng Leicester có một phong cách thi đấu rất rõ ràng.
Đó là lý do có những nghi ngờ khi Solskjaer lên nắm quyền. Tướng trẻ người Na Uy dường như chẳng có triết lý riêng ngoài việc đi hỏi Sir Alex nên làm gì. Nhưng rồi, nghich lý thay, không có triết lý lại chính là phong cách truyền thống của MU.
Năm 1960, khi Noel Cantwell mới chuyển tới Old Trafford, ông kinh hoàng trước suy nghĩ thô sơ của Quỷ đỏ. Cantwell đến từ West Ham, nơi các cầu thủ tụ tập ở mộ quán cafe Italia gần Upton Park để thảo luận về những xu hướng bóng đá mới nhất sau giờ tập. Còn ở United, tập luyện chỉ là đẩy vài quả tạ, chạy tăng tốc vài lần, chơi chuyền bóng bằng đầu...
HLV, Sir Matt Busby chính là biểu tượng của MU lúc bấy giờ. Nhưng ông có vẻ tụt hậu so với các đồng nghiệp Harry Potts ở Burnley, Bill Nicholson của Tottenham, Alf Ramsey tại Ipswich, Don Revie nơi Leeds, Bill Shankly của Liverpool khi những người này hướng tới một cách tiếp cận trận đấu có tổ chức hơn, thời đấy người ta gọi là "bóng đá hệ thống".
Nhưng MU vô địch 2 lần giải quốc nội trong thập kỷ đó, và giành cúp C1 huyền thoại năm 1968. Hóa ra, cách điều hành của Busby đủ tốt khi ông có Bobby Charlton, Denis Law và George Best - 3 trong số những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá.
Nhưng chuyện sau đó thì sao? Khi Charlton có tuổi, Law bị chấn thương đầu gối hành hạ và đời sống riêng tư làm hại Best, MU chẳng còn biết dựa vào đâu. Busby nghỉ hưu năm 1969 và mọi thứ tại Old Trafford sụp đổ nhanh chóng. Quỷ đỏ xuống hạng vào năm 1974 và chẳng thể giành nổi danh hiệu nào cho tới tận 1977. Và phải mãi tới 1993 mới lại đứng trên đỉnh nước Anh. Không có một triết lý định hướng, MU chông chênh thấy rõ.
MU là đội bóng thành công nhất nước Anh với 20 chức vô địch quốc nội, nhưng những thành công đó chỉ đến trong 3 đời HLV. Khác với những CLB khác, MU dựa dẫm quá nhiều vào những người lãnh đạo phi thường.
Ngược lại, Liverpool - đối thủ vừa thua MU 2-3 ở vòng 4 FA Cup, lại là đội bóng có định hướng rõ ràng bậc nhất nước Anh. Kenny Dalglish, Joe Fagan và Bob Paisley đều tiếp thu những di sản của Shankly. Họ là đội bóng Anh gần như đầu tiên chuyển sang hàng phòng ngự 4 người và trong thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước, The Reds thống trị xứ sương mù và châu Âu bằng thứ bóng đá áp sát, pressing và chuộng cầm bóng.
Tại sao Liverpool đi xuống đầu những năm 90 vẫn gây bàn cãi. Thảm họa Hillsborough tác động lớn, Graeme Souness có thể là một lựa chọn sai lầm để tiếp nối những HLV huyền thoại, sự ra đời của Premier League và truyền hình vệ tinh mở ra cơ hội kiếm tiền cho kình địch MU, thậm chí luật cấm chuyền về cho thủ môn bắt bóng cũng khiến lối chơi kiểm soát khó thực hiện. Có một triết lý mang lại thành công liên tục trong nhiều năm đôi khi lại cản trở nỗ lực thích nghi với một thế giới đang thay đổi.
Sau 3 thập kỷ, thế giới tiếp tục thay đổi, và trở nên hỗn loạn như mùa bóng này. Liverpool vẫn có triết lý. Klopp là người tiên phong trong thế hệ HLV gốc Đức đề cao pressing. Phong cách của ông được cho là phiên bản mới của Liverpool cổ điển.
Với MU, sau khi Sir Alex nghỉ hưu, đã cố gắng vùng vẫy bằng những cách tiếp cận khác nhau, từ phong cách Anh cũ kỹ của David Moyes, đến kiểm soát bóng cực đoan dưới thời Louis van Gaal, tới những khối phòng ngự tầm thấp của Jose Mourinho. Và giờ là Solskjaer - hậu duệ của Sir Alex, không còn từ mô tả nào cụ thể hơn.
Sau hơn 2 năm dưới tay Solskjaer, MU trông đã mạch lạc hơn nhưng không khó để nhận ra sự phụ thuộc lớn vào những cá nhân. Bruno Fernandes đã ghi 19 bàn và đóng góp 14 kiến tạo chỉ trong 32 trận đá chính ở Premier League. Bruno mà không vung đũa phép, MU không biết sáng tạo kiểu gì. Ngoài ra, không thể không nhắc tới những khoảnh khắc thiên tài của Cavani, Pogba, Rashford. Nhưng dù MU trông cực kỳ nguy hiểm khi phản công, vẫn luôn có nghi ngờ về khả năng tạo ra những phương án tấn công mạch lạc của Solskjaer.
Đó chính là điểm mạnh nhất của Liverpool, pressing một cách có hệ thống để rồi đoạt lại quả bóng, nhanh chóng chiếm lợi thế với những siêu sao ở tuyến đầu. Nhưng họ đang trục trặc vì phong độ suy giảm của Salah, Mane và Firmino, chưa kể những bất ổn về nhân sự ở hàng phòng ngự.
Và thú vị thay, trong hoàn cảnh kỳ lạ như lúc này, khi mà lịch thi đấu kéo dài liên tục làm giảm thời gian tập luyện và hồi phục, tính liên kết của Liverpool - thường được coi là điểm mạnh, giờ khiến việc thích nghi trở nên khó khăn hơn.
Còn với MU, một CLB không quá chú trọng tới triết lý, điểm nhấn trong lối chơi của họ là ở cá nhân và những khoảnh khắc. Cấu trúc đội hình ít phức tạp hơn nhưng những phẩm chất truyền thống như động lực và sự đoàn kết lại trở nên quan trọng hơn. Điều này trái ngược với định hướng của tư tưởng chiến thuật hiện đại, nhưng đang mang lại lợi thế lớn cho MU.