Bóng Đá Plus trên MXH

MU vs Tottenham: Đội nào đang có mùa giải tệ hơn?

20 phút trước
MU và Tottenham như đang đi trên hai đường thẳng song song. Cả hai đều đang trải qua một mùa giải tệ hại xét thành tích ở các giải trong nước, nhưng lại còn nguyên hi vọng lên ngôi ở Europa League. Trong khi chờ đợi ngày phán quyết ở châu Âu, thử so sánh xem giữa hai đội rất tệ này, đội nào thực sự tệ hơn?

    MU vs Tottenham, đội nào tệ hơn?

    1. Thành tích MU vs Tottenham

    MU hiện có 38 điểm sau 33 vòng đấu. Nếu Liverpool… nghỉ đá từ tháng 12, họ vẫn có số điểm nhiều hơn MU ở thời điểm hiện tại. Đây là mùa giải tệ nhất của Quỷ đỏ trong gần ba thập kỷ. Họ đã thua 15 trận tại Premier League - con số cao nhất kể từ mùa 1989/90. Thậm chí, có tới 5 đội bóng đã hoàn tất cú đúp thắng cả lượt đi và về trước MU, điều chưa từng xảy ra trong suốt 91 năm qua. Old Trafford, từng là pháo đài bất khả xâm phạm, giờ trở thành nơi gieo sầu cho chính các CĐV nhà, với số trận thua trên sân nhà nhiều chưa từng thấy kể từ năm 1962.

    Bên phía Tottenham, tình hình cũng chẳng sáng sủa hơn. Họ đã để thua tới 18 trận trên mọi đấu trường, chỉ ít hơn ba đội bóng đang trong nhóm xuống hạng. Những chiến thắng oanh liệt đầu mùa như trước MU hay Man City giờ đây trở thành những ký ức xa vời. Tại Europa League, Spurs dù vào tới bán kết nhưng cũng thi đấu phập phù, bị AZ Alkmaar và Galatasaray đánh bại dễ dàng. Khi phong độ tụt dốc và niềm tin lung lay, thành tích chỉ còn là thứ phản ánh đúng những gì đã sai từ bên trong.

    2. HLV MU vs Tottenham

    Ruben Amorim đến MU với kỳ vọng là “Xabi Alonso của Premier League”, nhưng thực tế đã vùi dập vị HLV trẻ người Bồ Đào Nha một cách phũ phàng. Sau 22 trận tại giải Ngoại hạng, ông để thua tới 11, bằng số trận thua của ông trong… 114 trận dẫn dắt Sporting Lisbon. Dưới thời Amorim, MU chưa từng thắng hai trận liên tiếp, và hệ thống 3-4-2-1 bị giới chuyên môn coi là “quá phức tạp đối với một tập thể quá thiếu nền tảng chiến thuật”. Chính ông cũng từng cay đắng thừa nhận: “Đây có thể là đội MU tệ nhất trong lịch sử.”

    Ở phía bên kia, Ange Postecoglou khởi đầu như một làn gió mới tại Spurs, đưa Spurs bay cao trong giai đoạn đầu mùa trước với lối chơi tấn công rực lửa. Tuy nhiên, khi mọi thứ rơi vào khó khăn, người ta bắt đầu thấy sự giới hạn của một HLV chưa từng chinh chiến tại các CLB hàng đầu châu Âu. Sau mỗi trận thua, Ange hoặc cúi đầu im lặng, hoặc đôi co căng thẳng với phóng viên. Mối quan hệ của ông với người hâm mộ cũng xấu đi rõ rệt, đỉnh điểm là hành động “chĩa tai” về phía khán giả trong trận thua Chelsea.

    3. Chuyển nhượng

    Man United chỉ có duy nhất một bản hợp đồng đáng chú ý trong mùa đông là Patrick Dorgu với giá 29 triệu bảng. Trong khi đó, hai cái tên được kỳ vọng là Antony và Rashford đều bị đem cho mượn, trong đó Rashford công khai bị Amorim chỉ trích thái độ tập luyện. Một vấn đề khác với Amorim là những tên tuổi được kỳ vọng khác, tiêu biểu là Rasmus Hojlund, đã chơi tệ hơn thấy rõ. MU sẽ phải tăng cường mạnh tay, nhưng tất cả kế hoạch của họ đều phụ thuộc hoàn toàn vào việc có giành vé dự cúp châu Âu hay không.

    MU đã đẩy Rashford đi

    Tottenham thì ngược lại, đã chi rất đậm. Họ bỏ ra hơn 100 triệu bảng, trong đó 65 triệu dành cho Dominic Solanke, người chỉ ghi được 7 bàn kể từ đầu mùa. Những bản hợp đồng trẻ như Archie Gray hay Bergvall cho thấy tiềm năng, nhưng chưa thể tạo ra sự khác biệt tức thì. Mathys Tel được mượn về trong kỳ chuyển nhượng mùa đông, nhưng dấu ấn anh để lại cũng chỉ ở mức tròn vai. Spurs tiêu tiền, nhưng tiêu sai, đó là cảm giác chung của người hâm mộ khi nhìn vào đội hình chắp vá và thiếu định hướng rõ ràng.

    4. Ngoài sân cỏ

    Với MU, vấn đề không chỉ nằm trong sân bóng. Trong vòng chưa đầy nửa năm, họ đã sa thải cả Erik ten Hag, chỉ 116 ngày sau khi gia hạn hợp đồng với HLV này, cho ông làm mới bộ máy huấn luyện và chi 200 triệu bảng vào chuyển nhương, lẫn Dan Ashworth, vị giám đốc thể thao được xem là nền móng cho dự án tương lai. Những lùm xùm hậu trường, xung đột nội bộ và sự thay đổi liên tục trên ghế lãnh đạo cho thấy một CLB đang vận hành theo kiểu “chữa cháy” thay vì có kế hoạch dài hạn.

    Tottenham thì khác. Họ không khủng hoảng nhân sự cấp cao, nhưng lại thiếu tiếng nói chung giữa HLV và các bộ phận khác. Việc Ange Postecoglou thẳng thắn chỉ trích ban lãnh đạo về kế hoạch chuyển nhượng mùa đông, rồi lại mâu thuẫn với fan sau trận thua Chelsea, cho thấy một bức tranh đậm màu xám. Các CĐV cũng liên tục bày tỏ sự bất mãn với chủ tịch Daniel Levy và chủ sở hữu ENIC.

    Kết luận

    MU và Tottenham, ai tệ hơn? Nếu xét về thành tích, MU đang tệ hơn. Nếu xét về cách quản lý, MU cũng rối hơn. Nhưng nếu xét về mức độ “hụt hơi” toàn diện - từ chuyên môn, chuyển nhượng, phòng thay đồ đến mối quan hệ với người hâm mộ - thì Tottenham cũng chẳng kém là bao.

    Thực tế, cả hai đang rơi vào cùng một loại khủng hoảng - khủng hoảng bản sắc. Họ không biết mình là ai, muốn gì, và cần làm gì để trở lại. Trong một Premier League ngày càng cạnh tranh khốc liệt, nếu không có một kế hoạch đúng đắn ngay từ lúc này, mùa giải tới - thậm chí cả tương lai xa - có thể còn tồi tệ hơn nhiều.

    * Còn bạn, bạn đánh giá mùa giải của đội bóng nào, Tottenham hay MU, là tệ hơn?

    TÙNG LÂM • 20 phút trước
    Tags: MU Tottenham

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Nguyễn Hà Thanh Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay