Mùa giải đỉnh cao của Vincent Kompany là mùa 2010/11, mùa bóng mà Man City đã vô địch FA Cup, đứng thứ 3 ở Ngoại hạng Anh. Trong khi đó, mùa hay nhất của Nemanja Vidic được đánh giá là mùa 2009/10, mùa giải M.U đã giành chức vô địch Cúp Liên đoàn, á quân Ngoại hạng Anh và vào đến tứ kết Champions League.
Cần nhắc lại một chút về tầm vóc của Vidic và Kompany. Đây không chỉ là những thủ lĩnh của hai đại diện thành Manchester, mà còn là những tên tuổi lừng lẫy ở giải đấu xứ sở sương mù. Họ đều là đội trưởng, cùng sở hữu cá tính mạnh dù phong cách có khác nhau. Kompany là một thủ lĩnh đáng tin cậy, là tiếng nói của toàn đội, trong khi Vidic được kính nể bởi tài năng xuất chúng. Cả hai có thể còn thành công hơn nếu không bị những chấn thương tác động, nhưng ở đỉnh cao sự nghiệp, khó có ai vượt qua nổi tầm vóc của họ.
Điều trớ trêu là mùa bóng hay nhất của Vidic và Kompany lại không phải những chiến dịch quá thành công của các CLB chủ quản. M.U để hụt ngôi vô địch về tay Chelsea với chỉ 1 điểm ít hơn ở mùa 2009/10, còn 1 mùa sau đó, mùa 2010/11, City ngậm ngùi nhìn Quỷ đỏ giành cúp với 9 điểm kém hơn. Dẫu sao, họ cũng không đến nỗi trắng tay với các cúp quốc nội.
Không một mùa giải nào Kompany sung mãn như mùa 2010/11. Anh chỉ vắng mặt duy nhất 1 vòng, điều hiếm khi xảy ra trong 4 năm cuối cùng anh gắn bó với sân Etihad. Vidic chỉ chơi 24 trận ở giải VĐQG mùa 2009/10, và M.U sẽ nuối tiếc khi không có sự phục vụ của anh nhiều hơn, bởi rất có thể nếu thế họ đã không để mất chức vô địch.
Thống kê chứng thực điều đó. M.U đã thua nhiều trận ở Premier League (4) trong số 14 trận vắng mặt của Vidic hơn số lần thất bại trong 24 trận có anh (3). Số bàn thua mỗi trận cũng hạn chế từ 0,86 khi Vidic vắng mặt thành 0,67 khi có trung vệ người Serbia. Với một thủ lĩnh vững chãi ở hàng thủ, hàng công United cũng yên tâm tấn công hơn để gia tăng hiệu suất từ 1,93 khi không Vidic lên 2,46 mỗi khi có anh.
Được biết tới với lối chơi phòng ngự quyết đoán và đầy nhiệt huyết, có cảm tưởng Vidic sẵn sàng nhảy vào lửa miễn là cứu được bàn thua. Không nhiều hậu vệ chặn bóng nhiều như Vidic ở mùa giải 2009/10 với 1,1 lần mỗi trận. Điểm yếu về tốc độ được cựu tuyển thủ Serbia bù đắp hoàn hảo bằng lối chơi thông minh, chọn đúng thời điểm ra quyết định. Không phải tự nhiên mà chỉ 6 lần trong 24 trận mùa giải 2009/10 Vidic bị vượt qua, tắc bóng thành công 89,8% và không chiến thành công 73,8%.
Là một nhà hùng biện tài ba, sẽ không ngạc nhiên nếu Kompany trở thành một chính trị gia hay một thủ lĩnh của FIFA. Điều này đã được thể hiện ngay trên sân cỏ. Tỉ lệ tắc bóng thành công của Kompany mùa 2010/11 lên tới 90,1%, chỉ 11 lần thất bại trong số 111 lần nỗ lực tắc bóng. Giai đoạn này, cựu thủ quân Man City còn sở hữu tốc độ rất tốt, đây cũng là điểm ưu việt của anh so với Vidic. Có điều, khả năng không chiến của HLV trưởng Anderlecht đương nhiệm không quá ấn tượng, chỉ chiến thắng 70,2% số lần tranh chấp trên không.
Không cầu thủ nào trong số hai siêu trung vệ này mắc lỗi trực tiếp dẫn tới bàn thua ở mùa bóng đỉnh cao của họ. Kỹ năng chọn vị trí là tối quan trọng với những hậu vệ xuất chúng, và đương nhiên cả Vidic lẫn Kompany đều biết cần xuất hiện ở đâu và khi nào, thể hiện ở 9,3 lần phá bóng mỗi trận của Vidic và 9,1 lần của Kompany.
Mặc dù Vidic và Kompany từng đụng độ nhau không ít ở các trận derby Manchester, nhưng đáng tiếc họ không ở cùng thế hệ. Vidic đã qua bên kia sườn dốc sự nghiệp khi City nổi lên thành thế lực tương xứng với một Kompany bắt đầu chinh phục nước Anh. Cả hai đã ghi tên mình như những huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử Premier League, bất chấp phần thắng về điểm số thuộc về Vidic.
XEM THÊM
Vượt M.U và Man City, Tottenham là CLB giá trị nhất Ngoại hạng Anh
M.U ra yêu cầu chưa từng có với các cầu thủ khi trở lại tập luyện