Trước khi sử dụng chiếc cúp vàng hiện tại, theo thể thức luân lưu, để vinh danh đội vô địch World Cup, từ năm 1930 đến 1970, FIFA sử dụng chiếc cúp khác có tên Jules Rimet, vị cố chủ tịch đã khai sinh ra ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Chiếc cúp này được Abel Lafleur, nhà điêu khắc tài danh người Pháp thiết kế và chế tác từ vàng nguyên khối trên đế làm bằng đá tự nhiên nguyên khối màu xanh da trời. Chiếc cúp cao 35cm, nặng 3,8kg, tạc hình thần Nike, vị thần chiến thắng trong huyền thoại Hy Lạp, nâng chiếc chén hình bát giác. Một bảo vật túc cầu thực thụ.
Tháng 3 năm 1966, nhân sự kiện triển lãm tem hiếm hoi được tổ chức trên thế giới tại Quảng trường Trung tâm Westminster, London, công ty Stanley Gibbons, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh tem và là nhà tổ chức triển lãm, quyết định thuê luôn cúp Jules Rimet để trưng bày cho dân chúng một phen trầm trồ.
Cần nhấn mạnh thêm, sự quan tâm của dân chúng Anh đối với bóng đá ở thời điểm này cực lớn, bởi chỉ 4 tháng nữa, đảo quốc sương mù đăng cai World Cup 1966, kỳ World Cup vẫn được gọi là bóng đá trở về nhà, bởi hơn 100 năm trước (1863), bóng đá ra đời trên đất nước này.
Vì lý do tươi đẹp ấy, triển lãm của Stanley Gibbons đã khai mạc một cách thành công ngoài mong đợi trong ngày 19. Một hôm sau, rạng sáng 20, cúp Jules Rimet... biến mất. Thông tin này lan truyền ra cả thế giới nhanh hơn virus corona và tương tự, khiến cả thế giới lắc đầu ngán ngẩm.
Theo nhân chứng kể lại, việc mất cắp chiếc cúp xuất phát từ sự tắc trách của LĐBĐ Anh. Mặc dù chiếc cúp được trưng bày công khai nhưng vấn đề an ninh lại rất bất cập, lực lượng vừa thiếu lại vừa yếu. Thậm chí vào giờ nghỉ trưa, toàn bộ bảo vệ đều bỏ mặc chiếc cúp vàng để đi ăn trưa.
Mất cúp vàng ngay trước khi đăng cai World Cup quả là thảm họa ê mặt đối với người Anh. Từ bên kia đại dương, người Brazil chế giễu dân Anh rằng nếu chiếc cúp ấy đặt tại Brazil, sẽ chẳng bao giờ lo chuyện mất trộm vì ngay cả những tên ăn cắp của xứ sở này cũng yêu bóng đá mãnh liệt.
Một lực lượng lớn cảnh sát được huy động để truy tìm chiếc cúp vàng. Đồng thời, FA cũng bí mật thuê thợ kim hoàn George Bird chế tạo bản sao chiếc cúp Jules Rimet để đề phòng trường hợp không tìm thấy bản gốc.
Manh mối xuất hiện khi Joe Mears, chủ tịch FA nhận được bức thư đòi tiền chuộc chiếc cúp trị giá 15.000 bảng và ký tên Jackson. Theo tư vấn của cảnh sát, Mears, đồng thời là chủ tịch Chelsea, giả vờ đồng ý với yêu sách của tên trộm và hẹn gặp tại Công viên Battersea.
Một cảnh sát mật được cử đi trao đổi với Jackson bằng vali nhét đầy báo cũ được phủ một lớp tiền 5 bảng. Sau đó, Jackson bị bắt, hắn tên thật là Edward Betchley, một cựu quân nhân. Tuy nhiên, Betchley khai rằng mình được một kẻ khác thuê để đi lấy cái vali với tiền công 500 bảng, đồng nghĩa chiếc cúp vẫn bặt vô âm tín.
Ở thời điểm tưởng chừng vô vọng thì tối ngày 27/3, chiếc cúp Jules Rimet lại vô tình được tìm thấy bởi Pickles, chú chó của Dave Corbett. Ngày hôm ấy, Corbett rời căn hộ tại Norwood, nam London, để đi gọi điện và dẫn chú chó giống collie của ông đi dạo.
"Pickles cứ chạy xung quanh chiếc xe ô-tô của nhà hàng xóm. Tôi tiến lên phía trước và nhìn thấy một gói đồ nằm ở đó. Một gói đồ được bọc bằng giấy báo nhưng buộc rất chặt. Tôi xé một mảnh ở đáy và nhìn thấy cái đế in dòng chữ Brazil, Tây Đức và Uruguay. Tôi xé đầu còn lại và thấy tượng phụ nữ để trên đầu cái chén rất nông. Tôi đã thấy hình ảnh chức vô địch World Cup trên báo đài và tim tôi bắt đầu đập mạnh", Corbett nhớ lại.
Sau đó, Corbett đến đồn cảnh sát khai báo, và tay trung sĩ tỏ vẻ quan liêu: "Này con trai, World Cup chứ không phải World Cuppy đâu". Sau đó, tay cảnh sát ấy bị cấp trên mắng như con còn Corbett, theo quy trình điều tra, trở thành nghi phạm số một cho đến khi được minh oan.
Từ đó, chú chó Pickles trở thành người hùng quốc gia, chủ đề nóng hổi trên các mặt báo. Pickles được vinh danh bởi Hiệp hội bảo vệ chó Anh quốc, trở thành ngôi sao trên truyền hình và thậm chí xuất hiện trong một vài bộ phim.
Riêng Corbett nhận được từ các nhà tài trợ và các công ty bảo hiểm cúp Julet Rimet số tiền lên tới 5.000 bảng, gấp 5 số tiền thưởng cho mỗi tuyển thủ Anh vô địch World Cup sau đó 4 tháng. Cũng không có gì khó hiểu, bởi không có chú chó Pickles của Corbett, Nữ hoàng Anh lấy đâu ra chiếc cúp xịn để trao cho Bobby Moore tại Wembley, sau chiến thắng 4-2 kịch tính trước Tây Đức.
Dù vậy, đã không có cái kết viên mãn cho cả Pickles và chiếc cúp Jules Rimet. Năm 1967, Pickles qua đời vì bị xe cán do mải đuổi theo một con mèo. "Nó là một chú chó hoàn hảo, ngoại trừ việc ghét cay ghét đắng loài mèo", Corbett, người năm nay đã 80 tuổi, vừa nói vừa ngậm ngùi nhìn vào nấm mồ chú chó cưng sau vườn.
3 năm sau, Brazil vô địch World Cup 1970 và giành cúp Jules Rimet vĩnh viễn. Chiếc cúp được trưng bày trong trụ sở của LĐBĐ Brazil cho đến năm 1983 thì bị đánh cắp lần nữa. Lần này không xuất hiện Pickles thứ hai và chiếc cúp huyền thoại vĩnh viễn biến mất. Thấy bảo chiếc cúp đã bị những tên trộm nấu chảy để lấy vàng đem bán.
Trong khi đó, sau khi tìm thấy bản gốc, FA đã trả bản sao lại cho George Bird. Ông giữ chiếc cúp này dưới giường ngủ cho đến khi qua đời. Năm 1997, chiếc cúp được đem bán đấu giá. Giá khởi điểm là 20.000 bảng và FIFA mua lại với giá 254.500 bảng. Chiếc cúp này đang được trưng bày ở Bảo tàng Bóng đá Anh tại Manchester.
XEM THÊM
Vì sao Rashford có thể giúp Bruno Fernandes tốt hơn nữa?
Các sao Ngoại hạng Anh lo bị giảm lương vì Covid-19
Ai là cầu thủ bị đánh giá thấp nhất tại Premier League?