"Anh biết điều gì tôi không thích ở Pep Guardiola không?", Capello hỏi. "Sự ngạo mạn của anh ta. Danh hiệu Champions League mà anh ta giành được với Man City năm 2023 là thứ duy nhất mà anh ta không thử bất cứ thứ gì ngớ ngẩn trong các trận đấu quyết định".
"Còn lại, dù ở Manchester và Munich, vào những trận quan trọng, anh ta luôn muốn trở thành nhân vật chính. Anh ta sẽ thay đổi mọi thứ nhằm mục đích tuyên bố: Không phải các cầu thủ chiến thắng, mà là tôi. Và sự ngạo mạn đó đã khiến anh ta thất bại ở nhiều mùa Champions League. Hơn nữa, anh ta đã gây ra rất nhiều tổn hại cho bóng đá”, chiến lược gia kỳ cựu người Italia nhận xét.
Rõ ràng, có một yếu tố hiềm khích cá nhân ở đây, nhưng Capello chắc chắn không phải là người duy nhất tin rằng Guardiola là người hủy hoại bóng đá. Mặc dù thành tích của Pep Guardiola tại Man City rất ấn tượng, song Barca mới là một trong những đội bóng vĩ đại nhất mọi thời đại dưới thời HLV này.
Pep Guardiola vẫn luôn thừa nhận mình đã may mắn khi tiếp quản một đội hình gồm Carles Puyol, Xavi, Andres Iniesta và tất nhiên là Lionel Messi, vốn đã giành chức vô địch Champions League 2 năm trước. Tuy nhiên, vai trò của ông trong kỷ nguyên thành công chưa từng có của Barca không thể bị hạ thấp.
Ông đã triển khai thứ bóng đá phát huy hết khả năng của một trong những dàn cầu thủ tài năng nhất trong lịch sử. Barca không chỉ kiểm soát bóng xuất sắc mà còn cực giỏi giành lại bóng - và chính sự kết hợp giữa kiểm soát bóng và gây sức ép đó đã khiến họ trở nên hoàn hảo.
Thật vậy, chiến thắng 5-0 trước Real Madrid tại Camp Nou năm 2010 là một kiệt tác sân cỏ, một trong những màn trình diễn bóng đá tổng lực tuyệt vời nhất từng thấy. Nhưng có thể nói, đó cũng là nơi mà vấn đề với Pep bắt đầu, vì hầu như mọi HLV khác trên thế giới đều vội vã sao chép tiki-taka.
Patrice Evra đã hai lần chứng kiến tận mắt sự xuất sắc của Barca. Hậu vệ cánh người Pháp đã đá chính cho MU trong cả 2 trận thua đau đớn ở trận chung kết Champions League trước Barca, vào năm 2009 và 2011.
Anh cũng phải chịu đựng sự thất vọng khi chứng kiến CLB cũ của mình bị Man City của Pep Guardiola soán ngôi để trở thành thế lực thống trị bóng đá Anh trong thập kỷ qua. Vì vậy, anh nhận thức được rằng quan điểm của mình về HLV này có thể bị cáo buộc là thiên kiến.
Tuy nhiên, Evra vẫn khẳng định rằng: “Tôi nghĩ Guardiola vẫn giết chết trò chơi bằng chiến lược tấn công lặp đi lặp lại, tự động của mình. Khi tôi nói vậy, đó là vì bây giờ chúng ta bị rô-bốt hoá. Mọi người đều muốn chơi như Guardiola. Thủ môn phải là số 10!
Tiki-taka tuyệt vời thật, nhưng chỉ có Pep Guardiola mới làm được. Tại sao mọi người lại sao chép một cách phi sáng tạo. Chúng ta sẽ không bao giờ thấy một cầu thủ nào như Ronaldinho nữa bởi HLV sẽ doạ: Nếu anh không chuyền bóng, tôi sẽ cho anh ngồi dự bị. Bóng đá đường phố bị tuyệt chủng”.
Việc Evra nhắc đến Ronaldinho có vẻ là có chủ đích, mặc dù cần phải thừa nhận rằng Pep Guardiola đã buộc “Rô vẩu” phải rời Barca ngay sau khi tiếp quản Barca vào mùa hè 2008. Một cầu thủ ngẫu hứng như vậy không thể phát triển mạnh mẽ trong cấu trúc cứng nhắc mà Guardiola thiết lập tại Camp Nou.
Zlatan Ibrahimovic, một dị nhân khác trong bóng đá hiện đại, chắc chắn cảm thấy lạc lõng và bị hạn chế trong môi trường giống như trường học của Barca - nơi mà những học viên tốt nghiệp La Masia như Messi đã quen - và Pep Guardiola vẫn tiếp tục bị ám ảnh bởi những tuyên bố rằng ông không muốn làm việc với những người có tinh thần tự do.
Jack Grealish là một ví dụ điển hình khác. Cầu thủ chạy cánh này có thể đóng một vai trò nhất định trong cú ăn ba của Man City, nhưng chắc chắn anh không được đánh giá cao tại Etihad và không còn giống với tài năng tuyệt vời mà anh ấy từng có ở Aston Villa.
Sự thiếu chuyên nghiệp rõ ràng của Grealish đã góp phần vào sự thoái trào của anh, nhưng Pep Guardiola đã phải chịu một phần trách nhiệm vì bị cáo buộc đã tận dụng mọi tài năng của một cá nhân tài năng vì lợi ích của nhóm. Tuy nhiên, thật bất công khi đổ lỗi cho cái chết của "trequartista" theo trường phái cũ chỉ vì Guardiola.
Những tiền vệ tấn công tuyệt vời như Kevin De Bruyne và Bernardo Silva đã phát triển mạnh mẽ dưới thời Guardiola, và mặc dù họ có thể được giao nhiều nhiệm vụ hơn những cầu thủ số 10 trong quá khứ, nhưng đó cũng là sản phẩm của cách mà trò chơi đã diễn ra trong 15 năm qua.
Một cầu thủ được yêu thích khác của Pep Guardiola là Thiago Alcantara đã nói: "Nó có một tốc độ, nhịp điệu khác: nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Số 10 cổ điển gần như đã biến mất. Các cầu thủ làm nhiều hơn nhưng nhanh hơn, vì vậy chúng ta thấy ít phép thuật hơn, ít tưởng tượng hơn”.
Thể chất và sức mạnh ngày càng trở thành những tố chất được thèm muốn ở các cầu thủ trẻ và Guardiola khó có thể chịu trách nhiệm cho sự thay đổi cụ thể đó trong chiến lược tuyển dụng, vì Barca của ông không hẳn là một đội bóng toàn những gã cơ bắp.
Ngược lại, Messi đã chứng minh rằng không chỉ có thể đánh bại các đội bóng lớn hơn và mạnh hơn, mà còn có thể chạy vòng quanh họ bằng cách thực hiện các động tác được tập luyện tỉ mỉ. Đây là một bước phát triển rất được nhiều người hoan nghênh sau "cái thứ chết tiệt" mà những người như Jose Mourinho và Rafa Benitez đã làm trước khi Pep Guardiola bùng nổ trên sân bóng.
Tuy nhiên, Capello lập luận rằng những chiến công định hình kỷ nguyên của Barca đã tạo ra quá nhiều bản sao của Guardiola, đặc biệt là ở Ý, nơi có nền văn hóa bóng đá rất trái ngược với Tây Ban Nha. "Mọi người mất 10 năm để cố gắng sao chép anh ta. Nó đã phá hỏng bóng đá Ý, khiến bóng đá mất đi bản chất của nó”.
Ngay cả Jorge Valdano, vốn là một fan của Pep Guardiola, cũng thừa nhận rằng bóng đá đang trong giai đoạn đồng nhất hóa đáng lo ngại, điều này chắc chắn có liên quan đến tiki-taka. Cựu danh thủ người Argentina phát biểu: "Các học viện tạo ra những cầu thủ công nghiệp nhưng không có ai độc đáo. Mọi người đều tập luyện theo cùng một cách. Họ lạm dụng bóng 1 hoặc 2 chạm, mất đi những kỹ năng đánh lừa, rê bóng và những khoảnh khắc khó đoán khiến bóng đá trở nên thú vị. Tất nhiên, khi nói đến chất lượng thẩm mỹ của một thương hiệu bóng đá cụ thể, vẻ đẹp phụ thuộc rất nhiều vào mắt người xem”.
Rất nhiều CĐV trên khắp thế giới đồng ý với tuyên bố nổi tiếng của Annibale Frossi rằng 0-0 là kết quả hoàn hảo, và thích thú hơn với nghệ thuật phòng ngự bậc thầy của Jose Mourinho tại Camp Nou so với việc các cầu thủ của Pep đưa MU vào "vòng xoay" và khiến họ "choáng váng" với những đường chuyền.
Tuy nhiên, một số thay đổi chiến thuật đã định hình lại bóng đá, và đó là lý do tại sao Giorgio Chiellini tin rằng thứ gọi là "Guardiolismo” đã hủy hoại nhiều hậu vệ người Ý. Trung vệ huyền thoại này nhận xét: "Bây giờ họ biết cách thiết lập nhịp điệu và chuyền bóng. Nhưng họ không biết cách kèm người. Thật đáng tiếc vì chúng ta đang mất đi DNA của mình, thứ đã giúp chúng ta trở nên xuất sắc trên thế giới. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ có thể chơi tiki-taka vì nó không phải là một phần trong triết lý của chúng ta".
Tuy nhiên, Guardiola không yêu cầu hoặc ép buộc họ phải chấp nhận triết lý của ông. Mục tiêu duy nhất của ông là giành chiến thắng trong các trận đấu tại Camp Nou - không phải gây ảnh hưởng đến mọi người ở các quốc gia khác. Và chúng ta cũng đừng quên rằng bản thân Pep Guardiola là một học trò của Johan Cruyff - một huyền thoại người Hà Lan - đồng thời cũng học được rất nhiều từ Marcelo Bielsa, chiến lược gia nổi tiếng người Argentina.
Phải thừa nhận rằng có những lo ngại chính đáng về cách bóng đá đang diễn ra, đặc biệt là về tầm quan trọng giảm sút của sự ứng biến, và Guardiola chắc chắn đã đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển gần đây. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: bóng đá luôn thay đổi và mọi hành động đều tạo ra phản ứng, sớm hay muộn.
Chúng ta thậm chí đã thấy nhiều bằng chứng trong năm qua cho thấy rằng ngay cả Pep Guardiola vĩ đại cũng có thể phải thích nghi để đối phó với những đối thủ ngày càng táo bạo và trực diện. Thực tế là rất nhiều HLV mới nổi từ Ý và trên khắp thế giới đã chọn học phương pháp của ông. Do đó nó không hẳn là lỗi của một mình ông.