Chúng ta không chắc chắn biết có mô tả khác nhau nào có thể thể hiện rõ nhất hiện tượng này. Xoay tua phạm lỗi? Lần lượt phạm lỗi? Phạm lỗi tập thể? Dù chúng ta gọi nó là gì, có một điều rõ ràng: bóng đá phải dẹp trừ được tệ nạn bạo lực dơ bẩn này.
Wilfried Zaha là một nạn nhân điển hình của trò xảo quyệt này. Trong trận đấu giữa Crystal Palace với Sheffield United vào thứ Bảy vừa qua, anh biến thành một cầu trượt bơm hơi thoát hiểm để từng hành khách lần lượt nhảy giẫm lên theo lệnh của tiếp viên hàng không.
Sander Berge là người đầu tiên bước lên “băng chuyền phạm lỗi” với Zaha ở phút thứ ba. Một lát sau, đến lượt George Baldock phạm lỗi với Zaha. Anh ta đã phạm lỗi vào phút thứ 18 (kéo Zaha và đã nhận được một thẻ vàng), song đến phút thứ 34, lại tấn công đối thủ bằng những chiếc đinh tán gầm giầy.
Thế nhưng, trọng tài Andrew Madley không thể đưa ra một quyết định nặng tay vì khoảng cách giữa những lần phạm lỗi là quá xa, lại bị chen vào bởi những cầu thủ khác của Sheffield. Họ đã xoay tua phạm lỗi để tránh những chiếc thẻ đỏ nguy hiểm.
Một thời gian ngắn trước khi hiệp một kết thúc, Chris Basham phạm lỗi với Zaha. Ở phút 68 đến lượt John Fleck; sau đó phút thứ 77 đến lượt John Egan và cú phạm lỗi ở phút 90 là nhiệm vụ của John Lundstram.
Điều ngạc nhiên duy nhất là Zaha không bị ăn một cú gót giày từ HLV Chris Wilder của Sheffield khi họ đi cạnh nhau lúc hết giờ. Một kế hoạch hoàn hảo.
Một số người sẽ nói rằng, điều này là bình thường. Trong quá khứ, NHM của Man United hẳn nhớ vụ huyền thoại George Best bị tất cả mười cầu thủ đối phương phạm lỗi trong suốt 90 phút.
Như thế, hiện tượng này không phải là mới mẻ hay xu hướng hiện đại, nó cũng đã từng là di sản của bóng đá. Tuy nhiên, sự khác biệt ngày nay là mức độ xử lý khi băng chuyền phạm lỗi manh nha xuất hiện, nhằm ngăn ngừa nó trở thành bộ môn khoa học được phối hợp với độ chính xác, nhuần nhuyễn cao.
Troy Deeney, tiền đạo của Watford, đã để lộ đuôi mèo một cách vô tình khi anh ta nói: “Chúng ta sẽ thay phiên nhau triệt hạ Zaha. Tôi biết không ai muốn nghe điều đó, nhưng bạn phải triệt hạ anh ta. Tôi đánh lần này, bạn đánh anh ta lần sau. Không cần dùng đến những cú tắc bóng bởi tuỳ theo tình huống mà sử dụng biện pháp thích hợp: giật cùi chỏ, giẫm chân, bóp chỗ kín…”.
Cuộc phỏng vấn này tình cờ được tung ra vào năm 2018 và hầu như không khiến ai khóc thút thít. Đó có lẽ là dấu hiệu hùng hồn nhất về việc phạm lỗi xoay vòng đã trở thành một chiến thuật trong bóng đá hiện đại. Các chuyên gia gọi nó là chuyên nghiệp, là thông minh. Nhưng rõ ràng, về bản chất, đó là một mánh khoé gian lận, bẩn thỉu.
Về phần mình, Zaha đang tức giận điên người. Rõ ràng là các chiến thuật này không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến kết quả của trận đấu, mà còn gây nguy hiểm cho tuổi thọ nghề nghiệp của chính cầu thủ. “Tôi tức đến phát rồ khi bị tấn công mà không được bảo vệ. Chẳng lẽ, trọng tài sẽ chỉ rút thẻ đỏ sau khi tôi bị đạp gãy chân?”.
Cho dù Zaha không là một con người hoàn hảo, và thói than vãn của anh với các trọng tài đã bị lên án rộng rãi, nhưng chúng ta không thể đổ hết mọi thứ lên đầu tiền đạo này. Nó giống như nạn nhân của một vụ trộm hàng tuần phàn nàn điều đó với một lực lượng cảnh sát thờ ơ, vô trách nhiệm.
Trong 5 trận gần nhất xảy ra tình trạng cầu thủ bị phạm lỗi ít nhất 8 lần, thì có tới 3 lần nạn nhân có tên là Wilfried Zaha. Những trận đấu mà Zaha bị tấn công có hệ thống bao gồm các đối thủ như Tottenham và Man United, thậm chí, các cầu thủ Man United đã phạm lỗi với Zaha tới 10 lần.
Đây là lý do tại sao chắc chắn đã đến lúc có một chỉ thị mới, cung cấp cho các trọng tài các công cụ trừng phạt cho hiện tượng này. Ở trận đấu giữa Crystal Palace với Watford vào tháng 12/2019, hiện trường tội ác chứng kiến việc Zaha bị tấn công suốt 90 phút bởi những lỗi cách xa vòng cấm địa (để tránh penalty), và logic lần lượt phạm lỗi (để tránh thẻ đỏ).
Giải pháp để chống lại hành vi phạm lỗi tinh vi này thực ra không khó. Hiện tại, cầu thủ phạm lỗi có thể nhận thẻ vàng vì phạm lỗi tích lũy. Do đó, có một quy tắc được thiết lập rõ ràng là, nếu một cầu thủ phạm ba lỗi liên tiếp mà mỗi lỗi đều dưới ngưỡng nhận thẻ thì việc tích luỹ lỗi này cũng có thể đưa ra quyết định rút thẻ.
Đây có phải là lúc áp dụng logic này để bảo vệ nạn nhân không?
Thời điểm một cầu thủ bị phạm lỗi lần hai trong một trận đấu, trọng tài nên nhắc nhở đội phạm lỗi về vấn đề này, để đảm bảo rằng những cầu thủ khác trong đội nếu cố tình phạm lỗi lần thứ ba sẽ bị nhận thẻ vàng, và sẽ là thẻ đỏ cho cầu thủ phạm lỗi lần thứ tư. Điều này sẽ có thể chấm dứt hoặc ít nhất là giảm thiểu hiện tượng các các cá nhân liên tục bị phạm lỗi trong suốt trận đấu.
Tất nhiên, đây không chỉ là về Zaha, mà là nhiều người khác đã từng là nạn nhân, chẳng hạn như Adama Traore của Wolves, người đã bị 3 cầu thủ của Tottenham phạm lỗi trong hơn 15 phút của trận đấu diễn ra hồi tháng 12/2019.
Cho dù 3 thẻ vàng đã được rút ra cho những vi phạm này (tất nhiên không có thẻ đỏ) nhưng Spurs đã giành chiến thắng với tỷ số 2-1. Tuần trước, Brighton cũng đã dùng cùng một chiến thuật, với ba cầu thủ khác nhau phạm lỗi với Traore.
Vấn đề là hình thức bắt nạt tập thể này đã trở thành chiến thuật đặc hữu trong bóng đá. Nó hiếm khi được bình luận, hay để lên án riêng rẽ như một điều tiêu cực trên sân cỏ. Nhưng dù sao, đã đến lúc hiện tượng phạm lỗi quay vòng phải bị chấm dứt, một lần và mãi mãi.
XEM THÊM
Ighalo nói gì khi đặt chân xuống sân bay ở Manchester?
Klopp: ‘Liverpool chơi như một đội sắp phải xuống hạng’
Kỳ nghỉ đông đầu tiên trong lịch sử Ngoại hạng Anh có gì đặc biệt?