Khi còn thi đấu, Stan Collymore từng được xem là một trong những tài năng triển vọng nhất của bóng đá Anh. Tiền đạo sinh năm 1971 này từng được Sir Alex Ferguson đánh giá là sự thay thế tuyệt vời nhất cho lão tướng Mark Hughes ở sân Old Trafford, dù cuối cùng Sir Alex lại quyết định ký hợp đồng với chân sút Andy Cole. Năm 1995, Collymore lập kỷ lục về phí chuyển nhượng dành cho một cầu thủ người Anh, khi chuyển từ Nottingham Forest sang Liverpool với giá 8,5 triệu bảng.
Ai cũng nghĩ Collymore sẽ sớm trở thành huyền thoại khi chứng kiến những gì anh thể hiện trong màu áo của Liverpool trong mùa giải đầu tiên. Collymore cùng với Robbie Fowler tạo thành “song sát” thuộc loại hay nhất trong lịch sử đội bóng thành phố cảng nước Anh nói riêng và trong lịch sử bóng đá xứ sương mù nói chung. Ở mùa bóng đó, Collymore cùng với Fowler đã ghi tổng cộng 55 bàn thắng trên mọi mặt trận.
Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu xấu dần với Collymore ở mùa giải thứ 2. Đầu tiên anh bị những chấn thương dai dẳng hành hạ. Điều đó khiến anh cảm thấy lo lắng và hay nghĩ ngợi vẩn vơ. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Collymore ngày càng cảm thấy cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, đầu óc trống rỗng. Anh mất ngủ thường xuyên, có khi thức trắng đêm tới sáng, rồi đến thẳng sân tập.
Cứ như vậy, Collymore bị mắc chứng trầm cảm từ lúc nào chẳng biết. Anh thi đấu sa sút thê thảm để rồi Liverpool buộc phải đưa ra quyết định chia tay với tiền đạo từng được xem là thần đồng của bóng đá Anh vào năm 1997. Chuyển sang Aston Villa, đội bóng mà Collymore yêu thích từ khi còn là một cậu nhóc, những tưởng anh sẽ bớt bị áp lực hơn và có cơ hội dần thoát khỏi căn bệnh trầm cảm. Nhưng hóa ra, đó lại là bước ngoặt khiến bệnh tình của Collymore trở nên nghiêm trọng.
Vấn đề lớn nhất với Collymore lúc đó là không ai tin rằng anh mắc bệnh trầm cảm. Khi Collymore chia sẻ với HLV John Gregory, anh nhận được câu trả lời vô cảm: “Nếu một bà mẹ đơn thân nói với tôi điều đó, tôi sẽ tin. Còn với một cầu thủ nhận lương cao ngất ngưởng như anh thì làm gì có chuyện bị mắc bệnh trầm cảm”. Sự thiếu hiểu biết và thiếu chia sẻ của mọi người lúc bấy giờ khiến Collymore cảm thấy cô độc. Có lần anh phải tự đến bệnh viện Roehampton Priory ở London để điều trị trong 3 tuần. Khi trở lại Aston Villa, đồng đội Gareth Southgate hỏi rất vô tư: “Cậu đã trốn biệt đi đâu vậy?”.
Thời điểm đó, nhận thức về căn bệnh trầm cảm trong bóng đá Anh còn rất mơ hồ. Hầu như chẳng ai tin vào những điều mà Collymore nói về căn bệnh mà anh phải chịu đựng. Họ cho rằng đó chỉ là cái cớ để Collymore thoát khỏi những chỉ trích về thói ăn chơi, đàn đúm mà thôi. Những trầm uất bị dồn nén, tích tụ từng khiến Collymore vung tay đấm thẳng vào mặt bạn gái cũ trong một lần đi Bar. Anh cũng đã từng có ý định tự tử để tự giải thoát bản thân khỏi sự bế tắc.
Rất may Collymore đã không nghĩ quẩn như cố thủ môn người Đức Robert Enke – người đã lao vào tàu hỏa năm 2009 do bị trầm cảm. Cầu thủ người Anh đã rất nỗ lực chống chọi với bệnh tật, dù có lúc anh muốn buông xuôi bằng cách ngủ 20 giờ đồng hồ mỗi ngày, trong 3 tuần liên tiếp.
Chứng trầm cảm đã cướp đi của bóng đá Anh một tài năng xuất chúng, nhưng không quật ngã được Collymore. Sau khi giải nghệ năm 2001, anh đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau, từ bình luận viên, đến phóng viên. Thậm chí Collymore còn đóng phim “Bản năng gốc 2” cùng với cô đào nổi tiếng Sharon Stone… Đặc biệt, Collymore luôn là người tiên phong trong phong trào ủng hộ những người mắc bệnh trầm cảm.
Không danh hiệu Tuy rất tài năng và từng thi đấu cho đội bóng nổi tiếng Liverpool, nhưng Collymore chưa từng giành được bất kỳ danh hiệu cao quý nào trong sự nghiệp. 62 bàn thắng trong sự nghiệp của anh ở Premier League chỉ đổi lấy được một danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất” vào tháng 01/1996. Collymore còn từng bị BPD 3. Khi còn thi đấu, Collymore chỉ 3 lần được triệu tập vào ĐT Anh. Tuy nhiên anh không ghi được bàn thắng nào trong màu áo Tam sư. |
XEM THÊM
'Cầu thủ xuất sắc hơn Maradona' vừa qua đời
Ronaldo có tên, Messi vắng mặt trong biệt đội 'dội bom' ở từng vị trí