Kỳ vọng thì nhiều...
Trong số các HLV đã cập bến Old Trafford trong kỷ nguyên “hậu Sir Alex”, Erik ten Hag có lẽ là cái tên được đặt nhiều kỳ vọng nhất. Một phần vì các CĐV của Quỷ đỏ đã phải sống trong nỗi thất vọng quá lâu. Một phần vì bản thân Ten Hag cũng là cái tên đáng kỳ vọng so với các HLV trước đó.
David Moyes chưa bao giờ là “người được chọn”. Louis van Gaal tạo cảm giác già cỗi, từ con người tới lối chơi. Jose Mourinho gây chia rẽ ngay từ đầu. Ole Gunnar Solskjaer được về tinh thần, nhưng chưa bao giờ được đánh giá cao về chiến thuật. Ralf Rangnick thì không còn là một “HLV” đúng nghĩa.
Ten Hag, trong khi đó, là một ngôi sao mới của làng HLV. Những gì mà ông làm được cùng với Ajax thực sự quá ấn tượng. Trong khi xác lập lại vị thế thống trị ở giải vô địch Hà Lan, Ajax còn là một hiện tượng nổi đình nổi đám ở Champions League. Đặc biệt là ở mùa giải 2018/19, khi dàn cầu thủ trẻ trung của họ đã khiến cho các đội bóng lớn thất điên bát đảo với lối chơi bóng đầy tốc độ, nhịp nhàng, thông minh mà hiệu quả.
Những người theo sát Ten Hag, từ khi ông khởi nghiệp, rồi tới khi sang Bayern học nghệ của Pep Guardiola rồi trở về Hà Lan cầm Ajax, đều gọi Ten Hag là một “thiên tài chiến thuật”.
Ten Hag có vẻ chính là mẫu HLV mà tất cả các CĐV của MU đều muốn thấy trong băng ghế kỹ thuật của Old Trafford. Đủ tài năng. Đủ cá tính. Và quan trọng không kém là ông theo đuổi triết lý bóng đá chủ động, kiểm soát và tấn công, thay cho lối chơi thụ động thời Solsa, hay lối chơi không ra hình thù gì dưới thời các HLV khác.
Thực tại khắc nghiệt
Ten Hag có lẽ cũng muốn tạo ra một thứ bóng đá như thế ở Old Trafford. Nhưng cũng rất nhanh, ông nhận ra đó là một mơ mộng hão huyền. Hai thất bại liên tiếp trước Brighton và Brentford ở những vòng đấu ra quân của Premier League mùa trước như hai cái tát cực nặng vào niềm tin của Ten Hag.
Cùng với việc MU không thể mua được Frenkie de Jong, vị HLV người Hà Lan biết rằng nếu muốn tồn tại, ông cần phải thỏa hiệp. Thời khắc đánh dấu Ten Hag chính thức quay xe - hướng về phía sự thực dụng - là khi ông đồng ý để CLB mua Casemiro từ Real Madrid.
Với sự xuất hiện của Casemiro, một chuyên gia đánh chặn nhưng khả năng thoát pressing và điều phối bóng đều hạn chế, tuyến giữa của MU thay vì “chia bài” quay sang tập trung vào “đấm đá”, cố gắng giành lại bóng và phát triển thật nhanh cho các cầu thủ tấn công ở phía trên. Cách chơi này phù hợp với những người như Bruno Fernandes hay đặc biệt là Marcus Rashford hơn cả.
Không có gì khó hiểu khi trong 4 trận đấu hay nhất mùa giải của MU mùa trước - các chiến thắng trước Liverpool, Arsenal, Man City và Barcelona - tỉ lệ kiểm soát bóng trung bình của Quỷ đỏ chỉ là 35,8. Tương tự là trận chung kết Cúp Liên đoàn.
Nhưng đó không phải là điều mà các CĐV muốn thấy. MU từng chơi như thế dưới thời Solskjaer, thậm chí đội bóng của vị HLV người Na Uy còn thể hiện tốt hơn trong cách chơi này, rõ nhất qua thành tích đối đầu ngang ngửa với Man City của Pep Guardiola. Đó là cách chơi không thể đưa MU tiến xa.
Bởi nó chỉ phát huy hiệu quả trước những hệ thống phòng ngự từ xa lỏng lẻo. Và khi MU được phép chơi như một đội cửa dưới. Vấn đề là không phải khi nào những điều kiện đó cũng được thỏa mãn. Và thực tế - kết quả trên sân - đã chứng minh điều đó.
Điều đáng quan ngại với Ten Hag, là ông có vẻ đang lún sâu vào con đường mà ông bất đắc dĩ phải chọn. Đã qua mùa thứ hai, vị HLV người Hà Lan có thêm cơ hội để xây dựng đội bóng như ông mong muốn. Song có vẻ như ông đã bỏ qua cơ hội đó, với việc mang về những người như Sofyan Amrabat hay Rasmus Hojlund. Hoặc cũng có thể, Ten Hag đã chính thức chọn con đường “thực dụng” và không muốn quay đầu lại.
Đó là một lựa chọn tồi. MU không mời ông về và đặt vào ông biết bao hi vọng để ông có một lựa chọn như thế...