Có rất nhiều quan điểm giải thích nguyên nhân của sự thiếu vắng những chân sút phạt đẳng cấp cũng như sự sụt giảm số bàn thắng từ đá phạt tực tiếp tại Premier League. Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng nguyên nhân nằm ở yếu tố con người, khi những cầu thủ có giàu kỹ thuật (đồng nghĩa với khả năng đá phạt tốt) thường mảnh mai nên khó trụ vững được ở một giải đấu ngày càng đòi hỏi thể lực cao như Premier League.
Rồi lại có ý kiến cho rằng, cách chơi bóng cũng tạo ra tình trạng ấy. Bởi ở giải Ngoại hạng Anh, các cầu thủ luôn có xu hướng chơi tận hiến, luôn cố gắng đi bóng tiếp thay vì ngã lăn ra trước vòng cấm địa đối phương khi bị truy cản nhằm kiếm quả phạt. Và cũng có người tin, vấn đề nằm ở chiến thuật, khi các đội bóng Premier League ngày càng được tổ chức rất tốt và chơi pressing tầm cao tuyệt vời. Bây giờ, điểm phạm lỗi của các đội bóng nhiều khi nằm ở gần khu vực 16m50 của… đối phương. Cơ hội để có được một quả đá phạt tốt, với cự ly tầm 18-20m, là không thường xuyên xuất hiện với các đội.
Song những người ưa chi tiết lại lý giải rằng, số bàn thắng từ đá phạt trực tiếp giảm sút mạnh có thể còn là vì… luật thi đấu. Đầu mùa này, giải Ngoại hạng Anh áp dụng điều luật mới về đá phạt. Theo đó, cầu thủ của đội được hưởng đá phạt trực tiếp không được phép đứng chen vào hàng rào của đội phòng thủ. Họ sẽ phải đứng cách xa hàng rào tối thiểu là 1 mét. Điều luật này được ban hành nhằm giảm bớt những trò tiểu xảo che tầm nhìn thủ môn trong các quả đá phạt. Và vì thế, khả năng thành công của những người sút phạt cũng thấp hơn.
Bên cạnh đó, việc Premier League lần đầu tiên áp dụng luật thành tích đối đầu khi xếp hạng các đội ở mùa này cũng tác động tới lối chơi. Luật này cụ thể như sau: Khi hai hay nhiều CLB có cùng điểm số, bàn thắng, số bàn thắng thì đội nào có thành tích đối đầu tốt hơn sẽ xếp trên; nếu vẫn không thể xác định được cao thấp thì đội nào ghi nhiều bàn trên sân khách hơn ở những cuộc đối đầu trực tiếp sẽ có vị trí tốt hơn.
Yếu tố bàn thắng sân khách ấy, tưởng như khuyến khích các đội chơi tấn công, đôi khi lại có tác dụng ngược. Vì không muốn thủng lưới trên sân nhà, nhiều đội chọn phương án tiếp cận trận đấu an toàn, chủ trương đá phòng ngự thật chắc trước khi nghĩ đến việc ghi bàn. Trong thế trận như vậy, cơ hội để có một quả phạt gần khu cấm địa đối phương là rất ít.
Tất nhiên, diễn giải theo cách nào là tùy vào mỗi người. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là số lượng những quả đá phạt trực tiếp tại Premier League đang đi xuống theo một quá trình rõ rệt. Từ chỗ đỉnh cao là 41 bàn thắng từ chấm đá phạt ở mùa 2007/08, giải Ngoại hạng liên tục thủng đáy về chỉ số này và 2 trong 3 mùa gần đây đều không có nổi 20 bàn sút phạt.
XEM THÊM
Grealish là giải pháp tốt hơn Maddison dành cho M.U
Covid-19 'khai tử' các bản hợp đồng bom tấn
Thấy và chưa thấy gì từ cuộc họp quyết định số phận Premier League?