Bài học Odegaard
Vào một ngày cuối năm 2014, Odegaard cùng cha mẹ tới tham quan khu huấn luyện của Man City. Ở tuổi 16, thần đồng người Na Uy có cả thế giới dưới chân mình. Rất hài lòng về cơ sở vật chất của Man City, nhưng Hans, cha của Odegaard đặt câu hỏi liệu con trai ông có được thi đấu lập tức cho đội một Man City hay không? Bởi trước đó, Odegaard đã được Real Madrid hứa hẹn sát cánh với dàn sao Galacticos.
Txiki Begiristain, GĐBĐ của Man City thành thật trả lời rằng Odegaard có khả năng chơi cho đội một nhưng cần nhiều thời gian. Sắc mặt của Hans lập tức thay đổi. Odegaard cuối cùng cập bến Real Madrid để bị đem cho mượn khắp nơi. Một lời hứa suông từ Perez cũng đủ giật Odegaard khỏi tay Man City. Một bài học đắt giá cho Man City trên TTCN. Họ không có ánh hào quang như Real Madrid để thu hút tài năng. Ở Bernabeu, Perez dắt một cầu thủ vào phòng truyền thống với 13 chiếc cúp vô địch châu Âu và hỏi: “Cậu có muốn trở thành một phần của gia đình Real hay không?”. Một chiêu đơn giản mà Perez dùng đi dùng lại vẫn thành công với các mục tiêu mà họ muốn mua về.
Còn tại Barcelona lại là một câu hỏi đầy cám dỗ khác: “Bạn có muốn chơi bóng cùng Messi không?”. Ngay tại nước Anh, M.U và Liverpool có bề dày lịch sử gắn liền với màu áo đỏ mà bất kỳ cầu thủ nào cũng mơ ước được phục vụ. Còn Man City, họ có Pep Guardiola và sức mạnh tài chính khổng lồ. Thế là chưa đủ để cạnh tranh với sức cám dỗ từ những CLB giàu truyền thống. Man City nhận ra họ phải “thông minh” hơn đối thủ bằng hệ thống tuyển trạch viên khổng lồ nhằm tìm kiếm tài năng trẻ khắp thế giới.
Nhằm “chuyên môn” hóa khâu tuyển dụng, Man City đã thành lập từ vài năm trước một bộ phận có tên “phát hiện tài năng”. Không phô trương, không PR và chỉ đề cao hiệu quả làm việc. Thậm chí nhiều fan Man City không biết đến sự tồn tại của “đơn vị đặc biệt” này, đứng đầu là cựu tiền đạo Gary Worthington. Phương châm của Man City là họ phải đi trước một bước so với các đối thủ trong việc tiếp cận một tài năng ở Pháp, Mỹ hay thậm chí Ấn Độ. Mạng lưới bóng đá rộng khắp của tập đoàn mẹ City Football Group đóng vai nền tảng trong chiến lược “phát hiện tài năng” của Man City.
Chăm lo cầu thủ
Từ bài học Odegaard, Txiki Begiristain hiểu rằng Man City không thể “dụ dỗ” cầu thủ chỉ bằng những lời hứa hẹn. Họ phải chọn lối đi khác so với Real Madrid hay Barcelona, đó là đáp ứng những gì tốt nhất cho cầu thủ. Thời còn làm quản lý ở Barcelona, Begiristain nhìn thấy Riquelme bị bỏ mặc một cách cô độc. Tiền vệ đến từ Argentina phải ở trong một căn phòng sơ sài với vẻn vẹn 1 cái bàn và vài cái ghế. Nếu Riquelme tới Man City lúc này, anh sẽ cảm thấy như từ địa ngục lên thiên đường.
Tại Man City, có một đội ngũ chuyên hỗ trợ các cầu thủ mới đến từ lái xe, đào tạo thi lấy bằng lái, gia sư tiếng Anh cho đến sắp xếp chỗ ở, thu dọn đồ đạc. Đội ngũ nhân viên này túc trực 24/7 và có một đường dây nóng để cầu thủ liên lạc bất cứ lúc nào. Cạnh sân tập, Man City bố trí chỗ ngủ tiện lợi và đặc biệt là một sân tennis trong lồng (padel), thú vui quen thuộc của các cầu thủ Nam Mỹ. Cựu trung vệ Joleon Lescott đóng vai trò cố vấn và hỗ trợ cho các cầu thủ bị Man City đem cho mượn. Họ sẽ không có cảm giác bị CLB đẩy ra rìa bởi luôn có một đội ngũ chăm lo bao gồm 2 chuyên gia phân tích video, 1 nhà vật lý trị liệu, 1 HLV thể lực, 1 chuyên gia dinh dưỡng và 1 chuyên gia tâm lý.
Man City muốn chăm lo cho cầu thủ như một “cậu ấm” thực sự chứ không phải trên đầu lưỡi của Perez.
Mạng lưới City Football Group Man City là một trong 8 CLB thuộc sở hữu của tập đoàn City Football Group (CFG), bên cạnh New York City (Mỹ), Melbourne City (Australia), Yokohama F.Marinos (Nhật Bản), Montevideo City Torque (Uruguay), Girona (Italia), Sichuan Jiuniu (Trung Quốc) và Mumbai City (Ấn Độ). Nhờ đó, Man City tận dụng mạng lưới rộng khắp thế giới của 7 CLB anh em để tìm kiếm và phát hiện tài năng. Việc trao đổi cầu thủ giữa 8 CLB này giúp các tài năng trẻ được phát triển trong môi trường phù hợp. 168 - Man City đã chi 168 triệu euro để mua cầu thủ trong mùa giải này, chỉ bằng một nửa so với con số kỷ lục 317,5 triệu euro mà họ chi ra ở mùa giải 2017/18. Man City đang có xu hướng giảm dần chi tiêu trên thị trường chuyển nhượng. Trong giai đoạn 2015-2018, họ luôn chi nhiều hơn 200 triệu euro mỗi mùa để mua cầu thủ. Tuy nhiên tới mùa trước, con số đó tụt xuống 78 triệu euro còn mùa này là 168 triệu euro. Cần biết đội chi nhiều nhất Premier League 2019/20 là M.U với 214 triệu euro. |