Kiên quyết nói không với “xưởng may đen”
Trên chặng đường gần 200km về phía Nam thủ đô Moscow, chúng tôi chạm thành phố công nghiệp Tula, trung tâm hành chính của tỉnh Tula nằm trên bờ sông Upa. Tranh thủ mấy ngày trái bóng World Cup ngừng lăn giữa vòng tứ kết và bán kết, đoàn phóng viên báo Bóng Đá quyết định làm cuộc hành trình tới thành phố không đăng cai World Cup với mục đích tìm hiểu cuộc sống và các cơ sở may mặc của đồng bào Việt Nam tại Tula.
Thông qua những mối quan hệ tại Nga, chúng tôi tìm đến ông Nguyễn Thanh Thế, một doanh nhân người Việt thành đạt tại Tula. Ông Thế đã dẫn đoàn phóng viên báo Bóng đá tới thăm xưởng may do chính ông làm chủ, một cơ ngơi đáng kể của người đàn ông gốc Sài Gòn này sau hơn 30 năm lăn lộn tại xứ người.
Tương tự người Việt tại Mỹ chiếm lĩnh thị trường nghề nail, đồng bào ta tại Nga mạnh nhất ở nghề may mặc, từ nhân công, sản xuất cho tới phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng. Ở Tula có 100% “xưởng may trắng”, nghĩa là những xưởng may hoạt động hợp pháp, đóng thuế và bảo hiểm đầy đủ (ngược lại, “xưởng may đen” hoạt động chui, trốn thuế và không đủ giấy tờ lao động).
Ông Thế chia sẻ với phóng viên báo Bóng đá: “Các xưởng may tại Tula của chúng tôi 100% là xưởng may trắng, đóng thuế đầy đủ. Bà con tại Tula thà đóng thuế cao nhưng làm ăn chân chính và đàng hoàng, còn hơn là để ảnh hưởng đến hình ảnh cộng đồng người Việt Nam tại đây”.
Phòng nghỉ ngăn nắp, đầy đủ của công nhân xưởng may
Đi vào xưởng may của ông Thế mới thấy những nỗ lực lớn của công ty. Xưởng may thoáng đãng, đầy đủ ánh sáng, có sân bóng đá để phục vụ nhu cầu thể thao của công nhân, có nhà bếp, khu vực ăn uống riêng biệt (dịp World Cup được lắp thêm TV để đáp ứng nhu cầu xem bóng đá của công nhân).
Dãy phòng nghỉ có đầy đủ tiện nghi, giường chiếu sạch sẽ, mỗi giường đều có ri-đô để đảm bảo không gian riêng tư nhất định. Ngoài ra, mỗi phòng đều có tủ lạnh, nồi cơm điện, lò vi sóng… để anh chị em có thể tự nấu nướng cải thiện ngoài bữa ăn chung của công ty.
Qua phỏng vấn một số nhân viên may mặc Việt Nam tại đây, do xưởng may có chế độ đãi ngộ rất tốt nên nếu lao động siêng năng và ăn tiêu tiết kiệm, mỗi công nhân có thể để dành số tiền tương đương 500-600 USD/tháng để gửi về cho gia đình ở trong nước. Một số công nhân năng động sau khi về nước đã mua được những căn nhà nhỏ ở ngoại thành TP.HCM.
Theo chia sẻ của ông Thế, hiện có khoảng 1500-1700 công nhân may mặc người Việt Nam đang hoạt động tại thành phố Tula. Số công nhân này hàng năm đều được gia hạn giấy phép lao động, đồng thời bổ sung công nhân từ Việt Nam để bù vào những người có nhu cầu về nước.
Niềm tin vào thế hệ sau
Trên đường tác nghiệp, chúng tôi đã ghé thăm tư gia của ông Vũ Trọng Phước, chủ tịch Hội người Việt tại Tula, để tìm hiểu thêm về những hoạt động cộng đồng ở thành phố công nghiệp yên bình này.
Ở Tula có khoảng 3.000 đồng bào Việt Nam, cộng đồng rất đoàn kết và đùm bọc nhau. Đặc biệt trước mỗi năm học mới, vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 hàng năm, Hội người Việt tại Tula lại tổ chức chương trình “Vinh danh trí tuệ Việt”. Chương trình để trao thưởng cho các em học sinh/sinh viên có thành tích trong học tập. Đây là một dịp hoạt động giao lưu quan trọng giữa các gia đình đồng hương, nhằm giúp thế hệ sau có môi trường để duy trì tiếng mẹ đẻ.
Theo chia sẻ của ông Phước, khoảng 25% học sinh/sinh viên Việt Nam có thành tích xuất sắc, 60% đạt giỏi và hầu như không có ai rớt xuống mức trung bình trong nhiều năm qua. Về mặt kết quả, các học sinh/sinh viên gốc Việt Nam có thành tích học tập hàng năm cao hơn so với mặt bằng chung của thành phố Tula.
Vợ chồng ông Vũ Trọng Phước, chủ tịch hội người Việt tại Tula
Mỗi quý đều có sự kiện trao đổi văn hóa giữa các cộng đồng người gốc ngoại quốc đang sinh sống và làm việc ở Tula, do chính quyền thành phố tổ chức. Tại đây, các cháu có dịp biểu diễn thời trang và nấu nướng các món ăn truyền thống của Việt Nam để “thi đua” với nhiều cộng đồng ngoại quốc khác.
Tới thăm tư gia của ông Phước, chúng tôi mới biết cháu Vũ Lan Phương, trưởng nữ của ông Phước vừa đoạt giải ba cuộc thi piano toàn nước Nga năm 2018 dành cho lứa tuổi học sinh. Đây là một vinh dự lớn cho đồng bào Việt Nam tại Tula nói riêng và cộng đồng trên lãnh thổ nước bạn nói chung.
Nhìn chung, đồng bào ta tại Tula đều rất tin tưởng vào tương lai của thế hệ sau trên nước bạn. Dù vậy, các thế hệ phụ huynh Việt Nam tại đây đều khá trăn trở về nhiệm vụ duy trì tiếng mẹ đẻ cho các cháu. Khoảng 50% các cháu học sinh Việt Nam chào đời tại Nga nói được tiếng Việt, đây là tỷ lệ tương đối lạc quan, nhưng vẫn cần sự quan tâm hơn nữa của các bậc phụ huynh.
“Gia đình tôi rất nghiêm túc với việc dạy tiếng Việt cho các con. Cháu Phương có thể hát karaoke bằng tiếng Việt, còn cậu em toàn xem World Cup trên kênh của Việt Nam thôi”, ông Phước chia sẻ với phóng viên báo Bóng đá.