Guillermo Stabille (Argentina, World Cup 1930), Ademir (Brazil, World Cup 1950), Ronaldo (Brazil, World Cup 2002): 8 bàn
Có tới 3 cầu thủ vươn tới cột mốc ghi được 8 bàn ở một kỳ World Cup là Guillermo Stabille (Argentina, World Cup 1930), Ademir (Brazil, World Cup 1950), Ronaldo (Brazil, World Cup 2002). Trong số 3 cầu thủ nói trên, “người ngoài hành tinh” Ronaldo là cái tên nổi bật hơn cả. Ở World Cup 2002, cựu tiền đạo Barca chỉ “tịt ngòi” khi chạm trán với là ĐT Anh ở tứ kết.
Eusebio (Bồ Đào Nha, World Cup 1966): 9 bàn
Sau khi im hơn lặng tiếng ở trận đấu mở màn với Hungary tại vòng bảng (Bồ Đào Nha thắng 3-1), Eusebio đã đóng góp một bàn vào thắng lợi 3-0 trước Bulgaria ở lượt trận thứ 2. Ở lượt đấu tiếp theo, Eusebio đã lập cú đúp giúp Bồ Đào Nha đánh bại Brazil với tỷ số 3-1. Màn trình diễn ấn tượng nhất của huyền thoại quá cố gốc Mozambique là ở trận tứ kết với CHDCND Triều Tiên. Trận ấy ông ghi tới 4 bàn thắng liên tiếp giúp Bồ Đào Nha thắng ngược 5-3 sau khi để thủng lưới trước 3 bàn.
Ở trận bán kết, bàn thắng duy nhất của Eusebio không đủ để Bồ Đào Nha tránh được thất bại sát nút 1-2 trước ĐT Anh. Mặc dù vậy, nó cũng khiến chuỗi trận giữ sạch lưới liên tiếp của Tam sư phải dừng lại ở con số 7. Trong trận tranh giải ba, Báo đen còn ghi thêm được 1 bàn thắng nữa mang về thắng lợi 2-1 của Bồ Đào Nha trước Liên Xô, qua đó kết thúc giải đấu với tư cách là vua phá lưới với tổng cộng 9 lần lập công.
Gerd Mueller (Tây Đức, World Cup 1970): 10 bàn
Thành tích ghi bàn của Gerd Mueller trong màu áo ĐT Tây Đức là vô cùng đáng nể. Cụ thể, ông ghi tới 68 bàn chỉ trong 62 lần khoác áo ĐTQG. Riêng ở kỳ World Cup 1970, “Vua dội bom” đã ghi 10 bàn trong 6 trận, trong đó có 2 cú hat-trick liên tiếp vào lưới Peru và Bulgaria ở vòng bảng.
Ở trận tứ kết với ĐT Anh, Mueller chính là người ghi bàn thắng ấn định thắng lợi 3-2 cho Tây Đức ở hiệp phụ. Trước đó, Franz Beckenbauer và Uwe Seeler đã lập công giúp Tây Đức cân bằng tỷ số 2-2 sau khi bị dẫn trước 2-0.
Bước vào “trận cầu thế kỷ” với ĐT Italia ở bán kết, Mueller tiếp tục tỏa sáng khi lập được cú đúp trong hiệp phụ, nhưng 2 bàn thắng của ông là không đủ để Tây Đức tránh được thất bại với tỷ số sát nút 3-4.
Sandor Kocsis (Hungary, World Cup 1954): 11 bàn
Sandor Kocsis đã lập 7 cú hat-trick và ghi tới 75 bàn trong 68 lần khoác áo ĐT Hungary. Ngay ở trận mở màn vòng bảng, Kocsis đã đóng góp 3 bàn vào thắng lợi 9-0 của Hungary trước Hàn Quốc. Tiếp đó, ông lại chọc thủng lưới Tây Đức 4 lần trong thất bại 3-8 của đội bóng này trước Hungary. Ở trận tứ kết đầy bạo lực với Brazil (trọng tài cho 2 đội hưởng tới 42 quả đá phạt, rút ra 4 thẻ vàng và 3 thẻ đỏ), Kocsis lập cú đúp giúp đội nhà giành chiến thắng với tỷ số 4-2. Điều tương tự được lặp lại ở trận Hungary hạ Uruguay 4-2 ở bán kết. Trong thất bại 2-3 của Hungary trước Tây Đức ở chung kết, Kocsis không ghi được bàn thắng nào.
Just Fontaine (Pháp, World Cup1958): 13 bàn
Trước khi bùng nổ ở World Cup 1958, Just Fontaine mới chơi có 5 trận cho ĐTQG và ghi được vỏn vẹn 1 bàn cho Les Bleus trong 53 tháng. Không được kỳ vọng nhiều, song Fontaine lại tỏa sáng rực rỡ khi ghi bàn trong cả 6 trận đấu của ĐT Pháp ở World Cup 1958. Ngay ở trận mở màn với Paraguay, Fontaine đã lập được hat-trick.
Sau đó, ông lần lượt lập cú đúp vào lưới Nam Tư và ghi một bàn vào lưới Scotland giúp ĐT Pháp giành vé vào tứ kết. Ở tứ kết, Fontaine đóng góp 2 bàn vào thắng lợi 4-0 của ĐT Pháp trước Bắc Ireland.
Pháp để thua Brazil 2-5 ở bán kết, nhưng Fontaine vẫn kịp ghi thêm một bàn để nâng số pha lập công của ông ở World Cup 1958 lên con số 9. Ở trận tranh giải ba, Fontaine ghi tới 4 bàn mang về thắng lợi 6-3 của ĐT Pháp trước ĐT Tây Đức.