Scandal nổ ra vào thứ Ba vừa qua, 3 ngày trước lễ khai mạc và vài giờ trước trận đấu đầu tiên trong giải bóng đá của Thế vận hội 2024, có nghĩa là các giá trị Olympic được trân trọng về tinh thần chơi đẹp đã bị phá vỡ ngay cả trước khi ban tổ chức treo thông điệp đó trên bầu trời Paris và sông Seine.
Phía ĐT New Zealand đã gọi cảnh sát can thiệp, bắt giữ những công dân Canada điều khiển drone. Trong một tuyên bố ban đầu, Ủy ban Olympic Canada (COC) đã xin lỗi nhưng mọi việc đâu có dừng lại. Ngày hôm sau, lại xảy ra vụ drone do thám. Bây giờ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc, COC cần phải hành động. Joseph Lombardi, một "nhà phân tích không môn bài", và Jasmine Mander, một thành viên của BHL ĐT Canada đã bị loại khỏi đội và bị đuổi về nước.
HLV trưởng người Anh của ĐT Canada là Beverly Priestman đã tự nguyện “treo chỉ đạo trong trận đấu với New Zealand. “Thay mặt toàn thể đội bóng, trước hết tôi muốn gửi lời xin lỗi đến ĐT New Zealand và các cầu thủ của ĐT Canada. Điều này không phải là các giá trị mà chúng tôi theo đuổi”, Priestman nói.
Câu cuối cùng hơi khó để biện minh, vì việc do thám buổi tập của đội khác khó có thể là hành động vô tình. Không ai vô tình để một thiết bị công nghệ trị giá 2.000 USD bay trên đầu đối thủ của mình tới 2 lần. Thay vào đó, nó xuất phát từ văn hóa và sự chỉ đạo.
“Tôi chịu trách nhiệm cuối cùng về scandal này. Để nhấn mạnh cam kết của chúng tôi về tính chính trực, tôi đã quyết định tự nguyện rút lui khỏi vị trí HLV trưởng trong trận đấu với New Zealand. Tôi làm điều này vì lợi ích của cả 2 đội và để đảm bảo tinh thần thể thao của bóng đá được duy trì”, Priestman tuyên bố.
Điều này có thể mới đối với môn bóng đá Thế vận hội, nhưng do thám trong bóng đá là việc đã có từ lâu. Các đội cử mật thám đến theo dõi đối thủ tập có lẽ đã có từ trước khi luật việt vị ra đời. HLV Didier Deschamps của ĐT Pháp từng phát hiện ra một drone trên không khi đội của ông tập luyện tại World Cup 2014. Tuy nhiên, không ai biết kẻ bay drone là người của ĐT Ecuador, Honduras hay Thụy Sĩ.
2 thập kỷ trước, trước trận đấu vòng loại World Cup quan trọng trên sân khách với Na Uy năm 1993, HLV Graham Taylor của ĐT Anh đã tin rằng đội của mình đang bị do thám đến nỗi ông đã chuyển đến huấn luyện tại một cơ sở quân sự. Vấn đề là gì?
Địa điểm mới đó nằm gần nhà của cây bút thể thao chính của một trong những tờ báo hàng đầu của Na Uy, người sau đó đã công bố chiến thuật của họ vào sáng hôm sau. Anh thua 0-2 tại Oslo, cuối cùng đã bỏ lỡ World Cup 1994 và Taylor đã bị sa thải.
Tương tự như vậy, LĐBD Chile đã từng sử dụng thiết bị của riêng họ để phá hủy một drone lơ lửng trên buổi tập của họ trước trận đấu với ĐT Argentina. Có lẽ đây là vụ không chiến đầu tiên trong bóng đá. Tuy nhiên, cuối cùng hoá ra drone đó là một công cụ khảo sát của một công ty viễn thông Chile.
Đầu năm 2019, HLV Marcelo Bielsa của CLB Leeds United thừa nhận đã cử một do thám đến xem đối thủ Derby County tập luyện với đội hình sẽ thi đấu và cách thực hiện những pha bóng cố định. Đó không phải là lần đầu tiên. “Chúng tôi đã xem các buổi tập của tất cả các đối thủ sắp đấu”, Bielsa nói. Ở Argentina, hoạt động này rất phổ biến và ông đã tiếp tục thực thi tại châu Âu.
HLV Frank Lampard của Derby khi đó đã rất tức giận. Bielsa gọi điện Lampard để giải thích, nhưng không có lời xin lỗi nào cả. Leeds đã giành chiến thắng trước Derby theo với tỷ số 2-0, và tuần sau đó, Bielsa đã tổ chức một cuộc họp báo kéo dài 66 phút, để chứng minh toàn bộ phạm vi phân tích mà ông đã thực hiện với các đối thủ. Ông nói rằng đấy không phải là do thám, chỉ là thu thập thông tin.
Cựu HLV Andre Villas-Boas của Chelsea thừa nhận rằng, trong thời gian làm trợ lý cho Jose Mourinho, ông thường “bí mật đến sân tập để xem xét trạng thái tinh thần và thể chất của đối thủ”. Chelsea đã giành chức vô địch Premier League 2 lần dưới thời Mourinho và Villas-Boas.
Với lượng thông tin mà đối thủ có thể khai thác, một số HLV đơn giản là không quá bận tâm đến những cáo buộc về việc do thám. Năm 2018, Werder Bremen đã sử dụng drone để do thám Hoffenheim nhưng HLV Julian Nagelsmann của Hoffenheim, đã phớt lờ hành vi đó. “Đó là việc mà nhà phân tích phải làm, kệ nó đi”, anh nói thản nhiên dù thua Bremen.
Bóng đá không phải là môn thể thao duy nhất có kiểu gián điệp này bởi các môn thể thao khác còn có công nghệ cao hơn nhiều. Đội đua F1 McLaren đã phải chịu khoản tiền phạt lớn nhất trong lịch sử thể thao là 100 triệu USD và bị loại khỏi Giải đua 2007 sau khi kỹ sư cấp cao Mike Coughlan nhận các tài liệu thiết kế kỹ thuật của đối thủ Ferrari.
Cũng trong năm 2007, đội bóng chày New England Patriots từng 6 lần vô địch Super Bowl kể từ năm 2000, đã bị phạt vì ghi lại các tín hiệu phòng thủ mà các HLV của đội New York Jets đưa ra cho các cầu thủ trong một trận đấu. HLV huyền thoại Bill Belichick đã bị phạt kịch khung 500.000 USD, một kỷ lục ở môn NFL.
Gian lận thể thao có thịnh hành không? Có, New England đã thắng cả 16 trận trong năm 2007 nhưng lại bất ngờ bị New York Giants đánh bại trong trận Super Bowl. Trong một ngành công nghiệp trị giá hàng tỉ USD, những hành vi bẩn trên được cho là xứng đáng để mạo hiểm. Các đội sẵn sàng chấp nhận rủi ro đó.