Không tập luyện gian khổ, không đánh đổi thành tích lấy niềm vui với môn chơi, dành 7 năm học tiếng Quan thoại để hiểu hơn về cầu lông Trung Quốc, Axelsen chọn cách tiếp cận khác người để đi đến tấm HCV Olympic.
Quy tắc: Ít là nhiều
Một VĐV cầu lông đỉnh cao người Trung Quốc được tuyển chọn từ 100 triệu VĐV cầu lông chuyên nghiệp trên khắp đất nước, sau đó, trải qua lịch tập luyện khắc nghiệt kéo dài từ 5-7 giờ mỗi ngày.
Bản chất môn cầu lông đã thuận lợi hơn cho người châu Á, vốn nhỏ người, khéo léo và khả năng phản xạ tốt. Do vậy, Đan Mạch, quốc gia chỉ có dân số 6 triệu người, không thể học theo cách làm của cường quốc thể thao Trung Quốc.
Axelsen nói anh rất biết ơn hệ thống nhà thi đấu và CLB cầu lông dày đặc khắp Đan Mạch. 6 tuổi, nhà vô địch Olympic 2020 đã tiếp xúc với cầu lông, và những CLB tạo điều kiện cho anh rất nhiều. Hồi nhỏ, đấy là nơi giao lưu, kết bạn. Khi thi đấu chuyên nghiệp, đó là địa điểm để các VĐV chuyên nghiệp thi đấu liên tục với nhau.
“Tôi không muốn mình như con robot đã được lập trình”, Axelsen nói trong lần trả lời phỏng vấn tờ Forbes. “Tôi thích hệ thống kiểu Đan Mạch hơn, khi cường độ và chất lượng quan trọng hơn số lượng giờ tập”.
Axelsen tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc: tập ít nhưng chất; duy trì thái độ tích cực; và cố tìm niềm vui từ buổi tập. “Tôi gần như phiêu trong lúc tập, tập trung đến nỗi thành phản xạ”, anh kể. Đều đặn ngày 2 lần, Axelsen dành thời gian tập luyện những tuyệt kỹ khó, thứ mà anh thấy “rất thu hút”, dù hiểu là trong một trận đấu thật, không phải lúc nào cũng có thể áp dụng.
Những kỹ năng “vô bổ” này không giúp anh thắng nhiều trận hơn nhưng là cách anh duy trì tình yêu với cầu lông, sau 15 năm. Tất nhiên anh muốn mình tiến bộ không ngừng, chịu áp lực phải chiến thắng, nhưng anh không ép mình phải cố gắng khi không có hứng.
Axelsen từng bỏ nhiều giải đấu và tự cho mình được nghỉ, cũng là một trong những người chỉ trích hệ thống lịch thi đấu của Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF) gay gắt nhất. “Tôi sẽ không ép mình phải đánh nhiều giải hơn chỉ để tăng bậc trên BXH thế giới”, tay vợt số 2 thế giới nói, “Họ đã tổ chức thêm nhiều giải đấu, không cho VĐV được thở. Tôi sẽ chọn giải để đánh. Vô địch quan trọng hơn vị trí xếp hạng”.
Học tiếng Quan thoại và chơi Weibo
Một quyết định khác người nữa của Axelsen là dành thời gian học tiếng Quan thoại từ năm 2014, tức đến nay đã được gần 7 năm. Trên các tài khoản mạng xã hội, tay vợt này thường đăng tải video nói tiếng Trung rất trôi chảy.
Anh nói: “Tôi muốn bắt đầu một thứ mới mẻ và làm tới cùng. Tôi tiến bộ khá nhanh, hy vọng sắp tới sẽ có thêm cơ hội từ châu Á, cả về chuyện thi đấu lẫn các hợp đồng tài trợ”.
Axelsen cho rằng một việc tưởng chừng chẳng liên quan đến tập luyện này lại giúp anh trở thành VĐV giỏi hơn: biết tiếng Trung, anh giao tiếp với VĐV Trung Quốc tốt hơn, tìm hiểu tinh hoa của cầu lông Trung Quốc một cách dễ dàng, vì như anh nói: “Chắc chắn mỗi VĐV Trung Quốc lại có gì đó hay cho tôi học”.
Năm 2016, sau khi đánh bại Lin Dan để giành HCĐ Olympic Rio, Axelsen tự tin trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc bằng tiếng Trung. Clip đó đã gây sốt trong cộng đồng fan Trung Quốc, khiến Axelsen rất được mến mộ.
Sau đó, anh tiếp tục nói chuyện trực tiếp trên Instagram bằng tiếng Quan thoại với huyền thoại Lee Chong Wei người Malaysia, cũng như thoải mái trò chuyện với các VĐV Trung Quốc trên các mạng xã hội.
Ngôn ngữ giúp Axelsen mở ra những cánh cửa giới hạn cả về chuyên môn lẫn các nền văn hóa. “Tôi không thể khẳng định sẽ đến châu Á sinh sống trong tương lai”, anh nói. “Nhưng tôi sẽ cân nhắc điểm đến phù hợp. Trung Quốc là miền đất hứa, đấy là một lý do khác khiến tôi học tiếng Trung”.
Sau khi lập tài khoản mạng xã hội Weibo, Axelsen nhanh chóng thu hút hơn 436.000 lượt theo dõi. Lượt tương tác trên Weibo của anh cao hơn hẳn trên Twitter, nơi anh giữ tên thật của mình.
Doanh nhân Axelsen
Bên cạnh công việc thi đấu cầu lông, Viktor Axelsen còn là một người làm truyền thông và kinh doanh đại tài. Với hơn 126.000 người theo dõi trên YouTube, 481.000 người từ Instagram, 44.000 từ Twitter và 436.000 lượt theo dõi trên Weibo, Axelsen dùng nó để thúc đẩy công việc kinh doanh online của mình với các mặt hàng quần áo thể thao, xe đạp, đồng hồ, đồ chơi... trên một trang web riêng. Tại Đan Mạch, anh cũng có thương hiệu thực phẩm chức năng riêng của mình.
2 - Tấm HCV Olympic Tokyo 2020 giúp Viktor Axelsen trở thành VĐV người Đan Mạch thứ 2 giành HCV môn cầu lông tại Olympic nội dung đơn nam. Người đầu tiên là Poul-Erik Hoyer Larsen tại Atlanta 1996.