1 ngày trước lễ bế mạc, Trung Quốc vẫn đứng đầu bảng tổng sắp với 38 HCV. Mỹ vẫn còn cơ hội giành huy chương, nhưng để tạo nên cuộc lật đổ là rất khó.
Một tấm HCV cho ĐT bóng rổ nữ của Mỹ được dự đoán từ sớm bởi họ chưa thua, đồng thời giành 55 chiến thắng liên tiếp kể từ Olympic 1992. Nhưng ở hai môn đua xe đạp lòng chảo và bóng chuyền nữ, kỳ vọng giành vàng của Mỹ không cao bởi họ chưa từng đăng quang ở hai môn này trong quá khứ. Vậy mà kỳ tích đã xảy ra. Jennifer Valente xuất sắc giành chiến thắng môn đua xe đạp lòng chảo với 124 điểm, hơn đối thủ 14 điểm. Các cô gái ĐT bóng chuyền nữ cũng đánh bại Brazil để làm nên lịch sử với tấm HCV đầu tiên.
Cũng trong ngày cuối, Trung Quốc chỉ còn trông chờ kết quả chung kết quyền Anh hạng trung nữ. Tiếc là Li Quian đã thất bại. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải nhường lại ngôi đầu cho Mỹ. Tuy nhiên đất nước tỷ dân có quyền tự hào khi tạo nên tỷ số sít sao 39-38. Ở Rio 2016, họ chỉ giành 26 HCV, kém Mỹ tới 20 HCV và đứng thứ 3 toàn đoàn. Trước đây, duy nhất một lần Trung Quốc đứng đầu bảng tổng sắp, chính là năm 2008 khi Olympic diễn ra tại Bắc Kinh. Còn lại, vị trí số một luôn thuộc về Mỹ kể từ Atlanta 1996.
Cuộc cạnh tranh gắt gao và ngôi đầu chỉ được quyết định ở phút cuối, cùng với khoảng cách chỉ 19 HCV giữa Mỹ và Ủy ban Olympic Nga đứng thứ 5 cũng báo hiệu về sự thu hẹp quyền lực giữa các cường quốc. Tại Rio 2016, đội đứng đầu nhiều hơn đội thứ 5 tới 29 HCV.
Không khó để giải thích điều này. Ở Tokyo 2020, Mỹ không còn chiếm ưu thế ở các môn thế mạnh như bơi (từ 16 HCV ở Rio xuống còn 11), điền kinh (13 - 7) và thể dục dụng cụ (4 - 2). Để lấp đầy sự thiếu hụt này, họ cố gắng phát triển môn khác như vật, đấu kiếm, bóng rổ 3×3 và vượt qua giới hạn bản thân ở bóng chuyền hay đua xe đạp lòng chảo. Trong khi đó, những nước khác không ngừng nỗ lực để cải thiện thành tích. Trung Quốc là một điển hình. Bên cạnh việc giữ vững thành tích ở các môn chủ đạo, quốc gia này có bước tiến đáng kinh ngạc với môn cử tạ (từ 5 HCV ở Rio lên 7) hay bắn súng (từ 1 lên 4).
Sự vươn lên cũng được thấy ở Nhật Bản. Yếu tố chủ nhà cũng không thể che mờ thành tích đáng tự hào của họ. Vị trí thứ 3 cùng 58 huy chương, bao gồm 27 HCV, đã tạo nên kỳ Olimpic thành công nhất của xứ sở mặt trời mọc. Họ xuất sắc ở môn judo, thống trị môn trượt ván và được tưởng thưởng với nỗ lực đưa bóng chày và bóng mềm vào đại hội.
Tuy không thể tranh tài dưới lá cờ Nga hay hát quốc ca, nhưng các VĐV dưới cái tên Ủy ban Olympic Nga thậm chí còn có thành tích tốt hơn so với cách đây 5 năm. Mặc dù đứng thứ 5 toàn đoàn, nhưng họ kiếm được 71 huy chương, với 20 là HCV.
Tuy nhiên Olympic không chỉ là cuộc chơi của các siêu cường. Tại Tokyo 2020 có tới 93 quốc gia và vùng lãnh thổ giành được huy chương. Đây là con số lớn chưa từng có, vượt xa kỷ lục 86 quốc gia và vùng lãnh thổ được thiết lập ở Rio 2016. Trong số đó có 65 nước sở hữu ít nhất 1 HCV, một lần nữa nhiều hơn con số 59 ở kỳ đại hội trước.
Sự đa dạng này được tạo ra bởi những sự trở lại sau nhiều năm của Ấn Độ (lần đầu giành HCV khúc côn cầu kể từ năm 1980) hay Ghana, quốc gia kết thúc quãng thời gian 29 năm không huy chương. Tất nhiên không thể không kể đến những bước đột phá của San Marino, Turkmenistan và Burkina Faso, ba quốc gia giành được huy chương đầu tiên trong lịch sử tham dự Thế vận hội. Hoặc như Qatar, Bermuda và Philippines đã ghi tên vào danh sách những đội từng đoạt HCV Olympic.
Nếu cần lấy một cá nhân để làm biểu tượng cho sự kiên trì và nỗ lực không mệt mỏi, thì đó là Teresa Portela, VĐV đua thuyền người Tây Ban Nha. Đã tham dự mọi kỳ Olympic kể từ năm 2000 mà không giành được gì, cuối cùng Portela cũng một lần đứng lên bục vinh quang. Cô giành HCB ở nội dung đua thuyền 200m. Những giọt nước mắt hạnh phúc của Portela nhắc nhở tất cả, rằng ở Olympic, điều kỳ diệu luôn xảy ra.
22 kỷ lục thế giới bị phá ở Tokyo 2020
Kết thúc Olympic 2020, đã có 22 kỷ lục thế giới bị phá. Môn thể thao có nhiều kỷ lục mới được thiết lập nhất là chèo thuyền (6), kế đến là bơi (5), đua xe đạp (3), cử tạ (3), điền kinh (3), bắn súng (1) và leo núi trong nhà (1). Xét trên phương diện quốc gia, Trung Quốc đứng đầu với 5 kỷ lục mới. Tiếp theo là Mỹ và Georgia (3). Ngoài ra, 3 VĐV (riêng Lasha Talakhadze của Georgia xô đổ 3 kỷ lục của chính anh ở 3 nội dung cử tạ) và 4 đội đã tự phá kỷ lục mà họ từng thiết lập.
Olympic của những tài năng trẻ
Trong số những VĐV tỏa sáng trên sân khấu toàn cầu, có 14 VĐV dưới 23 tuổi đã giành được huy chương. 6 trong số đó là vàng. Người trẻ nhất đoạt huy chương là Kokona Hiraki (12 tuổi 343 ngày) với HCB môn trượt ván nữ.
113. Với 113 huy chương có được ở Olympic 2020, Mỹ tiếp tục là đội thành công nhất lịch sử Thế vận hội với tổng cộng 2.663 huy chương, bao gồm 1.063 HCV.