Giới chuyên môn đều bảo tại Olympic 2024, thể thao Việt Nam đến Paris nhưng không có môn trọng điểm để có thể tranh đoạt huy chương, điều này chẳng sai. Nói thế, vì trong 11 môn thể thao chúng ta góp mặt, thành tích tốt nhất chính là của Trịnh Thu Vinh ở 10m súng ngắn hơi nữ khi chỉ đứng thứ 4 thế giới. Kết quả, Thu Vinh đã thể hiện đúng phong độ và cũng chỉ dừng ở vị trí thứ 4, do có một khoảng cách khá xa với nhóm có huy chương, kém hơn đến 3 điểm.
Trong lúc các môn khác đều chưa tiệm cận được nhóm đầu, vậy hy vọng gì vào huy chương? Chưa kể áp lực thành tích đặt lên vai các tuyển thủ Việt Nam ở đấu trường lớn như Olympic càng làm họ tự ti, dẫn đến thiếu tự tin, nên không vượt qua được chính mình là dễ hiểu.
Phải nói rõ, trong các kỳ Olympic đoàn Việt Nam tham dự tính từ năm 2000 đến nay, chỉ mỗi Olympic Bắc Kinh 2008 là chúng ta tự tin vào chiếc huy chương của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn ở môn cử tạ. Thời điểm ấy, thành tích của Anh Tuấn nằm trong 3 thứ hạng đầu, thậm chí là có thể cạnh tranh HCV. Kết quả Anh Tuấn giành chiếc HCB không ngoài dự đoán.
Trong lúc chiếc HCV và HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành được tại Olympic Rio 2016 là một bất ngờ lớn. Nói thế, vì ai cũng biết Xuân Vinh khá yếu về tâm lý, nên rất nhiều lần anh vuột mất huy chương ở những thời khắc quan trọng. Tuy nhiên, tại Olympic 2016 do không đặt nặng thành tích, nên Xuân Vinh đã thi đấu thoải mái và bất ngờ làm nên kỳ tích. Lần nấy, nếu không áp lực ở nội dung thi đấu thứ 2, có lẽ Hoàng Xuân Vinh đã mang về cả 2 HCV chứ không phải là 1V, 1B. Sau đó do sự kỳ vọng quá lớn, Xuân Vinh đã thất bại ngay ở đấu trường SEA Games 2017 và trắng tay tại Olympic Tokyo 2020.
Tại Olympic 2024, hiện có 3 nước châu Á đang nằm trong nhóm 10 đội dẫn đầu về huy chương là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ở đấy, nếu Trung Quốc đầu tư khá dàn trải với nhiều bộ môn vì họ là cường quốc và đang đứng thứ nhì trong bảng tổng sắp huy chương. Ngược lại, Hàn Quốc và Nhật Bản lại đầu tư có phần tập trung hơn.
Trong số 13 chiếc HCV do tuyển thủ Hàn Quốc giành được (tính đến 15h00 ngày 9/8), họ tập trung vào các môn bắn cung 5 HCV, bắn súng 3V, taekwondo 2V, đấu kiếm 2V, cầu lông 1V. Đều là những môn với các nội dung phù hợp với thể chất không quá cao to của người châu Á. Đặc biệt, taekwondo vốn là quốc võ của xứ kim chi, nhưng họ cũng chỉ giành được 2 HCV ở các hạng cân nhẹ của nam (58kg) và nữ (57kg). Trong số này, Hàn quốc giành trọn cả 5 HCV ở môn bắn cung, khiến cả thế giới phải nể phục. Hiện Hàn quốc đang xếp thứ 6 trên bảng tổng sắp.
Ngoài Hàn Quốc là Nhật Bản, hiện đoàn thể thao xứ Phù Tang đã vươn lên vị trí thứ 4 với cũng 16 HCV. Trong đó, họ tập trung vào các môn TDDC (3V), judo (3V), vật (5V), đấu kiếm (2V), ván trượt (2V), breaking (1V). Đặc biệt ở 2 môn judo và vật, Nhật Bản giành HCV chủ yếu là ở các hạng nhẹ. Đấy đều là những nội dung không đòi hỏi quá cao so với thể trạng người châu Á.
Từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản lại nhìn sang các nước Đông Nam Á. Ở đấy, Philippines giành 2 HCV môn TDDC, Indonesia là cử tạ và leo núi thể thao, trong lúc Thái Lan là taekwondo. Trong số này, hầu hết từng là thế mạnh hàng đầu của Việt Nam ở đấu trường quốc tế. Đáng buồn khi tại Olympic Paris 2024, Việt Nam không có tuyển thủ TDDC và taekwondo nào góp mặt, trong lúc cử tạ chỉ còn mỗi Trịnh Văn Vinh.
Việt Nam rút kinh nghiệm gì từ các nước cùng châu lục?