Sau màn tranh tài của tuyển thủ Nguyễn Thị Hương ở môn canoeing nội dung 200m nữ, đoàn thể thao Việt Nam đã kết thúc Olympic Paris 2024 mà không có được huy chương nào. Nói thế, vì thành tích 49”74 và xếp chót ở đợt thi loại, Nguyễn Thị Hương đã dừng bước. Như vậy, đây là kỳ Thế vận hội thứ 2 liên tiếp, tính từ Olympic Tokyo 2020 đến nay, Việt Nam hoàn toàn trắng tay.
Tại Olympic 2024, thành tích tốt nhất của đoàn thể thao Việt Nam là Trịnh Thu Vinh khi 2 lần góp mặt ở chung kết 2 nội dung bắn súng, và xếp thứ 4 ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ. Trong lúc hầu hết tuyển thủ còn lại đều dừng bước từ vòng loại khi không vượt được chính mình. Buồn nhất là Trịnh Văn Vinh khi anh là niềm hy vọng ở môn cử tạ hạng cân 61kg, nhưng cả 3 lần Vinh đều không nâng nổi mức tạ 128 ký ở cử giật, nên đã bị loại. Trong lúc đối thủ của Vinh là Theerapong Silachai (Thái Lan) đã giành được chiếc HCB, sau khi nâng được tổng trọng lượng 303kg.
Sau Olympic Paris 2024, câu hỏi giới chuyên môn và người hâm mộ trăn trở là vì sao thể thao Việt Nam không thành công ở Olympic, dù rằng trước đó 1 năm, chúng ta vẫn dẫn đầu tại SEA Games 2023 với 136 HCV, 105 HCB và 114 HCĐ? Câu trả lời có thể nằm ở 1 phần từ cách chuẩn bị cho Thế vận hội. Đồng ý là trước thềm Olympic Paris 2024, một số đội tuyển thể thao Việt Nam đã được tạo điều kiện đi tập huấn. Nhưng thời gian tập huấn thật sự khiêm tốn. Điều đó chỉ giúp cho các VĐV thuộc đội tuyển bắn súng, boxing có một chút thay đổi về tâm lý, tinh thần thay vì giải quyết yếu tố cốt lõi là nâng tầm VĐV hòng tranh chấp huy chương ở đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh.
Bên cạnh đó, Việt Nam gần như không có môn thể thao mũi nhọn nằm trong tầm tranh chấp huy chương, nếu so với các nước trong khu vực. Nói thế, bởi tại Olympic 2024, Việt Nam chỉ hy vọng vào bắn súng và cử tạ, nhưng xét thành tích Thu Vinh cao nhất cũng chỉ đứng thứ 4 và Văn Vinh xếp thứ 9. Trong lúc Thái Lan có nhà vô địch Olympic ở môn taekwondo, cử tạ, boxing. Philippines có nhà vô địch thể giới môn TDDC, boxing, điền kinh. Indonesia có môn cử tạ. Malaysia là cầu lông…
Thêm một nguyên nhân nữa, tại Olympic 2024, Việt Nam góp mặt với 16 tuyển thủ, trong đó 14 người có suất chính thức. Con số này đã không đạt nếu so với chỉ tiêu đề ra là giành từ 15 đến 25 suất chính thức đến Paris tham dự Thế vận hội. Tính từ Olympic 2016 đến nay, số VĐV Việt Nam dự Olympic ngày càng thụt lùi. Tại Olympic Rio 2016, Việt Nam có 23 tuyển thủ. 4 năm sau tại Tokyo, Việt Nam chỉ còn 18 VĐV. Đáng buồn thay, đến năm 2024, Việt Nam chỉ còn 14 VĐV chính thức dự Olympic.
Từ lần tham dự Olympic 1952, đến nay Việt Nam đã có 27 lần góp mặt Thế vận hội và có huy chương từ Olympic 2000, với chiếc HCB của nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân. Sau đó 8 năm tại Olympic Bắc Kinh 2008, chúng ta mới có lại chiếc HCB của Hoàng Tuấn Anh ở môn cử tạ. Đến Olympic London 2012, đoàn thể thao Việt Nam bất ngờ có chiếc HCĐ cử tạ của Trần Lê Quốc Toàn, do đối thủ đoạt HCĐ hạng cân 56kg bị tước huy chương vì sử dụng doping và Quốc Toàn được đôn lên. Kỳ Olympic 2016 được xem là thành công rực rỡ khi Việt Nam giành 1 HCV, 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng. Tuy nhiên, 2 kỳ Olympic gần nhất Việt Nam lại trắng tay. Cay đắng hơn, các nước láng giềng Đông Nam Á lại liên tiếp "nổ" huy chương.