Đơn giản, bởi là ngày thi cuối cùng của môn này và các tuyển thủ của chúng ta thi tài ở 4 nội dung chung kết. Thế nhưng, lần lượt những niềm hy vọng đã biến thành thất vọng, khi tất cả tay chèo Việt Nam đều không thể về đích đầu tiên.
Tiếc nhất là nội dung chèo 4 người hạng nhẹ của nữ, đây là niềm hy vọng lớn nhất của rowing Việt Nam. Thực tế, các tuyển thủ Bùi Thị Nhất, Nguyễn Thị Trinh, Trần Thị Sâm, Phạm Thị Thỏa đã làm mọi người dấy lên hy vọng khi liên tục dẫn đầu đến 1.700m. Thế nhưng ở 300m cuối, các tay chèo nữ Việt Nam có vẻ đuối sức, trong lúc thuyền của chủ nhà Myanmar đã tăng tốc mạnh mẽ để vượt lên về đích đầu tiên trong sự tiếc nuối của mọi người.
Hôm qua, thầy trò đội tuyển rowing Việt Nam buồn lắm. Không buồn sao được khi kết thúc giải đấu chỉ giành được 1 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ, trong lúc chỉ tiêu đặt ra phải lấy từ 3-4 HCV tại SEA Games 27. Vậy nhưng, môn rowing còn có thể tự an ủi khi vẫn có được chiếc HCV, trong lúc các đồng đội bên canoeing đã về nước mà không giành được HCV nào, chỉ đoạt 2 HCB, 5 HCĐ.
Trưởng bộ môn rowing Nguyễn Hải Đường đã thừa nhận đây là một thất bại lớn của các tay chèo Việt Nam. Đồng thời, ông cho biết các nước như Indonesia, Myanmar, Thái Lan và cả Philippines đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thành quả của họ giành được tại đại hội chính là nhờ quá trình chuẩn bị trong 2 năm qua. Nếu các nước có sự chuẩn bị tốt, chẳng lẽ Việt Nam lại không? Thực tế, các tay chèo Việt Nam đều có sự đầu tư của ngành thể thao. Thế nhưng, có cảm giác, sau thời gian dài đứng đầu khu vực ở các nội dung của rowing và canoeing đã khiến những nhà chuyên môn quên mất các đối thủ đã và đang có sự chuẩn bị rất kỹ để chờ ngày lật đổ chúng ta, và giờ đây họ đã làm được (!?).
Việc các tay chèo canoeing và rowing Việt Nam bị phế truất ở SEA Games 27, há cũng là điều tốt, khi góp phần gióng lên hồi chuông báo động để bộ môn này và cả ngành thể thao có sự chăm chút hơn cho 2 môn thi đấu nằm trong hệ thống Olympic.
Trưa hôm qua, rời khu vực thi đấu môn đua thuyền, trên xe, một đồng nghiệp của tôi mở bài hát “Trên bến sông buồn”, tự dưng lòng mang mác sầu khi nhớ đến những ngày “săn vàng” ở Ngalike Dam.