Nhà vô địch SEA Games 27 Dương Thúy Vi kể: “Thường thì các võ sĩ wushu trên thế giới sẽ lên trang web đặt các mẫu áo, loại vải và các họa tiết hoa văn trên trang phục. Tất cả đều có mã số riêng biệt. Khi nhận được yêu cầu, nhà thiết kế sẽ tổng hợp lại và gửi mẫu trang phục được vẽ theo đúng yêu cầu để các VĐV xác nhận và đặt tiền…”.
Có một điểm chung là trang phục thi đấu của nam thường là các họa tiết mang hình rồng, cọp được vẽ cách điệu mạnh mẽ hoặc rực rỡ, trong khi xiêm áo của nữ VĐV là hình chim phụng hoặc các hoa văn nhẹ nhàng. Do các họa tiết thêu và đính kim sa trên trang phục này rất cầu kỳ (tất cả đều phải thêu và đính bằng tay) nên một bộ trang phục thường phải mất khoảng hơn 1 tháng mới hoàn tất. Đặc biệt, lụa dùng may trang phục không được giặt máy và vò tay, càng không được ủi, chỉ cần nhúng vào nước, rồi sau đó được giũ và mang ra phơi là tự thẳng.
Có quy định, trang phục thi đấu môn taolu không được chật và cũng không quá rộng, bởi nếu thi đấu động tác tay và binh khí dính vào quần áo sẽ bị trừ điểm. Ngoài ra, xiêm áo của nội dung thái cực bao giờ cũng lượt là hơn các môn khác, bởi thần thái thanh thoát của nó.
Được biết, giá của một bộ trang phục khoảng 9-10 triệu đồng hoặc có thể cao hơn. Thế nhưng, giá cả chưa hẳn là quan trọng nhất, bởi không phải lúc nào các võ sĩ cũng đặt được trang phục như ý, và cũng bởi màu sắc và hoa văn trên máy tính có thể rất khác biệt khi ra thực tế. Thế nên, một võ sĩ luôn phải mang từ 2 đến 3 bộ xiêm y, nhưng chỉ đến khi bước vào thi đấu hoặc kiểm tra chuyên môn mới sử dụng, bởi trang phục của võ sĩ taolu chẳng khác gì đồ gia bảo của họ.
Gần đây, hãng sản xuất đồ thể thao Nike cũng bắt đầu nghiên cứu sản xuất trang phục taolu. Tuy nhiên, trang phục của hãng này thiết kế khá ôm nên chỉ thích hợp cho những nội dung nam quyền, nam đao, trường quyền và vẫn chưa thể vượt qua các sản phẩm của Trung Quốc.