Thành tích đứng đầu khu vực Đông Nam Á có sự góp công rất lớn của 1.003 thành viên, trong đó có 702 tuyển thủ dự thi 30/36 môn thể thao. Tuy nhiên, trong số 30 môn thể thao này, có đội tuyển đóng góp nhiều HCV nhất, nhưng cũng có những đội tuyển gây thất vọng khi hoàn toàn trắng tay. Chúng ta cùng nhau thử đi tìm những điểm nhấn của đoàn thể thao Việt Nam tại đại hội lần này.
1. Lặn dẫn đầu với 14 HCV
Đóng góp nhiều HCV nhất cho đoàn thể thao Việt Nam lần này chính là môn lặn với 14 HCV, 11 HCB và 5 HCĐ, chưa kể các tuyển thủ lặn cũng phá 8 kỷ lục SEA Games. Tuy nhiên, phải nói rõ, lâu nay lặn là môn thế mạnh của Việt Nam khi có sự phát triển lâu đời, nhưng chỉ mới đưa vào SEA Games ở 4 kỳ đại hội vào năm 2003, 2011, 2021 và 2023, nên các tuyển thủ Việt Nam gần như độc bá cũng chẳng lạ.
Ngoài lặn, vật cũng là thế mạnh của Việt Nam khi chúng ta đã giành đến 13 HCV trong tổng số 18 nội dung thi đấu, đặc biệt 6 tuyển thủ nữ Việt Nam đã giành hết 6 HCV ở nội dung vật tự do. Vật là môn trong hệ thống thi đấu Olympic và Việt Nam gần như vô đối ở Đông Nam Á, nhưng vẫn còn khoảng cách rất xa với châu lục và thế giới.
2. Điền kinh giành 12 HCV, nhưng không hoàn thành chỉ tiêu
Trong 3 môn giành nhiều HCV nhất có điền kinh, khi giành đến 12 HCV, 20 HCB, 8 HCĐ. Tuy nhiên, đây là môn lại không hoàn thành nhiệm vụ, vì mục tiêu đề ra cho điền kinh là giành 14 đến 18 HCV và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Với nhiệm vụ này, điền kinh là đội tuyển tham dự đông nhất đoàn Việt Nam với 80 người, trong đó có 59 tuyển thủ. Tuy nhiên, thành tích của điền kinh thì như đã biết và ngôi đầu khu vực đã quay về với Thái Lan, sau 2 kỳ đại hội thuộc về Việt Nam. Chưa kể, thành tích của các tuyển thủ đều thua xa kỷ lục đại hội.
Ngoài điền kinh, bơi giành 7 HCV, 3 HCB, 7 HCV và cũng không hoàn thành chỉ tiêu để ra là giành từ 8 đến 10 HCV. Ngoài ra, bơi là môn chỉ có các tuyển thủ nam giành HCV.
3. Aerobic, đội tuyển gây bất ngờ nhất
Trong số các đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 32, aerobic có lẽ là đội tuyển gây bất ngờ nhất khi cứ ra quân là giành HCV. Trong số 5 nội dung thi đấu của đại hội, các tuyển thủ aerobic Việt Nam đã giành trọn cả 5 HCV với điểm số cách biệt cực lớn.
Ngoài aerobic, judo cũng là môn mang nhiều bất ngờ nhất cho đoàn Việt Nam khi giành đến 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ để tiếp tục đứng đầu khu vực. Đây là thành tích không nhiều người nghĩ đến, bởi môn judo cũng bị nước chủ nhà Campuchia cắt nhiều nội dung.
4. Thành tích các đội tuyển không cao
Dẫu giành đến 136 HCV tại SEA Games 32, nhưng thực tế thành tích của các tuyển thủ Việt Nam tại đại hội không cao khi chỉ phá đúng 14 kỷ lục SEA Games. Trong số này, môn bơi có duy nhất kình ngư Phạm Thành Bảo phá 2 kỷ lục ở nội dung 100m ếch và 200m ếch. Môn cử tạ có 4 kỷ lục, nhưng riêng đô cử Nguyễn Quốc Toàn đã phá 3 kỷ lục ở nội dung cử giật, cử đẩy và tổng cử ở hạng cân 89kg. Trong lúc môn lặn cũng có 8 kỷ lục, nhưng lại không nằm trong hệ thống thi đấu của Asian Games. Nếu tính thành tích Asian Games vào tháng 9 tới tại Trung Quốc, những thành tích trên đều không tiệm cận huy chương Á vận hội.
5. Cầu lông là đội tuyển gây thất vọng nhất
Tại SEA Games 32, trong các đội gây thất vọng nhất của đoàn thể thao Việt Nam, có lẽ cầu lông là đội tuyển số 1. Sở dĩ nói thế, vì dẫu được kỳ vọng cao, nhưng cầu lông đã không giành được tấm huy chương nào tại đại hội khi xếp thứ 11/11 đoàn, còn thua cả Lào, Brunei và Myanmar đều giành được huy chương. Tại SEA Games 31, cầu lông ít nhất còn giành được 3 HCĐ, nhưng năm nay lại trắng tay.