LỠ MỘT CUNG ĐÀN
“Trước khi nói đến SEA Games 23, tôi muốn nói về SEA Games 22. Tôi vẫn chưa quên kỳ đại hội diễn ra năm 2003 trên sân Mỹ Đình. Nói thật, chúng tôi đã ở rất gần chiếc HCV SEA Games nhưng mọi thứ đã trôi tuột khỏi tầm tay. Và đó là cũng là lí do khiến chúng tôi đặt quyết tâm hơn ở SEA Games 23 diễn ra tại Bacolod (Philippines). Thứ nhất, đấy là thời điểm U23 Việt Nam có rất nhiều cầu thủ tài năng, đồng đều cả 3 tuyến. Thứ hai, lối chơi của đội tuyển rất nhuyễn, sắc sảo trong tấn công. Và cuối cùng, trước khi vào giải, chúng tôi rất tự tin sẽ chinh phục đỉnh cao.
Thực tế thì chúng tôi đã nhập cuộc với khí thế tưng bừng. Đầu tiên thắng Singapore, rồi tiếp tục đánh bại Lào với tỷ số kinh hoàng 8-2. Dù không nói ra nhưng tôi biết HLV Afred Riedl rất tự tin, chiếc vé bán kết khó thoát khỏi tay Việt Nam, bởi Myanmar hay Indonesia đều là những đối thủ “vừa miếng”. Kết thúc vòng bảng với ngôi nhất bảng B, Việt Nam càng chứng tỏ sức mạnh khi thắng Malaysia ở bán kết.
Thầy trò HLV A.Riedl và nỗi buồn thua trận chung kết
Sau khi vượt qua đối thủ này, tôi rất có niềm tin
U23 Việt Nam sẽ giành được HCV. Bởi đối thủ mà đội tuyển sẽ gặp ở chung
kết là Thái Lan ở giải đó cũng không quá mạnh. Ở vòng bảng, thậm chí họ
chỉ thắng các đối thủ yếu như Philippines, Campuchia đều với tỷ số 1-0.
Tuy nhiên, khi gặp Thái Lan
ở chung kết, chúng tôi đã không làm chủ được trận đấu và thua chóng
vánh 0-3. Để tuột mất tấm HCV khi đã đứng trước cửa thiên đường như thế
là điều quá đáng tiếc.
HÃY ĐỂ QUÁ KHỨ NGỦ YÊN
Bên cạnh sự tiếc nuối thì ở giải đấu năm đó, ở đội có câu chuyện buồn khi một số cầu thủ bán độ ở trận vòng bảng gặp Myanmar. Cá nhân tôi cũng cảm thấy rất buồn. Một thời gian dài sau đó, nhiều người gọi tôi là “người hùng” vì sự dũng cảm, vì dám đối đầu với những cái xấu và đặc biệt nghe nói vụ này có sự nhúng tay của cả... xã hội đen. Với tôi, lúc đó chẳng nghĩ gì cả, tôi cũng chẳng muốn làm “người hùng” trong mắt ai vì đơn giản việc làm của tôi là lẽ phải, không thể đưa lợi ích của một nhóm người lên trên cả danh dự của quốc gia.
Và cũng rất nhiều người đã hỏi tôi, sao Cu Mười gan to như thế, sao không nghĩ đến sự nguy hiểm của gia đình? Tôi cũng chỉ cười và nói vui: “Ở thời điểm đó tôi chưa có vợ con nên sợ gì”. Thú thật, để đứng ra nói lên sự thật tôi phải đấu tranh với chính mình vì biết rằng, nếu vụ việc được đem ra ánh sáng thì mọi thứ sẽ trở nên rất tồi tệ, và điều gì đến cũng đã đến….
Bây giờ mọi chuyện đã trở thành quá khứ, nhắc lại để các đồng nghiệp trẻ coi đó như một bài học cho riêng mình. Bây giờ, những đồng đội ngày xưa bị “nhúng chàm” khi gặp lại, chúng tôi vẫn chào hỏi và tôn trọng nhau đàng hoàng. Nhiều người trong số đó đã trở lại thi đấu đỉnh cao và gặt hái rất nhiều thành tích như Quốc Anh, Phước Vĩnh. Nhưng cũng tiếc, một vài người đã không thể tìm lại phong độ như xưa, ví như Văn Quyến, Quốc Vượng... Thôi thì mỗi người mỗi ngã rẽ, mỗi số phận. Tôi vẫn dõi theo và cầu chúc cho họ có một cuộc sống hạnh phúc, dù có là cầu thủ hay làm nghề gì đi nữa!”
Tài Em - điểm sáng của BĐVN năm 2005
Năm 2005, Tài Em đã có mùa giải rất thành công trong màu áo CLB ĐT.LA khi lần đầu tiên cùng đội bóng của bầu Thắng giành chức vô địch V-League. Phong độ chói sáng trong màu áo CLB đã trở thành bệ phóng cho Tài Em thi đấu cực kỳ thăng hoa ở đội tuyển U23 Việt Nam. Kết thúc năm 2005, Tài Em nhận tin vui khi anh được bầu chọn là chủ nhân Quả bóng vàng. Với số điểm vượt trội 354 bỏ xa người giành Quả bóng bạc Lê Công Vinh (221 điểm), Tài Em bước lên bục nhận giải thưởng quý giá này. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, cống hiến của anh ở cấp độ CLB và U23 Việt Nam.
BẠN CÓ BIẾT?
Đội hình có 4 Quả bóng vàng
Văn Quyến
SEA Games 23, BĐVN đặt kỳ vọng sẽ chấm dứt “cơn khát vàng” bởi đây là thời điểm nhiều cầu thủ bước vào độ chín của tài năng. Tuy nhiên, scandal đã khiến U23 Việt Nam vỡ mộng và hệ lụy của nó là rất nhiều cầu thủ rơi vào vòng lao lý. Nhưng đây cũng là kỳ SEA Games có sự tham gia có nhiều cầu thủ xuất sắc nhất đã từng đoạt danh hiệu QBV là Văn Quyến (2003), Lê Công Vinh (2004, 2006, 2007), Phan Văn Tài Em (2005) và Huỳnh Quốc Anh (2012).
NHÂN VẬT
Đoạn kết buồn cho Quốc Vượng
Tại các kỳ SEA Games 22 và SEA Games 23, Lê Quốc Vượng được đánh giá là một trong những tiền vệ trụ hàng đầu của Đông Nam Á. Thế nhưng, ít ai ngờ, người “chủ mưu” trong scandal tại Bacolod (Philippines) lại chính là cầu thủ này. Sau biến cố đó, Quốc Vượng đã phải chịu tổng cộng 4 năm tù. Sau đó, khi đã thoát khỏi lao lý, Vượng không còn giữ được phong độ và phải lang bạt khắp nơi để xin việc. Hiện tiền vệ này phải mưu sinh bằng nghề nhân viên… bốc vác.
HÀNH TRÌNH
Môn bóng đá nam SEA Games 23 diễn ra từ ngày 20/11 đến ngày 4/12/2005 tại Bacolod (Philippines). Việt Nam nằm ở bảng B cùng các đội Indonesia, Singapore, Lào và Myanmar. Thái Lan đã vượt qua Việt Nam với tỷ số 3-0 ở trận chung kết để giành HCV và Malaysia thắng Indonesia với tỷ số 1-0 ở trận tranh HCĐ.
ĐỘI HÌNH U23 VIỆT NAM
Bùi Quang Huy; Trần Hải Lâm, Nguyễn Minh Đức, Lê Bật Hiếu, Lê Văn Trương; Lê Tấn Tài, Lê Quốc Vượng, Phan Văn Tài Em, Huỳnh Quốc Anh; Phạm Văn Quyến, Phan Thanh Bình.
Vài nét về Phan Văn Tài Em
- Sinh năm 1982 tại Long An.
- Các CLB đã qua
2001- 2011: ĐT.LA
2011-2012: N.SG
2012- 2013: XMXT.SG
2013- ?: ĐT.LA
- Thành tích
+ ĐTQG: VĐ AFF Suzuki Cup 2008: HCĐ Tiger Cup 2002; HCB SEA Games 2003 & 2005
+ ĐT.LA: VĐQG năm 2005 & 2006: Cúp QG năm 2005: Siêu cúp QG năm 2006
+ Cá nhân: Cầu thủ trẻ xuất sắc 2004: QBV Việt Nam năm 2005