Việc nước chủ nhà Philippines nhập tịch một loạt hảo thủ và lên tiếng sẽ soán ngôi ở một số nội dung Việt Nam đang nắm giữ, đồng thời Thái Lan cũng lăm le lấy lại vị thế số 1 của điền kinh ở đấu trường Đông Nam Á đã tạo nên áp lực rất lớn với các tuyển thủ điền kinh Việt Nam. Thậm chí, những người đứng đầu đội tuyển điền kinh đã xin hạ chỉ tiêu từ 15 HCV đăng ký ban đầu xuống con số 13.
Thực tế, các tuyển thủ điền kinh Việt Nam đã phải chịu những thách thức rất lớn từ các đối thủ Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia. Ở đó, một số nội dung từng là thế mạnh của chúng ta đã bị đối thủ chiếm giữ như chạy 200m nữ, 110m rào nữ, tiếp sức 4x100m nữ, nhảy cao nữ, nhảy xa nữ; chạy 5.000m và 10,000m nam, nhảy xa nam… Tuy nhiên, sự nỗ lực của các tuyển thủ ở những nội dung còn lại đã giúp điền kinh Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế số 1 ở đấu trường thể thao lớn nhất Đông Nam Á khi đoạt đến 16 HCV, 12 HCB, 10 HCĐ và là đội tuyển giành HCV nhiều nhất đoàn thể thao Việt Nam. Thái Lan xếp thứ nhì (12V, 11B, 12Đ), Philippines đứng thứ ba (11V, 8B, 8Đ).
Nội trội nhất là tuyển thủ Nguyễn Thị Oanh khi giành 3 HCV cá nhân ở nội dung chạy 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Đặc biệt ngày thi đấu cuối cùng của môn điền kinh, buổi sáng Nguyễn Thị Oanh giành HCV cự ly chạy 5.000m, đến buổi chiều cùng ngày cô còn khiến các đối thủ “hết hồn” khi tiếp tục giành HCV nội dung chạy 3.000m VCNV, đồng thời thành tích 10’00”02 của cô đã phá kỷ lục 10’00”58 của SEA Games.
Nếu Nguyễn Thị Oanh rất xuất sắc và gần như không có đối thủ ngang tầm ở các cự ly tham dự, ngược lại nhiều nội dung các đồng đội của cô đã chiến thắng đối thủ bằng ý chí và sự lực đến tột cùng, cự chạy ly tốc độ 100m của Lê Tú Chinh là ví dụ. Thực tế, sau khi đối thủ Knott Kristina của Philippines giành HCV và phá kỷ lục cự ly 200m nữ, đồng thời thông số thành tích đứng đầu ở vòng loại nội dung 100m, lúc ấy chẳng ai nghĩ Tú Chinh có thể chiến thắng ở chung kết. Vậy nhưng bằng cú nước rút tuyệt vời cộng thêm sự may mắn, Tú Chinh đã về đích đầu tiên sau 11”54 để tiếp tục giữ danh hiệu “nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á”.
Ngoài Tú Chinh, tuyển thủ Dương Văn Thái cũng thể hiện bản lĩnh rất tuyệt ở 2 cự ly chạy 800m và 1.500m nam. Đặc biệt ở nội dung 800m, dẫu bị đối thủ dẫn khá xa ở 600m đầu, nhưng với cú nước rút thần tốc, Dương Văn Thái đã khiến cả cầu trường như nổ tung vượt mặt đối thủ nhập tịch của chủ nhà Philippines để về đích đầu tiên, dù trước đó anh cũng không tự tin bản thân có thể tiếp tục giành HCV nội dung này. Như vậy, đây là lần thứ 4 liên tiếp Dương Văn Thái đoạt HCV ở 2 nội dung 800m và 1.500m tại SEA Games.
Song song đó, Trần Nhật Hoàng cũng đã làm các thành viên đội tuyển điền kinh không nén được cảm xúc khi về đích đầu tiên cự ly chạy 400m nam, đây là lần đầu trong lịch sử điền kinh Việt Nam có HCV SEA Games ở nội dung này. Sau đó, chính Nhật Hoàng và các đồng đội Công Lịch, Văn Thao, Đình Sơn đã tiếp tục giành được chiếc HCV cuối cùng của môn điền kinh ở nội dung tiếp sức 4x400m với thành tích 3’08”07, chính thức khép lại một SEA Games 30 cực kỳ ấn tượng và thành công với đội tuyển điền kinh Việt Nam.