Bùi Thị Quỳnh ở nội dung 48 kg nữ là VĐV muay Việt Nam lên thảm đánh trận chung kết đầu tiên. Với thể lực và kỹ thuật vượt trội, cô gái của chúng ta thi đấu ấn tượng trong tiếng khen ngợi của các thầy. Nhưng tổ trọng tài lại xử thắng cho VĐV chủ nhà Myanmar. Lãnh đạo đội muay Thái Lan, ông Chalongchai Junpen, cũng phải uất ức thay: “Đó là quyết định không công bằng. Việt Nam lẽ ra đã có HCV”.
Tiếp đó, Bùi Yến Ly thượng đài và sức ép từ CĐV đội chủ nhà là rất lớn, nhất là khi đồng đội trước đó đã thua VĐV Myanmar. Nhưng “cô gái vàng” của chúng ta đã biết tiết chế, tiến thoái nhịp nhàng, ra đòn rõ ràng và giành chiến thắng thuyết phục. Cả thầy lẫn trò ôm nhau khóc, và HLV trưởng đội muay Việt Nam, Trần Trung Sơn cho biết: “Thất bại trước khiến tôi suy sụp, nhưng vẫn yêu cầu các em phải sung, phải sôi sục. Tấm HCV này sẽ mang lại tâm lý tốt cho các VĐV thi đấu sau”.
Ở trận chung kết cuối cùng, lần thứ 3 tái ngộ VĐV Myanmar, nữ võ sĩ Nguyễn Thị Ngọc đã giành chiến thắng dễ dàng với chiến thuật hợp lý ở nội dung 60 kg. Cô gái Việt Nam phân phối sức tốt cho 3 hiệp đấu, đánh chắc, thủ vững và ra đòn quyết đoán, nhanh nhẹn. Dưới sức ép cực lớn của biển người Myanmar tại nhà thi đấu muay, các trọng tài cũng không thể phủ nhận thành công của Nguyễn Thị Ngọc.
Sau khi thi đấu hết các nội dung, các VĐV và HLV của đội muay Myanmar không quên sang chào và dành những lời đánh giá cao cho đoàn muay Việt Nam. Còn ông Chalongchai Junpen, lãnh đạo đội muay Thái Lan, gật gù tâm đắc: “Trình độ, đẳng cấp của muay Việt Nam rất cao và tiến bộ cực nhanh kể cả về chiến thuật lẫn kỹ thuật. Hôm nay, các VĐV Việt Nam chơi rất tốt, ấn tượng và lẽ ra, các bạn phải giành được nhiều hơn 2 HCV. Nhưng từng đó cũng ngang bằng với Thái Lan - quê hương của môn thể thao này - rồi đấy”.
Hai tấm HCV , sự công nhận của đối thủ và sự thừa nhận của Thái Lan mới chính là đánh giá công bằng nhất về muay Việt Nam, chứ không nhất thiết phải đếm bằng số huy chương.