CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT: NGƯỜI VIỆT LÀ ĐỐI THỦ CỦA NGƯỜI VIỆT
Một dáng người rất quen, khuôn mặt thân thuộc nhưng chiếc áo Myanmar mặc trên người khiến chúng tôi không nghĩ đó là anh. Tiến lại gần mới dám chắc, đó là HLV Vũ Ngọc Thạnh - võ sư Việt Nam đang làm việc cho Uỷ ban Olympic Myanmar theo diện biệt phái. Đã ba tháng nay, anh âm thầm truyền dạy Việt Võ Đạo cho các VĐV Myanmar và phổ biến tinh hoa, triết lý của người Việt Nam cho các môn đồ nơi đây. HLV Vũ Ngọc Thạnh cũng chỉ là một trong số cả vài chục chuyên gia Việt Nam đang khoác lên mình các màu áo của đội Vovinam đối thủ.
“Tôi rất vinh hạnh khi được Liên đoàn Vovinam Myanmar mời và được liên đoàn Vovinam Việt Nam cử sang làm HLV cho đội bạn dự SEA Games này. Trên tất cả, tôi là sứ giả của võ Việt, văn hoá Việt và mình truyền dạy các em cái tinh hoa của người Việt đi kèm với tinh thần, võ học, đạo đức Việt Nam. Người Myanmar rất yêu và trân trọng Vovinam nói riêng và con người Việt Nam nói chung. Họ học, tập luyện một cách say sưa, đổ mồ hôi, thậm chí đổ cả máu. Có câu chuyện rất xúc động, đó là khi mình truyền đạt cho các em, các em tiếp thu được và họ quỳ xuống lậy, cái đó là các em tỏ lòng biết ơn mình”, HLV Vũ Ngọc Thạnh nói với sự xúc động và tự hào dâng trào lên trong mỗi câu từ.
Cùng với HLV Vũ Ngọc Thạnh, HLV Võ Nguyên Linh cũng đã làm việc với đội Vovinam Myanmar được 1 tháng. Cuộc sống xa nhà và sự bất đồng về ngôn ngữ khiến mọi thứ trở nên khó khăn nơi đất khách quê người. Nhưng khi lên thảm đấu, mọi sự khác biệt đều bị xoá nhoà và thầy trò nói chuyện với nhau bằng tư thế của Vovinam. HLV Võ Nguyên Linh tâm sự: “Đỉnh cao của sự giao tiếp là phi ngôn ngữ. Mọi bất đồng, mọi khác biệt đều được giải quyết thông qua những động tác, thế võ. Tôi rất tự hào và xúc động khi tinh thần, tinh hoa và đạo đức Việt đã toả sáng trên đất Myanmar”.
CÂU CHUYỆN THỨ HAI: NGƯỜI ITALIA VÀ “TÌNH YÊU MUÔN ĐỜI VỚI VOVINAM”
Trong nhà thi đấu Vovinam, có rất nhiều người châu Âu tham dự trên các vai trò khác nhau. Người đến xem với tư cách khán giả, người là quan chức và chúng tôi đã gặp lại một người quen. Anh chào ngay bằng một câu tiếng Việt. Đó là Vittorio Cera - Tổng thư ký liên đoàn Vovinam Italia, cựu Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam châu Âu và hiện nay là Trưởng ban trọng tài của liên đoàn Vovinam thế giới. Chúng tôi đã quen nhau tại SEA Games 26 trên đất Indonesia và hai năm sau, khi gặp lại, anh vẫn say sưa kể cho chúng tôi nghe về những điều tuyệt vời mà Vovinam mang lại cho cuộc sống của anh.
Vittorio Cera - Tổng thư ký liên đoàn Vovinam Italia kiêm
Trưởng ban trọng tài Vovinam thế giới
“Như bạn biết đấy, tôi đã học Vovinam lâu lắm rồi, chính xác là 24 năm. Vovinam mang lại rất nhiều điều tuyệt vời cho cuộc sống của tôi, giúp tôi hoàn thiện bản thân. Không thể liệt kê ra đây những điều tốt đẹp của Vovinam và tôi muốn chia sẻ triết lý tốt đẹp của môn võ này, về tinh thần, tình cảm và đạo đức của người Việt Nam thông qua những thế đánh, thông qua những bài quyền. Sẽ chẳng bao giờ tôi sống tốt, sống vui, sống khoẻ như thế này nếu thiếu Vovinam. Tôi sẽ yêu Vovinam mãi mãi, đến hết cả cuộc đời mình”, Vittorio Cera chia sẻ.
CÂU CHUYỆN THỨ 3: NGƯỜI INDONESIA BỎ PENCAK SILAT ĐỂ HỌC VOVINAM
Trong đoàn Vovinam của Indonesia, chúng tôi bắt gặp một người quen khác, cô là Nanik Trisna Dewi. Ở một đất nước có tới hơn 10 triệu người tập pencak silat, môn thể thao truyền thống thậm chí được đưa vào các trường học như một môn giáo dục thể chất, chuyện Nanik thành môn đồ của môn quốc võ này gần như là chuyện đương nhiên. Thế rồi, 3 năm trước, cơ duyên đã đưa cô đến với Vovinam khi có một đoàn chuyên gia Việt Nam sang Indonesia giảng dạy. “Yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên”, cô gái xinh đẹp này quyết định bỏ môn võ truyền thống của đất nước mình để theo đuổi cái hay, cái đẹp, cái tinh hoa của võ Việt Nam.
“Vovinam ẩn chứa những điều kỳ diệu bên trong và tôi đã nhận thấy những yếu tố đó ngay trong lần xem đầu tiên. Tôi đã quyết định chia tay môn pencak silat truyền thống của đất nước mình để đến với Vovinam trong sự phản đối của gia đình và bạn bè. Khi tập Vovinam, tôi đã giặt hái được thành công, với HCV ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp và chức vô địch thế giới. Xúc động nhất là tôi đã giành chức vô địch thế giới ngay tại Việt Nam vào năm 2011. Quan trọng hơn, nhờ Vovinam, tôi đã là một cô gái mạnh mẽ nhưng cũng rất nhẹ nhàng và đặc biệt, Vovinam cho tôi sự tự tin. Tôi biết ơn môn võ này và cảm ơn ngày gặp gỡ định mệnh 3 năm về trước. Tôi mới chỉ sang Việt Nam có 2 lần và tôi muốn sẽ được tới đất nước đó nhiều lần nữa để hiểu sâu hơn về đất nước, văn hoá và con người Việt Nam”, Nanik Trisna Dewi nói.
Võ sĩ Nanik Trisna Dewi (Indonesia) và tác giả
Người Việt Nam hiểu và yêu võ Việt Nam là chuyện rất bình thường nhưng có những người Việt đang đi khắp 5 châu để phổ biến tinh hoa và triết lý của môn võ này trên toàn thế giới. Không ít những người nước ngoài đã học tiếng Việt, đến Việt Nam và nghiên cứu Vovinam để chia sẻ với toàn nhân loại. Thật xúc động khi gặp những người như thế và càng tự hào hơn khi rất đông CĐV Myanmar chăm chú, say sưa đọc cuốn sổ tay về Vovinam và hào hứng cổ vũ các trận đấu, các bài quyền. Hôm qua, ở nhà thi đấu trong nhà Zayar Thiri, có nhiều người chiến thắng đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng họ cùng chung một tình yêu - tình yêu với Vovinam, tình yêu với Việt Nam.
Vovinam Việt Nam giành 3 HCV
Trong ngày thi đấu hôm qua, đội Vovinam đã giành tổng cộng 3 HCV. Đó là những tấm HCV ở nội dung đòn chân tấn công 4 người của Bình Định, Khắc Nguyên, Văn Cường và Công Tạo, ở nội dung đối kháng của Nguyễn Duy Khánh hạng 65kg nam, ở nội dung đối kháng của Trần Khánh Trang hạng 50 kg. Tại SEA Games năm nay, môn thể thao có xuất xứ từ Việt Nam này có 18 nội dung gồm 12 nội dung quyền và 6 nội dung đối kháng. Chỉ tiêu của đội Vovinam Việt Nam là giành 5-6 HCV.
Vovinam được phổ biến đi khắp thế giới
Theo Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới Võ Danh Hải, Vovinam Việt Nam đã có cuộc vận động dài hơi và đưa môn này đến với nhiều giải đấu quốc tế gồm SEA Games 2011 và SEA Games 2013, rồi đặc biệt nhất là Asian Indoor Games - 2009. Điểm khởi đầu quan trọng là thành lập Liên đoàn Vovinam thế giới năm 2008 và từ đó đến nay, Việt Nam đưa nhiều chuyên gia đi khắp thể giới để quảng bá và chia sẻ kinh nghiệm huấn luyện cho môn thể thao này.
Ước ao đưa Vovinam đi... Olympic
Giành HCV đầu tiên cho Vovinam Việt Nam tại SEA Games 27 ở nội dung đòn chân tấn công 4 người, bộ tứ Nguyễn Bình Định, Huỳnh Khắc Nguyên, Nguyễn Văn Cường và Trần Công Tạo có chung một giấc mơ. Đó là Vovinam được phổ biến rộng khắp, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở tầm thế giới và được đưa vào các giải lớn như Olympic. Với tốc độ phát triển nhanh như hiện tại, chuyện Vovinam được đưa vào Olympic hẳn không phải là chuyện viển vông.