Trước khi đội về nước, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Trưởng bộ môn wushu Việt Nam - Lê Minh Hà về những nhận định của ông.
- PV: Theo đánh giá của ông, đội tuyển wushu Việt Nam đã thể hiện ra sao tại đại hội?
- Theo tôi, đội tuyển wushu Việt Nam đã có sự thể hiện rất ấn tượng và xuất sắc tại SEA Games 27. Đây là một kỳ đại hội thành công của wushu Việt Nam, khi chúng ta đạt được 5 HCV, 3 HCB, 4 HCĐ. Trong đó có 3 HCV ở nội dung taolu và 2 HCV ở nội dung tán thủ. Điều đó đã cho thấy wushu Việt Nam phát triển khá đều và toàn diện.
- Hình như việc đoạt được 5 HCV tại SEA Games của wushu Việt Nam cũng là một bất ngờ với ông?
- Bất ngờ là điều luôn xảy ra trong thể thao. Có những bất ngờ vui và có những bất ngờ mang lại nỗi buồn, nhưng đây là bất ngờ vui. Tại đại hội lần này, chỉ tiêu của wushu Việt Nam chỉ là 3 HCV, nhưng rốt cuộc chúng ta đã giành đến 5 chiếc, trong đó có 2 thành tích rất bất ngờ của Phạm Quốc Khánh ở nội dung nam côn và Hoàng Thị Phương Giang nội dung trường quyền. Nói thế, vì Quốc Khánh đang chấn thương nên chúng tôi không đặt chỉ tiêu thành tích quá cao với anh. Trong khi nội dung trường quyền (nữ) Thúy Vi mới là ứng viên, nhưng rốt cuộc Phương Giang lại lên ngôi vô địch.
VĐV Dương Thúy Vi giành tấm HCV đầu tiên cho đoàn TTVN
- Qua SEA Games 27, ông đánh giá thế nào về wushu của các nước trong khu vực?
- Nếu xét toàn diện, ở nội dung taolu chúng ta có 2 đối thủ thực sự mạnh là Malaysia và Indonesia. Họ có sự đầu tư rất mạnh mẽ ngay từ cấp cơ sở, và VĐV của họ rất đông ở tất cả các nội dung. Trong khi chúng ta hiện chưa làm được điều này.
- Thế tại sao chúng ta chưa làm được như họ?
- Ở đây có một số nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là các tuyến của chúng ta có lực lượng khá mỏng do sự đầu tư chưa cao. Bởi đào tạo được một VĐV tài năng như Thúy Vi, Quốc Khánh, Xuân Hiệp phải trải qua một thời gian dài khổ luyện từ bé và mức độ đầu tư cũng rất cao.
Tuy nhiên, kinh phí hiện nay đầu tư cho bộ môn không nhiều nên chúng ta phải tính toán, cân đối sao cho ổn nhất. Hiện điều tôi lo lắng nhất chính là lớp kế cận của chúng ta chưa dày. Tiếp theo là những khó khăn về kinh tế khiến chế độ đãi ngộ hiện nay vẫn chưa được như mong muốn, nên rất dễ khiến VĐV rời bỏ thể thao.
Tiếc cho Mạnh Quyền tại SEA Games này vì côn gãy khi biểu diễn
- Có ý kiến cho rằng wushu là một môn cảm tính, phụ thuộc nhiều vào trọng tài nên có nhiều vấn đề lùm xùm hậu trường, đặc biệt rất khó có mặt ở đấu trường Olympic, nên cần thu hẹp mức độ đầu tư lại. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Việc wushu là một môn cảm tính và có nhiều tác động bởi trọng tài, điều này tôi không bác bỏ vì thực tế đúng như vậy. Tuy nhiên, sự tác động của trọng tài vẫn không đến mức như mọi người nghĩ. Tại SEA Games 27, dù là đương kim VĐTG, nhưng bị lỗi thì vẫn bị trừ điểm thẳng tay. Tôi thấy các trọng tài tác nghiệp tại SEA Games lần này khá ổn.
Còn việc bảo wushu chưa có trong hệ thống thi đấu Olympic nên không đầu tư, vậy nếu đợi đến khi môn này có mặt ở Olympic rồi mới đầu tư thì làm sao kịp. Tôi nghĩ, chúng ta phải có sự chuẩn bị cho những tình huống để có một sự hòa nhập và tiếp cận nhanh nhất bởi wushu đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên thế giới.
- Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!