VCK Asian Cup nữ 2014 tại TP.HCM vào giữa tháng 5/2014 có ý nghĩa quyết định 5 suất dự VCK World Cup nữ 2015. Khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Trung Quốc quá mạnh thì đối thủ cạnh tranh một suất đến Canada của ĐT nữ Việt Nam là ĐT nữ Myanmar và ĐT nữ Thái Lan. Đây là 2 đội bóng mạnh, được đánh giá ngang sức ngang tài với đoàn quân của HLV Trần Vân Phát.
Như truyền thống, lối chơi của ĐT nữ Myanmar dựa trên nền tảng thể lực. Dù phải liên tiếp trải qua 2 trận đấu rất căng thẳng trước ĐT nữ Việt Nam (vòng bảng) và ĐT nữ Thái Lan (ở bán kết), nhưng các cầu thủ Myanmar vẫn không cho thấy dấu hiệu suy giảm thể lực trong trận tranh HCĐ với Malaysia. Tuy vậy, lối chơi của thầy trò ông Kumada Yoshinori khá đơn điệu khi chủ yếu dựa vào các pha đua tốc độ, nên rất dễ bị bắt bài.
Đáng gờm nhất vẫn là ĐT nữ Thái Lan. Nhà vô địch SEA Games 27 là một tập thể đồng đều, kết dính, các cá nhân có kỹ thuật cơ bản và xử lý tình huống rất nhạy bén. Đáng kể nhất là các cầu thủ đang đầu quân cho các CLB ở Nhật Bản như tiền vệ tấn công Seeraumn hay tiền vệ trái Sung Ngoen. Cùng với tiền vệ phải Maijarern (dẫn đầu danh sách phá lưới SEA Games 27 với 6 bàn), Seeraumn và Sung Ngoen là những ngòi nổ đáng gờm của ĐT nữ Thái Lan với khả năng gây đột biến, xử lý cá nhân khá hiệu quả. Thể hình và thể lực của họ cũng vượt trội các cầu thủ nữ Việt Nam.
Bản lĩnh trận mạc là điểm mạnh khác của ĐT nữ Thái Lan. Chơi trên sân Myanmar lại bị khán giả Mandalay la ó, khủng bố tinh thần bằng những “cơn mưa vật thể lạ” ở cả trận bán kết lẫn chung kết, nhưng họ không hề tỏ ra run sợ hay hoảng loạng. Chính “tinh thần thép” ấy đã giúp ĐT nữ Thái Lan vượt qua chủ nhà ở loạt đấu súng cân não ở bán kết và sau đó, lội ngược dòng trước ĐT nữ Việt Nam ở chung kết để giành HCV.
Vì thế, muốn giành được vé đến Canada, ĐT nữ Việt Nam phải có quá trình chuẩn bị thật sự chu đáo và kỹ lưỡng để vượt qua 2 đối thủ đáng gờm kể trên.