Trò là chiến binh
Sáu mươi năm chờ đợi một giấc mơ vàng nhưng đôi khi cái nỗi ám ảnh “phận bạc” lại là gánh nặng có thể làm tan hoang giấc mơ ấy của U22 Việt Nam nếu tâm lý không vững. Bởi bao thế hệ cầu thủ đi trước vẫn chưa thể chạm tới đỉnh cao của vinh quang dù đã 5 lần vào chung kết. Nhưng đoàn quân của ông Park Hang Seo đã vượt lên chính mình, chiến thắng được nỗi sợ hãi để làm nên chiến công kỳ vỹ. Lý giải cho sự thành công ấy, thuyền trưởng Park Hang Seo đã nói đến “tinh thần Việt”. Trong hành trình ấy, U22 Việt Nam đã đôi lần gặp khó khăn nhưng chính cái khẩu hiệu đầy tự hào tinh thần dân tộc ấy đã tiếp thêm sức mạnh vô hình từ tâm tưởng, đưa đoàn quân của ông Park Hang Seo thoát khỏi nỗi sợ hãi, lo lắng để chiến đấu như những chiến binh bất diệt.
Phải thừa nhận rằng, U22 Việt Nam đã thể hiện một tinh thần thi đấu không thể chê vào đâu được. Nói cách khác, Văn Hậu và đồng đội luôn ra sân với “con tim nóng và cái đầu lạnh” dù bất cứ đối thủ là ai. Chính thái độ thi đấu cứng rắn ấy đã giúp cho U22 Việt Nam nhập cuộc với sự tập trung cao độ trước U22 Lào hay U22 Brunei để bỏ túi những chiến thắng dễ dàng, không phải mất nhiều sức lực như cách U22 Thái Lan phải chật vật mới thắng U22 Lào (2-0) vào phút cuối. Ngay cả lúc bị đặt vào thách thức, đoàn quân của ông Park Hang Seo vẫn cho thấy tâm lý vững vàng, không hề e sợ hay nôn nóng lúc U22 Indonesia dẫn bàn; hay mất phương hướng, buông xuôi khi U22 Thái Lan gác trước 2 bàn chỉ sau hơn 10 phút do sai lầm cá nhân.
Chính tinh thần thi đấu vững vàng trước mọi hoàn cảnh đã đưa U22 Việt Nam vượt qua mọi trở ngại, thử thách. Đoàn quân của ông Park Hang Seo lên ngôi nhờ cái đầu lạnh lùng, quyết đoán chứ không hẳn trông chờ vào sức mạnh cơ bắp, thi đấu “lăn xả, quả cảm” để miêu tả tinh thần chiến đấu của thế yếu như quá khứ.
Thầy là “phù thủy”
Lý giải về thất bại của đội nhà, báo chí Thái Lan cho rằng HLV Nishino có quá ít thời gian để chuẩn bị cho U22 Thái Lan bởi phải dồn sức cho ĐTQG tham dự vòng loại World Cup 2022. So với vị chiếc lược gia người Nhật Bản, công việc của ông Park Hang Seo bận bịu không kém khi cũng phải dồn toàn tâm toàn ý để lo cho ĐT Việt Nam trước khi xắn tay vào công việc ở U22 Việt Nam kể từ đầu tháng 11. Cùng quỹ thời gian, cùng khối lượng công việc như đồng nghiệp ở U22 Thái Lan nên sự thành công của ông Park Hang Seo đã cho thấy, khả năng vượt trội của ông thầy người Hàn Quốc so với ông Nishino.
Vinh quang ấy là nhờ ông Park Hang Seo tinh ý và nhạy bén trong công tác chuyên môn. Đơn cử như ở vị trí tiền vệ trung tâm, Hùng Dũng là sự lựa chọn dễ dàng. Nhưng việc tìm người đá cặp cùng đội trưởng của U22 Việt Nam không đơn giản buộc ông Park Hang Seo phải “vừa đá vừa thử nghiệm”. Hẳn nhiên, U22 Việt Nam đã có sai sót nhưng ở thời điểm quyết định nhất, vị chiếc lược gia này đã tìm ra được công thức chiến thắng khi chọn Đức Chiến để làm đối tác với Hùng Dũng. Cái kết rất mỹ mãn khi đội nhà đã công thủ toàn diện hơn. Tiền vệ trụ Đức Chiến hỗ trợ phòng ngự tốt để Hùng Dũng rảnh chân hơn cho việc tổ chức tấn công. Bảy bàn thắng và không để thủng lưới bàn nào kể từ bán kết khi bộ đôi này song hành là minh chứng.
Sự biến ảo nữa của ông Park Hang Seo là không cứng nhắc với sơ đồ 3-4-3. Nhận thấy năng lực của các học trò hiện tại không hợp với sơ đồ ấy, thuyền trưởng của U22 Việt Nam đã chuyển sang 3-5-2. Ông Park cũng đã chứng minh, hai tiền đạo tưởng chừng như khó song hành cùng nhau là Tiến Linh và Đức Chinh bởi lối chơi khá giống nhau cũng có thể tái hợp để trở thành bộ đôi ăn ý. Những gì mà cả 2 thể hiện từ vòng knock-out là minh chứng cho quan điểm của thuyền trưởng U22 Việt Nam. Sự nhạy bén nữa của ông Park Hang Seo là khả năng “đọc” năng lực của đối thủ. Đơn cử, U22 Indonesia quậy nát U22 Singapore, U22 Thái Lan, U22 Campuchia nhờ những pha “vỗ cánh”. Nhưng trước U22 Việt Nam, đôi cánh tưởng chừng như có sức mạnh vô biên ấy đã bị bẻ gãy toàn phần.
Chính một tập thể xuất sắc cả về năng lực chuyên môn lẫn mạnh mẽ và lạnh lùng về thái độ thi đấu đã đưa U22 Việt Nam chạm tay đến HCV SEA Games 30. Tấm HCV ấy đã trút gánh nặng cho cả một nền bóng đá đã chờ đợi như chiều dài của một đời người.
Lối chơi không phụ thuộc Điểm nhấn khác của U22 Việt Nam là lối chơi không phụ thuộc cá nhân. Đơn cử, nỗi lo sức mạnh sẽ giảm khi Quang Hải bị chấn thương, nghỉ hết SEA Games 30 nhưng cuối cùng, U22 Việt Nam vẫn chơi tốt và đến đích mỹ mãn. |