Mùa Hè hỗn loạn ở Inter cho chúng ta thấy nhiều hơn ở một vài thương vụ riêng lẻ như Achraf Hakimi hay Romelu Lukaku. Cách Inter bán bộ đôi này rồi mua về những phương án không tương xứng cho thấy sự bế tắc của giới chủ Trung Quốc vào thời điểm này.
Việc mua bán cầu thủ của họ bản thân nó không có mục đích giúp đội bóng mạnh hơn, mà chỉ chăm chăm để dành ra một số tiền để trả nợ, đáp ứng đòi hỏi phải lãi ròng tối thiểu 75 triệu euro từ kỳ chuyển nhượng này theo yêu cầu của Oaktree Capital, đơn vị vừa rót 275 triệu euro vào CLB.
Sau những gì xảy ra với Jiangsu Suning - đội bóng được tập đoàn Suning rót vốn lập tức bị giải thể sau khi vô địch Trung Quốc lần đầu tiên - thì có thể tin ưu tiên số 1 của chủ Inter lúc này không phải là thành tích trên sân cỏ.
Tờ Il Sole 24 Ore khẳng định, Suning đang có nhu cầu bán Inter gấp, sau khi đã đàm phán với Quỹ đầu tư BC Partners có trụ sở ở London (Anh) vào năm ngoái, nhưng đổ bể do không thống nhất được giá cả.
Như vậy, nỗ lực của những tân binh như Edin Dzeko hay chính tân HLV Simone Inzaghi chắc chắn không đủ để chặn đà thoái trào. Bản thân họ vốn đã không được đánh giá cao bằng những người vừa ra đi, họ còn quá “thấp cổ bé họng” để chặn sự bi quan đang lây lan.
Cuộc khủng hoảng ở đội bóng này không chỉ dừng ở thượng tầng mà ảnh hưởng trực tiếp tới các cầu thủ và màn trình diễn trên sân. Ngay trong Scudetto mùa trước, toàn đội đã bị yêu cầu hy sinh 2 tháng lương. Rất nhiều người thấp thỏm chờ bị bán vì... lương cao. Một đội bóng như thế rất khó nâng cao thành tích.
Càng khó cho nhà ĐKVĐ khi Juve mời lại Max Allegri ở mùa này. Đã có binh hùng, nay kình địch lại có tướng mạnh. Những đối thủ như Milan, Roma, Lazio, Napoli có thể chẳng mấy đáng ngại nhưng riêng Juve lại ở một vị thế khác.
Antonio Conte đã từng hy vọng sau Scudetto mùa trước, đội bóng tiếp tục tăng cường để chính thức vượt qua cái bóng của Juve trên đất Italia, nhưng thực tế sau đó diễn ra trái ngược.
Để hình dung số phận Inter mùa tới, hãy cứ xem lại chuyện gì xảy ra sau cú ăn ba mùa 2009/10. Cuộc khủng hoảng khi ấy không nghiêm trọng như lúc này, khi Inter vẫn cầm cự được mùa 2010/11 với vị trí á quân Serie A. Họ chỉ bán hai cầu thủ không có ảnh hưởng quá lớn là Mario Balotelli và Nicolas Burdisso, chiêu mộ Giampaolo Pazzini, Yuto Nagatomo và Andrea Ranocchia.
Nhưng Moratti chỉ chặn được đà suy thoái đúng 1 mùa. Cỗ xe lao dốc từ mùa 2011/12 với đúng kịch bản bán giá cao, mua giá thấp như kiểu mùa này. Samuel Eto’o, Thiago Motta, Goran Pandev lần lượt ra đi, nhường chỗ cho những nhân vật hoàn toàn không tương xứng như Ricardo Alvarez, Jonathan thậm chí Diego Forlan. Inter mùa đó xếp thứ 6 Serie A và chỉ hơn 1 năm sau thì bị bán.
Do đó, đây sẽ là giai đoạn mà các CĐV của xanh-đen phấp phỏng chờ số phận của đội bóng họ yêu, thay vì kỳ vọng nhiều về thành tích. Mục tiêu của Inter mùa này sẽ chỉ là giữ chân trong Top 4. Khả năng xoay xở của Simone Inzaghi có thể giúp họ đi sâu hơn thời Conte tại Champions League, nhưng có lẽ, với lực lượng này, Inter sẽ không đi quá vòng tứ kết.
GÓC CHIẾN THUẬT
Tương tự người tiền nhiệm Antonio Conte, sơ đồ vận hành sở trường của HLV Simone Inzaghi cũng là 3-5-2 nên dàn cầu thủ Inter dự kiến sẽ không bị sốc về mặt chiến thuật. Tuy nhiên khi bước ra Champions League, rất có thể Inter của Inzaghi sẽ dùng sơ đồ khác.
CHUYỂN NHƯỢNG MÙA HÈ
Inter đã mua hậu vệ Denzel Dumfries và tiền đạo kỳ cựu Edin Dzeko, cũng như chiêu mộ Hakan Calhanoglu theo dạng tự do. Kỳ chuyển nhượng của Inter chưa khép lại khi BLĐ vẫn có ý định chiêu mộ thêm 1 tiền đạo nữa để chia lửa với Dzeko và Lautaro Martinez.