- L’Equipe: Chào Olivia, bệnh tiểu đường tuýp 1 mà Alexander Zverev mắc phải là gì?
- Olivia Bocock: Trong quá trình điều chỉnh lượng đường trong máu, mọi thứ đều được thực hiện thông qua việc sản xuất insulin trong cơ thể. Insulin lấy đường trong máu và đưa nó vào các “cửa hàng” (kho chứa) gồm gan và cơ. Bệnh tiểu đường tuýp 1 là một bệnh tự miễn dịch, phá hủy dần các tế bào được cho là sản xuất insulin này.
Có một sự thiếu hụt insulin rõ ràng và cách điều trị duy nhất có thể là insulin qua đường tiêm, đây là hình thức duy nhất của việc sử dụng insulin vì nếu không nó sẽ được dạ dày tiêu hóa hoàn toàn. Mục đích điều trị của bệnh nhân tiểu đường là tái tạo những gì cơ thể nên làm một cách tự nhiên: liên tục bổ sung một lượng nhỏ insulin để tránh bị cạn kiệt hoàn toàn dự trữ trong ngày. Và vào bữa ăn, bổ sung insulin tương ứng với lượng carbohydrate trong thức ăn.
- Các VĐV thể thao đỉnh cao sẽ phải thích ứng thế nào nếu bị tiểu đường?
- Vài năm trước đây nó rất phức tạp. Tri thức đã phát triển và sự thích nghi cũng tốt hơn. Ưu điểm của các công nghệ mới là nó ngày càng đơn giản. Một VĐV hàng đầu phải có chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt. Các VĐV cũng hiểu rằng chế độ ăn uống là chìa khóa để đạt được thành tích thể thao mà không cần dùng doping. Nó đòi hỏi một sự khắt khe nhất định. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, chế độ ăn kiêng còn khắt khe hơn vì liều lượng insulin được tiêm phụ thuộc vào nó.
- Khi Zverev còn là một đứa trẻ, các bác sĩ nói rằng anh ấy không thể trở thành một VĐV quần vợt chuyên nghiệp...
- Ngày nay, bác sĩ chúng tôi đã cố gắng giúp các VĐV mắc bệnh tiểu đường ổn định lượng đường. Nhưng chắc chắn rằng bệnh tiểu đường sẽ ngăn cản một số VĐV đột phá ở mức độ cao nếu không ổn định được chỉ số đường huyết. Nhưng mỗi bệnh tiểu đường (phân loại theo các tuýp 1, 2, 3, 4) là khác nhau.
Zverev có thể mắc bệnh tiểu đường ổn định (bị tiểu tường nhưng duy trì lượng đường ở mức cho phép của một người bệnh). Tôi theo dõi một số VĐV trẻ muốn đạt đẳng cấp cao trong các môn bóng ném, bóng bầu dục, bóng rổ nhưng mắc bệnh tiểu đường. Chúng tôi giúp họ về mặt dinh dưỡng để duy trì chỉ số đường huyết ổn định.
- Đâu là khó khăn mà một VĐV tennis mắc bệnh tiểu đường có thể gặp phải?
- Quần vợt là một môn thể thao dễ quản lý hơn những môn khác vì nó bao gồm các cữ tập chia nhỏ, cho phép lượng đường trong máu tăng lên khá nhanh nên ít có nguy cơ hạ đường huyết hơn. Thách thức lớn là cữ tập kéo dài vì nó khiến bệnh nhân bị hạ đường huyết nhanh. Khi tập luyện cường độ cao hơn, có các hormone tăng trưởng, adrenaline, hormone tuyến giáp, testosterone được sản sinh ra sẽ có xu hướng làm tăng lượng đường trong máu.
- Nhưng ngược lại, nó có thể gây tăng đường huyết. Đây là điều thường xuyên xảy ra với cầu thủ người Mỹ JC Aragone...
- Vâng, điều này có thể khiến bệnh nhân muốn đi tiểu thường xuyên hơn. Tình trạng này làm tăng áp lực thẩm thấu máu và gây rối loạn ý thức – một dạng biến chứng chuyển hóa của bệnh tiểu đường.
- Bệnh tiểu đường của Zverev có thể giải thích những khó khăn đã quan sát thấy, đặc biệt khi anh ấy bắt đầu sự nghiệp, trong các trận đấu Grand Slam kéo dài 5 set?
- Năm set ở Grand Slam là một thách thức. Quần vợt có lợi hơn cho việc tăng đường huyết, nhưng khi nguồn dự trữ glycogen cạn kiệt vào cuối trận đấu, sẽ rất phức tạp để quản lý lượng đường trong máu. Độ nhạy insulin tăng lên, nhưng nguồn dự trữ lại bị cạn kiệt. Vì vậy, việc có chế độ dinh dưỡng phù hợp giữa các trận đấu là rất cần thiết.
- Các VĐV tiểu đường tuýp cao phải làm việc nhiều hơn so với các đối thủ của họ, phải không?
- Gánh nặng tinh thần với những người mắc bệnh tiểu đường hàng ngày rất lớn. Họ có thể sống, dù ít hay nhiều một cách bình thường, nhưng luôn luôn nghĩ đến thậm chí bị căn bệnh này ám ảnh. Tôi biết nhiều người còn rất trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường ở Bordeaux. Mới đầu, họ cần thời gian chấp nhận bệnh.
Có một giai đoạn dài họ không chấp nhận mình mắc bệnh. Nhưng sau đó, nỗi ám ảnh được chuyển hóa thành sức mạnh. Đây là thứ có thể khiến họ thậm chí còn mạnh mẽ hơn về mặt tinh thần. Zverev sở một tinh thần luôn rực lửa có lẽ cũng nhờ vậy.
- Ngoài ra, chúng ta thấy ngày càng có nhiều VĐV không mắc bệnh tiểu đường sử dụng cảm biến để đo lượng đường trong máu của họ. Tại sao?
- Mục đích là quản lý khẩu phần ăn trong quá trình chuẩn bị, nhất là về việc rèn luyện sự bền bỉ, đồng thời để kiểm soát lượng đường trong máu. Ví dụ, một người chuẩn bị cho một cuộc chạy marathon thì việc đo chỉ số đường huyết là cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, kiểm soát đường huyết còn giúp người ta có giấc ngủ ngon.
Tôi đã đeo một bộ cảm biến để chuẩn bị cho cuộc chạy marathon. Lượng đường của tôi luôn ở mức 0,40 - 0,45g/l (biết rằng lượng đường trong máu có chỉ số dưới 0,80), nó sẽ tăng sáu hoặc bảy lần trong đêm khiến tôi ngủ rất tệ vào buổi sáng. Bằng cách thay đổi chế độ ăn uống buổi tối, tôi thấy chất lượng giấc ngủ tốt hơn nhiều.
Và cũng có những người phải từ bỏ các môn thể thao liên quan đến sức bền. Người ta sẽ kiểm tra bằng máy cảm biến. Với một số người thì lượng đường trong máu tăng đột biến và sau đó là phản ứng insulin lớn, một số khác lại bị thấp. Cả hai đều hoàn toàn không lý tưởng. Tôi từng làm việc với bác sĩ Christophe Baudot tại PSG và Monaco. Ông ấy cho biết ở đây có dùng máy cảm biến đo đường huyết cho các cầu thủ...
Họ đeo máy cảm biến trong hai tuần, theo dõi chỉ số đường huyết và điều chỉnh khẩu phần ăn, cách tập luyện nếu thấy có vấn đề. Trái lại, người tập tạ, VĐV trượt tuyết, trượt băng... cần hiểu về căn bệnh này sâu hơn, kỹ hơn.