NỖI ĐAU “LEO CỘT MỠ” CỦA HOÀNG NAM
Cùng với cựu “thần đồng” Nguyễn Hoàng Thiên, nhà ĐKVĐ đôi nam Wimbledon trẻ Lý Hoàng Nam được nhận suất đặc cách vào thẳng vòng đấu chính của cả 2 nội dung đơn và đôi. BTC cũng trao suất cho Sumit Nagal, người cùng Hoàng Nam đăng quang tại Anh nhằm tạo thuận lợi tối đa cho ngôi sao đang lên quê Tây Ninh.
Từ trước giải, giới truyền thông và chuyên môn đã đưa Hoàng Nam lên mây khi đề cập đến khả năng anh hoàn toàn có thể làm nên chuyện đặc biệt với ý chí, sức vươn hiếm có của mình.
Nào chỉ cần Hoàng Nam thắng được 1 trận ở ATP Challenger này, Hoàng Nam đã có tới 18 điểm tích lũy, bằng 2 năm cày ải ở các giải Men’s Future. Nó sẽ giúp Hoàng Nam đang đứng ngoài Top 1.000 thế giới bay thẳng vào Top 800. Và có thể tài năng trẻ của “lò” Bình Dương còn thắng được không chỉ 1 trận. Khi ấy, chắc chắn anh cũng sẽ giúp cho BTC mang đến một sức hút lớn cho giải…
Thế nhưng giấc mơ đẹp được “vẽ” ra ấy đã sớm tan thành mây khói ngay từ kết quả bốc thăm. Lá thăm đen đủi đã đưa Hoàng Nam chạm trán toàn đối thủ “khủng” ở cả 2 nội dung, coi như tước đi nốt phần hy vọng có thể tạo bất ngờ. Nhất là ở đơn nam, tuyển thủ Việt Nam đã phải gặp ngay hạt giống số 2 đang đứng trong Top 100 thế giới James Duckworth (Australia) từng 2 lần vô địch Challenger Tour.
Và như một kết quả không thể khác, Nam đã dừng bước ngay từ vòng 1, thua theo đúng cách… không thể đỡ nổi. Riêng trận đấu với James Duckworth với anh giống hệt như màn “leo cột mỡ” cực kỳ vô vọng. James Duckworth đánh như dạo chơi, và cố gắng nương tay cho đàn em vẫn dễ dàng giành chiến thắng 2-0 đều với tỷ số 6-2.
CƠN ÁC MỘNG TRƯỚC “NGƯỠNG CỬA” MỚI
Có lẽ bản thân Hoàng Nam cũng kỳ vọng mình có thể làm nên được điều gì đó, hay chí ít cũng có những thu hoạch về chuyên môn. Tuy nhiên thực tế lại diễn ra hoàn toàn khác, và lần thử sức của anh tại một giải ATP Challenger giống như một cơn ác mộng. Chính sự chênh lệch quá lớn về đẳng cấp, tình trạng lực bất tòng tâm đã khiến một tay vợt luôn khát khao chiến đấu và chiến thắng như Hoàng Nam bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý.
Thậm chí, trạng thái luôn đầy tự tin của Hoàng Nam đã phần nào đó chuyển sang sự chán nản và tự ti, với sự choáng ngợp trước cái mênh mông, xa vời của đỉnh cao quốc tế. Đây là một cú “sốc” với Nam đúng vào thời điểm vô cùng quan trọng khi anh chính thức chuyển sang tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp từ sang năm.
Để tránh những hệ lụy kéo dài, chính xác hơn là không phải chịu đựng thêm một cơn ác mộng nữa, Hoàng Nam đã quyết định sẽ từ chối suất đặc cách vào vòng đấu chính ở giải ATP Challenger tại Ấn Độ. Phía Việt Nam cũng đã phải viết thư xin lỗi và mong BTC thông cảm về trường hợp rút lui của Hoàng Nam.
Điều duy nhất mà Hoàng Nam nhận được từ giải ATP Challenger trên sân nhà chính là biết rõ hơn mình đang ở đâu và cần phải làm gì cho mục tiêu lọt vào Top 300 thế giới trong 2 năm tới.
KHÂU TỔ CHỨC CÓ NHIỀU VẤN ĐỀ
Phải rất khó khăn, nỗ lực và có cả may mắn khi có nước rút lui, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam mới mang được một giải ATP Challenger, trước mắt trong 3 năm, bắt đầu từ 2015. Để đăng cai được giải, BTC đã tốn gần 2 tỷ đồng, trong đó riêng tiền thưởng “cứng” đã là 50.000 USD.
Thế nhưng khi kết thúc, có lẽ thu hoạch duy nhất từ giải chỉ là cái danh đã đăng cai một giải ATP Challenger, còn lại là những điểm buồn. Giải đấu có sự tham dự của 160 tay vợt chất lượng cao, với nhiều gương mặt trong Top 300, thậm chí 100 thế giới, rồi hiện tượng Lý Hoàng Nam của chủ nhà, đã diễn ra trong sự thờ ơ đến khó tin của truyền thông, người hâm mộ và cả giới chuyên môn. Một phần vì ngay cả những người yêu tennis cũng đã quá ngán với thực trạng bết bát của môn này, phần nữa xuất phát từ mảng quảng bá, truyền thông cho giải đấu quá kém.
Rất nhiều tay vợt quốc tế đã phải than trời và không thể hiểu nổi vì sao một giải chuyên nghiệp đẳng cấp cao mà lại mang hơi hướm nghiệp dư từ điều hành, phục vụ, cho tới khán giả.
Không chỉ đội ngũ nhặt bóng, mà nhiều thành viên cầm trịch về chuyên môn cũng “đứng hình” trước các tình huống phát sinh, hay yêu cầu của các tay vợt, đơn giản nhất như lau sàn, vì quá thiếu kinh nghiệm và vốn tiếng Anh cần thiết. Trong khi đó, các khán giả với số lượng vốn đã ít lại tạo nên tạo nên sự huyên náo, ầm ĩ vốn luôn cấm kị khi tự do đi lại, cười nói, sử dụng điện thoại...
Chắc chắn, sẽ lại có rất nhiều “bài học kinh nghiệm” được rút ra từ giải đấu này!
Chuyên gia Christian Brydniak, người đang dẫn dắt Lý Hoàng Nam “Việt Nam tổ chức giải đấu thuộc ATP Challenger cũng tốt. Tuy nhiên tôi cho rằng sẽ phù hợp, thiết thực hơn nhiều nếu như còn có kèm theo một vài giải Men’s Future. Hay thậm chí, thay vì ATP Challenger, các bạn nên làm khoảng 3 giải Men’s Future với cùng khoản kinh phí ấy. Rõ ràng ATP Challenger vẫn là một sân chơi quá tầm sức đối với Hoàng Nam ở thời điểm này. Anh sẽ phải bắt đầu từ các giải Men’s Future. Nếu chúng ta cứ đưa Nam vào những cuộc đấu như ATP Challenger có thể khiến anh bị chín ép và thui chột tài năng”. Hoàng Thiên chưa từng nghĩ đến chuyện giải nghệ Tay vợt số 2 Việt Nam từng được coi như một “thần đồng triệu đô” tỏ ra rất bất ngờ và bất bình trước thông tin mình sẽ giải nghệ, để tập trung học văn hóa cũng như rẽ sang một hướng mới cho tương lai. Dù thừa nhận mình từng có thời gian gặp khó và rất nản song Hoàng Thiên khẳng định mình chưa từng nghĩ đến việc rời xa nghiệp banh nỉ. Hiện tại, tay vợt 20 tuổi đang vừa tập huấn vừa học văn hóa theo một học bổng dài hạn tại một Học viện Quần vợt danh tiếng về đào tạo trẻ tại Đài Loan - Trung Quốc. Anh cũng đang kết hợp với các chuyến tập huấn, thi đấu tại Mỹ. Mục tiêu của Hoàng Thiên sẽ không có gì thay đổi, vẫn phấn đấu theo con đường quần vợt chuyên nghiệp lâu dài, với một cách thức mới chứ không phải thuê chuyên gia ngoại, dự tranh tối đa các giải đấu trong hệ thống như trước. CỰU TAY VỢT NỮ NGUYỄN THÙY DUNG: “Vấn đề không nằm ở chuyên môn” Thất bại của quần vợt Việt Nam tại giải ATP Challenger 2015 làm cho bức tranh toàn cảnh về bộ môn này thêm ảm đạm. Tôi đã từng tự đặt ra câu hỏi làm sao để quần vợt Việt Nam phát triển nhưng rồi vẫn chưa tìm thấy câu trả lời thỏa đáng vì những khúc mắc ngoài chuyên môn. Tôi đã từng trải qua, và theo sát trong suốt một thời gian dài, lần nào ĐTQG tập trung để chuẩn bị và đấu giải cũng có chuyện. Thắng cũng có chuyện, thua cũng có chuyện. Rồi giải đấu nào, từ cuộc nhỏ đến cuộc lớn cũng xảy ra những sự cố hay vụ lùm xùm đủ loại. Điều đáng buồn là tình trạng đó của quần vợt Việt Nam đã kéo dài quá lâu mà chưa thấy lối ra. Bản thân tôi, giờ đã ở một vị thế mới của một phóng viên được giao theo dõi lại càng thấm thía và buồn nản với những nghịch cảnh của quần vợt Việt Nam. Chúng ta đã từng tổ chức nhiều giải Men’s Future không hiệu quả, rồi bây giờ là giải ATP Challenger cũng không có gì khác, dù tốn kém gấp nhiều lần. Có lẽ “vấn đề” của quần vợt Việt Nam không nằm ở việc tổ chức giải này giải khác, dự tranh sân chơi này đấu trường kia, hay những sự cố này khác ở ĐTQG hay các giải đấu mà chắc hẳn phải xuất phát từ một gốc rễ và hệ thống chung của cả một môn. |