Thể lực giảm sút
Cách đây gần 10 năm, chính xác là tại tứ kết Roland Garros 2006, Novak Djokovic lần đầu đụng độ Rafael Nadal. Và chỉ sau 2 set (Djokovic thua cùng tỷ số 4-6), tay vợt người Serbia đã thở không ra hơi, dính chấn thương và xin bỏ cuộc trước ông Vua sân đất nện. Hình ảnh tương tự được lặp lại một năm sau đó, cũng tại Roland Garros, nhưng lần này là bán kết và trận đấu kết thúc sau 2 giờ 28 phút với phần thắng 3-0 nghiêng về Nadal. Djokovic sau trận, trùm chiếc khăn lớn lên đầu, ngồi thở dốc.
Nhưng đấy là thời kỳ vàng son nhất của Nadal. Khi không chỉ một mình Djokovic bị anh tra tấn thể lực trên sân đất nện bằng những cú giật líp với động tác đưa vợt vòng qua đầu, bóng đi cồng xoáy ngang mặt đối thủ, hay những cú cắt bóng sâu xuống cuối sân đòi hỏi đối phương phải tung hết sức hòng “nhấc” được quả bóng sang bên kia lưới. Và không thể không kể đến tuyệt kỹ phòng ngự “đánh mãi không chết” của Nadal. Đối phương dù ra đòn hiểm và nặng đến đâu, anh Nadal cũng cứu được hết, không những thế, còn tung ra những cú trả bóng dọc dây ăn điểm tuyệt vời.
Thể lực không còn sung mãn khiến Nadal dễ bị đánh bại hơn
Tất cả những thứ đó, Nadal có được là nhờ một nền tảng thể lực dồi dào. Anh cầm vợt như một lực sĩ, chạy nhanh như VĐV nước rút và tỉnh táo như một tay đua công thức 1. 10 năm là một khoảng thời gian dài đối với một vận động viên. Với một tay vợt như Nadal thì việc duy trì lối chơi dựa trên nền tảng thể lực sau 10 năm còn khó bội phần. Những chấn thương xuất hiện ngày càng nhiều, đôi chân di chuyển không còn mau lẹ. Và khi thể lực sút giảm ở tuổi 30, cái tay của Nadal đã không còn làm đúng những gì cái đầu nghĩ.
Lối đánh cũ kỹ
Nếu như Roger Federer cho người xem cảm giác anh có đánh thêm 10 năm nữa cũng vẫn thế, khi tay vợt người Thụy Sĩ chọn cho mình một lối chơi nhàn nhã, thanh thoát, dựa vào kinh nghiệm và sự chính xác từ giao bóng đến dứt điểm… thì Nadal vẫn không chịu từ bỏ lối đánh mà anh xác định từ ngày đầu. Vẫn là những cú topspin tiêu hao thể lực, vẫn lối đánh giằng co chờ đối phương đánh hỏng hoặc sơ hở mới ra đòn hồi mã thương.
Nadal đã sai lầm khi không thay đổi lối đánh hay cải thiện cú quả. Anh bị động ngay sau những cú giao bóng, vốn rất hiền, của chính mình. Và khi thể lực giảm sút, Nadal mới chính là người bị cuốn vào lối chơi của đối phương chứ không phải ngược lại. Nhìn những bước di chuyển, vẫn là Nadal của phòng ngự, nhưng sự khác biệt cơ bản ngày càng lộ rõ. Nadal không còn phòng ngự chủ động được nữa. Anh đang bị động.
Lối chơi của Nadal không còn khiến đối thủ e ngại
Những cú trả bóng dọc dây vòng từ ngoài vào hay những cú trái vắt chéo sân đang biến mất. Chống trả chật vật, đánh hỏng, không đủ sức rướn cứu bóng là hình ảnh của Nadal mỗi khi đối đầu với Djokovic khoảng 2 năm trở lại đây. Càng xem, càng thấy Nole như con hổ, vờn Nadal chạy từ cuối sân trái sang phải, lúc thì kéo lên lưới, khi đẩy rộng ra mang và chỉ kết liễu con mồi khi nó đã mệt lử. Nadal thua bằng chính vũ khí thể lực của mình.
Không chịu thay huấn luyện viên
Khi Nadal rớt phong độ, hình ảnh đầu tiên người ta mang anh ra so sánh chính là Djokovic. Federer lúc này không còn là đối trọng của Nole, vì vậy, Nadal vẫn là niềm hy vọng số 1 trong vai trò duy trì cán cân quyền lực làng banh nỉ.
Djokovic thăng hoa đi kèm với hình ảnh HLV Boris Becker, người đã thay đổi hoàn toàn con người anh từ năm 2013 đến nay. Nếu như trước đây Djokovic đánh năm ăn năm thua, ra đòn hiểm ác, đặc biệt là những cú đánh thuận tay và cả trái tay tréo sân ngay góc gần qua lưới thì giờ đây Nole đã chắt chiu hơn. Triết lý huấn luyện của Becker thay đổi cơ bản lối đánh của tay vợt số 1 thế giới. HLV người Đức này yêu cầu Nole giao bóng lần hai xoáy hơn và giảm bớt độ khó, hướng đến sự an toàn.
Bên cạnh đó, những cú trả bóng góc gần, tréo sân biến mất, thay vào đó là những cú forcehand sâu xuống phông. HLV Becker cũng đặc biệt đề cao lối đánh bóng bền. Đấy là cơ sở đầu tiên để đưa Nadal vào dĩ vãng.
Còn Nadal thì sao. Từ ngày đầu tiên, tức là khi anh biết cầm vợt năm 1990 (chuyển sang chuyên nghiệp năm 2001) đến nay, vẫn là ông chú ruột Toni Nadal đảm đương vai trò HLV.
Rafael Nadal và HLV cũng là người chú ruột Toni Nadal
Toni Nadal đã đúng khi để cháu mình chơi tay trái, cho dù ban đầu tay thuận là tay phải. Nhờ có những cú đánh tay trái cộng với nên tảng thể lực sung mãn, Nadal từng bước ghi tên mình vào những giải đấu danh giá nhất của quần vợt thế giới, sánh ngang với Roger Federer. Nhưng lối đánh cò cưa, lúc hiểm, lúc mạnh mẽ, lúc vật vờ ru ngủ đối phương mà Toni áp dụng với Nadal chỉ phát huy khi Nadal có được 100 sức lực của tuổi 25. Giờ đây, Nadal đã bước sang tuổi 30, triết lý đó không còn phù hợp.
Djokovic đã thay tới 8 HLV để giúp anh thích nghi với từng giai đoạn của sự nghiệp. Những tay vợt tương tự như Federer, Andy Murray, Wawrinka… cũng làm điều tương tự. Federer vẫn đang đứng vững và trở thành thách thức với bất kỳ tay vợt nào nhờ thay đổi lối đánh phù hợp với tuổi tác.
Còn Nadal, anh sẽ không bao giờ còn cơ hội hạ nổi Novak Djokovic bởi những yếu tố nêu trên. Thành tích đối đầu của hai tay vợt giờ là 23-22 với Nadal thắng nhiều hơn một trận. Nhưng đó có thể sẽ là cột mốc cuối cùng với Nadal, để rồi từ đây, Rafa sẽ phải chứng kiến Djokovic nhẹ nhàng gia tăng cách biệt mỗi khi chạm trán với mình.