Những Scandal rúng động làng Tennis: Vết nhơ Doping của Hingis (Kỳ 1)
Cũng giống như trong bóng đá, dàn xếp tỷ số trong quần vợt vô cùng tinh vi và khó lường. Người ta chỉ có thể “ngửi” thấy chứ rất khó “sờ” thấy hay “tóm” được. Nghi án Davydenko đã khép lại sau một năm điều tra vì thiếu bằng chứng, nhưng trận đấu kỳ lạ tại Sopot đã gióng một hồi chuông cảnh báo về vấn nạn dàn xếp tỷ số trong làng banh nỉ.
Ngày 2/8/2007, Davydenko chạm trán Arguello tại vòng hai giải đấu diễn ra trên đất Ba Lan. Lúc đó tay vợt người Nga đứng thứ 4 trên BXH của Hiệp hội quần vợt nhà nghề (ATP), được cho là sẽ dễ dàng đả bại đối thủ Argentina chỉ xếp hạng 87. Davydenko sớm thể hiện uy lực vượt trội khi thắng 6-2 trong set đầu tiên và tiếp tục dẫn điểm ở đầu set thứ hai. Mọi việc trên sân đấu diễn ra bình thường nhưng lại vô cùng bất thường ở phía Tây London nơi đặt trụ sở của nhà cái Betfair.
Trên trang web cá cược nổi tiếng thế giới, lượng tiền đổ vào cửa thắng cho Arguello ngày càng tăng cao bất chấp tay vợt người Argentina đã thua set đầu tiên. Khi Arguello tiếp tục bất lợi ở set thứ hai, lệnh đặt cược vào tay vợt này đã lên đến 7 triệu USD tức gấp 10 lần một trận đấu thông thường. Trong đó có 1,5 triệu USD tiền cược đến từ 9 tài khoản ở Nga, có nghĩa người Nga sẵn sàng chống lại tay vợt đồng hương.
Trước tình hình đặt cược bất thường, trưởng bộ phận chống gian lận của Betfair đã gọi điện cho Gayle Bradshaw, phó chủ tịch ATP, để thông báo về sự cố đang xảy ra. Bradshow chuyển thông tin này cho ban giám sát giải đấu ở Sopot. Nhưng đã quá muộn. Ở trên sân, Davydenko tập tễnh rời sân. Tay vợt số 4 thế giới trước đó thua ngược một cách kỳ lạ 3-6 ở set thứ hai. Tới set thứ ba thì Davydenko xin bỏ cuộc vì đau mắt cá chân. Arguello chung cuộc thắng 2-1 đúng như kết quả dòng tiền khổng lồ đổ vào Betfair.
Nhà cái lớn nhất nước Anh đã làm một việc chưa có trong tiền lệ, đó là hủy toàn bộ lệnh đặt cược của trận đấu này do diễn biến mờ ám trên sân. Về phía ATP, họ thành lập ban điều tra trước nghi án Davydenko dàn xếp tỷ số. Tay vợt người Nga tất nhiên khẳng định mình hoàn toàn trong sạch. Tuy nhiên, bác sĩ của giải đấu tiết lộ rằng vào thời điểm diễn ra set thứ ba, Davydenko đã đến hỏi ông rằng “chấn thương này của tôi có đủ hiệu lực để xin bỏ cuộc hay không”. Bác sĩ này trả lời là “Có” trước khi tay vợt người Nga làm điều cần làm.
Về phía Arguello, cơ quan điều tra phát hiện ra nhiều điều từ chiếc điện thoại của tay vợt người Argentina. Có rất nhiều tin nhắn trao đổi giữa Arguello và các con bạc đổ tiền vào Betfair. Tuy nhiên các tin nhắn này đều vào thời điểm không liên quan tới trận đấu tai tiếng tại Sopot. Ngày 11/09/2008 tức hơn một năm sau vụ việc, ATP tuyên bố dừng điều tra vì không có đủ bằng chứng kết tội Davydenko và Arguello tham gia dàn xếp tỷ số.
Dù vậy, nghi án Davydenko là tiền đề cho sự ra đời của Cơ quan liêm chính quần vợt (Tennis Integrity Unit - TIU), tổ chức chống tiêu cực của Liên đoàn quần vợt thế giới (ITF). Những người làm quần vợt hiểu rằng đã tới lúc phải có một bộ phận chuyên trách trống tiêu cực, dàn xếp tỷ số. Theo một báo cáo của TIU vào năm 2008, đã có 28 tay vợt nằm trong diện cần điều tra và không ít trận đấu ở các giải Grand Slam cũng bị cho là có “mùi”. Tuy nhiên trên thực tế hiệu quả làm việc của TIU rất thấp. Cơ quan này thường có thái độ tránh né đặc biệt là khi vụ việc liên quan tới các tay vợt hàng đầu. “Chúng tôi điều tra được 10 tay vợt chủ mưu các vụ dàn xếp, gửi hồ sơ lên TIU thì họ ỉm luôn”, Mark Philips một điều tra viên độc lập cho biết.
Chính vì thế, dàn xếp tỷ số vẫn là vấn nạn đáng lo ngại trên sân quần vợt. Novak Djokovic từng tiết lộ anh nhận được lời đề nghị 200.000 USD để thua một trận đấu. Tất nhiên tay vợt số 1 thế giới từ chối bán mình, song không phải đồng nghiệp nào của Djokovic cũng làm được như vậy.
Davydenko kêu oan
Nhắc lại nghi án dàn xếp tỷ số năm 2007, Davydenko cho rằng rất có thể những lời nói chuyện bình thường của anh với vợ trên sân đấu đã khiến mọi người hiểu nhầm. “Lúc đó, tôi có trao đổi với vợ ngồi sát khán đài, đại loại như: Anh không muốn thi đấu nữa, anh muốn nghỉ. Trận đó diễn ra ở Sopot (Ba Lan), nhiều người biết tiếng Nga có mặt trên khán đài. Có thể họ nghe thấy lõm bõm và nghĩ rằng tôi thông báo việc dàn xếp trận đấu với vợ”, tay vợt người Nga trần tình.
Arguello dính líu đến mafia?
Arguello (áo sẫm), đối thủ của Davydenko trong trận đấu mờ ám, bị cho là có quan hệ với mafia. Cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy vào năm 2006, đã có hàng loạt tin nhắn qua lại giữa tay vợt người Argentina và một con bạc đến từ đảo Sicily. Sau đó con bạc này thắng 86.000 USD tiền cược một trận tennis. Một số tin nhắn được khôi phục có nội dụng: “Anh ta không muốn làm điều đó. Anh ta muốn thắng” và “Tất cả đều ổn”. Arguello bị nghi ngờ cấu kết với mafia Italia dàn xếp các trận đấu tennis.
XEM THÊM
Những ngôi sao thể thao hàng đầu thế giới ngủ thế nào?