Bóng Đá Plus trên MXH

Tay vợt Lucas Pouille: 'Tôi từng sống một cuộc đời tăm tối'
08:28 ngày 28/03/2023
Lucas Pouille trả lời phỏng vấn tờ L’Equipe. Tay vợt từng vào tới bán kết Úc mở rộng 2019 nói về căn bệnh trầm cảm nghiêm trọng mà anh đã phải chống chọi trong thời gian qua, về chuyện từng có kế hoạch bỏ tennis sau khi dính quá nhiều chấn thương, và một số vấn đề khác.

    PV: Trong thời gian diễn ra tour đất nện ở châu Âu, anh đã chạy trốn sang Mỹ. Thực tại khó chấp nhận đến thế sao?

    Lucas Pouille: Chuyện đó qua rồi. Giờ tôi biết mình đang ở đâu. Trước đấy, ngay cả khi tôi nói khác đi, sẽ không có chuyện tôi chấp nhận việc phải đi qua đường Challenger, hay qua vòng loại…

    Tại sao anh lại không chấp nhận điều đó?

    Tôi nghĩ vấn đề là “cái tôi”. Rồi sự nóng ruột được trở lại với trình độ cao nhất. Tôi đã có cơ hội được trải nghiệm những cảm xúc tuyệt vời, được tranh tài ở những giải đấu lớn nhất thế giới, các trận bán kết Grand Slam, rồi hai trận tứ kết, rồi chiến thắng ở Davis Cup, và các danh hiệu khác. Từ chỗ đang như thế tới chỗ bị một tay vợt xếp hạng 300 đánh bại ở vòng một giải Challenger, tôi đơn giản không thể chịu đựng nổi. Có thể bởi tôi thiếu sự khiêm tốn cần thiết, và việc nghĩ rằng mình không khiêm tốn vốn cũng chẳng dễ dàng gì…

    Giờ thì anh cũng đã chấp nhận cả chuyện không thể vào top 10 hay top 20 rồi chứ?

    Điều tệ hại là tôi vẫn nghĩ như thế dù thực tế không phải vậy. Tôi muốn trở lại và sẵn sàng làm tất cả, nhưng đúng là cần thời gian. 

    Anh có biết thứ hạng ATP hiện tại của mình không?

    Không. Tốt nhất là không nên biết. Từ năm ngoái tôi đã không nhìn vào bảng xếp hạng rồi. Nhưng tôi cũng không ngốc tới mức không biết mình được bao nhiêu điểm. Tôi chắc phải đứng thứ 600 hay 700 gì đó.

    469!

    OK. Đấy, thấy chưa, tôi không còn chạy theo điểm số. Mục tiêu của tôi là duy trì được thể lực.

    Trở thành một tay vợt Challenger có gì khác biệt không?

    Khó khăn là ở chỗ trước đây tôi đã quen với việc lúc nào cũng có cả một bầu đoàn thê tử bên cạnh, được hưởng những tiện nghi tốt nhất, ở trong những khách sạn đẹp nhất… Cũng đắt đỏ đấy, nhưng lúc ấy tôi vẫn đang kiếm được nhiều tiền. Trong ba năm tiếp theo, tôi chỉ có mất tiền thôi. Thu nhập thay đổi và cuộc sống cũng phải khác. Bây giờ tôi không còn nghĩ tới những bộ quần áo hay những chiếc xe đắt tiền nữa, tôi cố gắng sống một cuộc sống đơn giản và hài lòng với nó. 

    Các nhà tài trợ thì sao rồi?

    Tôi vẫn còn Le Coq Sportif là nhà tài trợ trang phục thi đấu. Thế thôi.

    Còn Peugeot, Evian, Rolex,… thì sao?

    Dừng hết rồi. Anh không nghĩ tới chuyện ký hợp đồng tài trợ khi anh đứng thứ 400 thế giới. Tôi còn chẳng có nhà tài trợ vợt thi đấu, nên phải dùng lại chiếc Prince cũ. Nhưng cũng chẳng chết được.

    Sau quá nhiều chấn thương, có lúc nào anh nghĩ cơ thể anh không còn phù hợp để chơi đỉnh cao nữa không?

    Năm ngoái tôi đã tự hỏi mình câu hỏi này. Vào thứ Ba và tháng Tư, tôi tập luyện cùng với Thierry (Ascione) và Félix (Mantilla), và chúng tôi đã thử gia tăng cường độ tập luyện. Sau một serie những cú thuận tay, tôi cảm thấy xương sườn như bị dao đâm. Ngày hôm sau tôi còn chẳng dậy nổi. Rồi chúng tôi đi chụp CT, và phát hiện ra tôi bị rạn xương sườn. Tôi đã tự nói với mình rằng “nếu chỉ vì cú thuận tay mà rạn cả xương sườn thì mày không nên chơi nữa”. Từ đó, tôi nhìn gì cũng ra màu đen.

    Nhưng anh vẫn đánh bại Karen Khachanov (6-3, 6-4) ở Madrid vào đầu tháng Năm. Chúng tôi cứ nghĩ là anh đã trở lại đấy…

    Vì cái tôi, vì sự phấn khích được thi đấu ở một giải lớn thôi. Lúc đó tôi gần như đã buông bỏ rồi. Tôi từng phải nhờ tới sự hỗ trợ của bệnh viện ở Nice để có thể hồi phục nhanh hơn. Nhưng ở đó, xung quanh tôi toàn là những người bệnh, những người sắp chết, ung thư giai đoạn cuối… Rồi tôi tự thấy thật lố bịch khi mình vào đó chỉ vì một vết rạn xương sườn. Từ đó tôi gần như suy sụp và sống một cuộc đời tăm tối, mỗi đêm chỉ ngủ được chừng một tiếng đồng hồ và thường xuyên nốc rượu một mình.

    Rồi anh cất vợt vào tủ à?

    Tôi cũng không biết có nên gọi cái thùng rác là tủ không (cười). Trong đầu tôi, mọi thứ đã chấm dứt. Tôi không thể cố được nữa. Tôi không xem một trận tennis nào cho tới tháng 10. Tôi cần phải thoát hẳn khỏi nó, để có thể trở lại với một tinh thần mới mẻ hơn. Để nhận ra vì sao tôi cần phải ra sân thi đấu.

    Từ khi nào anh quyết định trở lại?

    Tôi phải có mặt ở Paris trong thời gian diễn ra Bercy (một tên gọi khác của Paris Masters). Mười ngày trước lúc đó, Pierre-Hugues (Herbert) gọi điện và rủ tôi đánh cùng với anh ấy. Và lần đầu tiên sau một thời gian dài, tôi cảm thấy vui. Và sau đó Mathias Bourgue đề nghị nhường cho tôi suất thi đấu của anh ấy. OK. Và thế là tôi có mặt ở Bercy. Báo chí hỏi tôi về Olympic, khiến tôi thấy tò mò và háo hức. Ngày rời Bercy, tôi nói với vợ là “anh sẽ chơi tennis trở lại”. Cô ấy vui lắm. Thực tế là nếu tôi không tới Paris, nếu tôi vẫn ở nhà, thì tôi vẫn chưa trở lại đâu.

    Vậy mục tiêu sẽ là Paris 2024?

    Tôi nghĩ về nó mỗi ngày. Đó là giải đấu duy nhất tôi chưa từng góp mặt. Đó sẽ là một trải nghiệm của cuộc đời. Tôi muốn thử. Nếu tôi có thể góp mặt, đấy sẽ là điều tuyệt vời, nhưng nếu không, tôi cũng chẳng có gì phải hối tiếc bởi vì tôi đã làm hết tất cả những gì có thể.

     

    TÙNG LÂM (tổng hợp) • 08:28 ngày 28/03/2023

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay