Mặt trái của bảo tồn
Đi ngược lại với mọi môn thể thao thịnh hành ở Nhật Bản hiện đại, sumo vẫn duy trì và phát huy rất nhiều giá trị truyền thống. Luật thi đấu được thiết lập từ thế kỷ thứ 8 đến nay vẫn không có nhiều thay đổi và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai. Những người phương Tây đến Nhật Bản chứng kiến vẻ đẹp của sumo cũng phải thừa nhận, môn võ này dường như có khả năng đóng băng thời gian trong hành trình phát triển của nó.
“Sumo không đơn thuần chỉ là một môn thể thao. Nó phản ánh phong cách sống của những người thờ Thần đạo”, Jeff, một người hâm mộ sumo cuồng nhiệt chia sẻ với nhật báo lâu đời Asahi Shimbun. Ông coi công việc bán vé vào xem các trận sumo giống như truyền bá văn hóa Nhật Bản đến với công chúng. Nhưng cũng chính vì duy trì những lề thói cũ kỹ đã khiến sumo trở thành môn võ đầy bạo lực, với tình trạng bóc lột sức lao động diễn ra công khai.
Giống như những samurai phải phục vụ chủ nhân của mình đến chết, một võ sĩ sumo không bao giờ được phép rời lữ quán đã đào tạo anh ta thành tài. Trong sumo không có khái niệm chuyển nhượng hay cho mượn VĐV, vì mỗi đô vật chỉ thuộc về một lữ quán duy nhất cho đến ngày anh ta giải nghệ. Họ phải tuân theo một chế độ tập luyện kham khổ ở những nơi đầy rẫy tình trạng cá lớn nuốt cá bé và phân biệt đẳng cấp.
Hủ tục nghiêm cấm phụ nữ bước vào trong nhà thi đấu sumo cho đến nay vẫn được duy trì ở những trận đấu chuyên nghiệp. Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump là người hiếm hoi được đặc cách đến xem trực tiếp một trận sumo khi đến thăm Nhật Bản vài năm trước. Mặt trái của nó là mới đây, một thị trưởng đã suýt chết vì lên cơn đau tim giữa một trận sumo. Thay vì sơ cứu tại chỗ, mọi người phải cáng ông ra tận bên ngoài sảnh để y tá kịp thời can thiệp.
Thế giới tù túng
Đám đông thường nhìn vào mức thu nhập lên đến cả trăm triệu yên của một võ sĩ sumo hàng đầu và nghĩ đây là công việc trong mơ. Thực chất hoàn toàn ngược lại. Ngoài việc được lữ quán bao cấp ăn ở từ bé đến lớn, 97% các võ sĩ sumo không được trả một đồng lương nào cả. Họ không có quyền thắc mắc với chủ lữ quán, vốn thường là những VĐV chuyên nghiệp đã về hưu. Nếu muốn thoát khỏi tình cảnh nghèo khó, cách tốt nhất là trở thành võ sĩ nổi danh.
Cái giá để trở thành một võ sĩ sumo có mức thu nhập “chấp nhận được” là những năm tháng khó khăn thời niên thiếu. Họ phải rửa bát quét nhà tại lữ quán, phục vụ những người đàn anh lớn tuổi hơn trong từng hoạt động mỗi ngày. Thế giới của một VĐV sumo trẻ nằm gói gọn trong 4 bức tường. Họ gần như chẳng biết gì về thế giới bên ngoài. Việc học lấy bằng lái xe bị cấm. Điện thoại và bạn gái cũng là chuyện cấm kỵ chừng nào họ chưa trở thành VĐV hàng đầu.
Không tiền bạc, không bạn bè, nhiều người trong số đó trở thành tội phạm vì những hành vi vi phạm pháp luật. Vài năm trước, một võ sĩ sumo phải cúi đầu xin lỗi trước truyền thông vì hành vi bạo lực. Anh này thừa nhận mình đã hành hung một đồng nghiệp trẻ khác chỉ vì xích mích nhỏ. Không lâu sau đó, một võ sĩ sumo khác xộ khám vì tội đánh người nơi công cộng. Trước tòa, anh thừa nhận mình đã nổi nóng với một phụ nữ tới mức đánh chị ta bất tỉnh nhân sự.
“Truyền thống Nhật Bản quan niệm nếu một người muốn trở thành võ sĩ sumo, anh ta phải gắn bó từng giờ từng phút với môn thể thao này. Mọi suy nghĩ đến những thứ ngoài sumo đều phải bị gạt bỏ”, trích tờ Japan Today. Hệ quả là họ dần trở thành những kẻ lạc lõng giữa đời sống hiện đại. Nhưng giới chức Nhật Bản không vì thế mà can thiệp vào những điều luật khắt khe được truyền lại từ cả ngàn năm trước. Họ vẫn duy trì chúng với khẩu hiệu “bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa” dù cái giá phải trả có thể là quá đắt.
Đô vật Sumo tử vong vì Covid-19 Giải đấu lớn mùa hè của sumo bị hủy |
XEM THÊM
Magic Johnson, huyền thoại NBA & 3 thập kỷ 'đánh đu' với thần chết