Bóng Đá Plus trên MXH

Cầu lông, một tôn giáo ở Indonesia
08:48 ngày 23/06/2020
Nếu như người Brazil sinh ra để chơi bóng đá, người Mỹ yêu thích bóng chày, người Ấn Độ tôn sùng cricket thì người Indonesia xem cầu lông như một thứ tôn giáo. Xứ sở vạn đảo cũng là một siêu cường cầu lông toàn cầu.

    Người Indonesia bị ám ảnh bởi môn cầu lông. Tại đất nước có 274 triệu dân, trung bình cứ 10 người thì có 1 biết chơi cầu lông. Điệp khúc “Yoo ayo, ayo Indonesia. Ku ingin, kita harus menang (tạm dịch: Tiến lên nào, Indonesia. Chúng ta phải thắng) vang lên trên mọi khán đài từ Delhi, Doha, Copenhagen cho tới Kuala Lumpur. CĐV Indonesia theo chân các tay vợt của họ ở mọi giải đấu quốc tế. Họ nhảy múa, ca hát và gào thét theo mỗi cú vụt dưới sàn đấu. Một bầu không khí… bóng đá thực sự trong các trận cầu lông có VĐV Indonesia.

    Cầu lông lần đầu xuất hiện tại một kỳ Olympic ở Barcelona 1992. Năm đó, cả hai huy chương vàng đơn nam và đơn nữ đều thuộc về các tay vợt người Indonesia. Trong lịch sử các kỳ Thế vận hội, cầu lông Indonesia giàu thành tích thứ nhì với tổng số 19 huy chương các loại chỉ sau Trung Quốc (41). Nhưng không phải đợi tới các kỳ Olympic, Indonesia đã là cường quốc cầu lông từ thập niên 1950. Kể từ lần đầu tiên vô địch Thomas Cup vào năm 1958, Indonesia đã có tổng cộng 13 lần đăng quang tại giải cầu lông đồng đội thế giới, một kỷ lục không ai sánh kịp (Trung Quốc xếp thứ nhì với 10 lần vô địch Thomas Cup). Ở một sân chơi lớn khác là giải VĐTG cầu lông, xứ sở vạn đảo đã giành tổng cộng 77 huy chương, trong đó 23 vàng chỉ đứng sau Trung Quốc (187 huy chương với 66 vàng).

    Brazil không phải quê hương bóng đá, nhưng cầu thủ Brazil sở hữu tố chất thiên bẩm và hoàn hảo để chơi bóng đá. Ở mức độ nào đó, có thể nhận xét tương tự về cầu lông Indonesia. Những sĩ quan người Anh đóng quân tại Ấn Độ đã khai sinh ra cầu lông vào giữa thế kỷ 19 như một môn thể thao tiêu khiển nhẹ nhàng. Cầu lông sau đó trở nên phổ biến tại Anh trước khi lan sang các quốc gia khác. Những người Hà Lan đã mang môn thể thao này tới Indonesia vào đầu thế kỷ 20, trước khi nó trở thành một niềm tự hào hay thậm chí là một “chủ nghĩa dân tộc” của xứ sở vạn đảo.

    Khí hậu nhiệt đới của Indonesia cho phép người dân chơi cầu lông quanh năm. Chi phí thiết bị thấp giúp môn thể thao này đi sâu vào mọi tầng lớp. Chỉ cần hai cái vợt, một quả cầu, một mảnh đất trống và thậm chí không cần lưới là đủ làm nên một trận cầu lông. Phong trào cầu lông phát triển làm nền tảng cho hệ thống thi đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những điều kiện thuận lợi kể trên cũng xuất hiện tại Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam hay Thái Lan. Vậy sự khác biệt nào biến Indonesia thành siêu cường của cầu lông thế giới?

    “Người Indonesia có năng khiếu chơi cầu lông bẩm sinh”, huyền thoại Christian Hadinata lý giải. Ở thập kỷ 1970, chiều cao trung bình của người Indonesia chỉ có 158cm cho nam và 147 cm cho nữ, trong khi chiều cao lý tưởng cho một tay vợt cầu lông là 170cm. Dù hạn chế về tầm vóc, rất nhiều tay vợt Indonesia như Hastomo Arbi (162cm), Susi Susanti (162cm), Mia Audina (169cm), Gideon (167cm) đã giành vinh quang trên các đấu trường quốc tế. “Cầu lông không phải là môn đối kháng, chiều cao không quyết định tất cả. Cần nhất là sự nhanh nhẹn, một phẩm chất ưu tú của người Indonesia”, Hadinata, nhà cựu VĐTG cho biết.

    Dù vậy, các VĐV Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản hay Malaysia cũng có chung phẩm chất nhanh nhẹn, khéo léo và bản năng đánh cầu sắc bén như người Indonesia. Phải có một cái gì đó thật khác biệt giữa tay vợt Indonesia và các đối thủ. Theo Hadinata, điều khiến các tay vợt Indonesia trở nên độc đáo là “những cú đánh đa dạng, khó lường”. Các tay vợt Trung Quốc, Hàn Quốc nổi tiếng với phong cách hung hăng, tấn công đối thủ với những cú vụt uy lực. Nhưng người Indonesia tiếp cận trận đấu một cách đa dạng, uyển chuyển và ứng biến linh hoạt.

    “Tính linh hoạt không phải là thứ có thể huấn luyện được. Đó là món quà của thượng đế chứ không phải là thứ bạn có thể dạy cho ai đó”, Hadinata kết luận. Dù sở hữu tố chất lý tưởng để chơi cầu lông, Indonesia vẫn trải qua nhiều thăng trầm. Như giai đoạn hiện tại, họ không có tay vợt nam nào nằm trong Top 5 thế giới và không có tay vợt nữ nào nằm trong Top 20.   

    Đông Nam Á chào thua Indonesia

    Các kỳ Sea Games chứng kiến sự thống trị của cầu lông Indonesia. Cụ thể, Indonesia đã giành tổng cộng 184 huy chương trong đó có 112 vàng, 41 bạc và 31 đồng tại các kỳ Sea Games. Tại Sea Games 2019, Indonesia giành HCV ở nội dung đôi nữ và đôi nam-nữ, trong khi Malaysia vô địch các nội dung đơn nam, đơn nữ và đôi nam.

    Đôi nam hay nhất thế giới

    Indonesia đang thống trị cầu lông thế giới ở nội dung đôi nam. Trên BXH của Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF) tính đến tháng 3/2020, cặp Marcus Fernaldi Gideon - Kevin Sanjaya Sukamuljo hiện là số 1 thế giới với 106.853 điểm. Đứng thứ hai cũng là cặp VĐV đến từ Indonesia là Mohammad Ahsan - Hendra Setiawan (97.557 điểm). Ở nội dung đơn nam, tay vợt người Indonesia có thứ hạng cao nhất là Anthony Sinisuka Ginting, hiện xếp hạng 6 với 78.332 điểm. 

    XEM THÊM

    Lewis Hamilton giàu nhất giới thể thao tại Anh

    Federer, Serena & kẻ thù thời gian

    Bạo lực & tội ác, những góc khuất của sumo

    Việt Hà • 08:48 ngày 23/06/2020

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay