Draft hiểu nôm na là quá trình tuyển tân binh cho các đội thể thao. Draft hiện đã rất phổ biến với các giải đấu thể thao ở Mỹ. Draft thường được thực hiện vào cuối mùa giải với mục đích để gia tăng tính cạnh tranh cho những đội xếp phía cuối bảng xếp hạng, tránh để một hoặc một vài đội nhất định nào đó dễ dàng thống lĩnh cả giải đấu suốt thời gian dài.
Trong quá trình draft, các đội tham dự một giải đấu sẽ tham gia lần lượt lựa chọn một số VĐV nhất định đã được lọc ra từ trước theo các tiêu chí thích hợp. Tùy theo quy định của mỗi giải thể thao cụ thể, những VĐV được lựa chọn có thể là những VĐV trưởng thành từ đội trẻ, từ các đội thể thao đại học, trung học hoặc các VĐV nước ngoài. Trong quá trình draft, mỗi đội khi đến lượt của mình sẽ có độc quyền lựa chọn VĐV nào đó và khi đội đó đã lựa chọn VĐV rồi thì các đội còn lại không có quyền mời chào VĐV đó về với mình nữa.
Để đảm bảo gia tăng tính cạnh tranh cho những đội yếu hơn so với những đội mạnh hơn (yếu tố mạnh yếu ở đây căn cứ vào thứ hạng của các đội trên BXH khi mùa giải khép lại), các đội xếp dưới sẽ được quyền ưu tiên lựa chọn trước. Như vậy các đội yếu sẽ có cơ hội mang về đội của mình tài năng trẻ được đánh giá cao hơn. Và sẽ không có chuyện một đội nào đó thâu tóm hết những tài năng trẻ triển vọng nhất. Trong một số trường hợp, ban tổ chức giải có thể lồng thêm yếu tố “may rủi” trong quá trình draft để tránh trường hợp các đội không còn khả năng đua tranh vô địch cố tình đánh tụt vị trí của mình trên BXH để giành quyền ưu tiên khi draft.
Ngoài hình thức draft phổ biến nhằm tuyển tân binh cho các đội như đã phân tích ở trên, còn có 2 hình thức draft ít phổ biến hơn. Một là “expansion draft”: quá trình để một đội tân binh chọn quân từ những đội đã có sẵn ở giải đấu. Hai là “dispersal draft”: quá trình các đội còn lại của giải đấu chọn quân từ một đội vừa giải thể.
Lương của các VĐV thuộc diện mới được draft về các đội thường được BTC quy định sẵn mức sàn và trong một số trường hợp cả mức trần nữa. Khi hợp đồng của VĐV thuộc diện draft đó với đội nào đó mãn hạn, VĐV ấy sẽ được tự do ký hợp đồng với bất kỳ đội nào khác.
Như vậy có thể hiểu nôm na là quá trình draft nhằm giúp tăng cường tinh binh cho những đội yếu hơn và tránh đội mạnh hơn đã mạnh lại hút thêm nhiều sao giỏi. Tính cạnh tranh giữa các đội nhờ đó sẽ cao hơn. Thay vì một đội thống trị giải đấu suốt thời gian dài, cơ hội vô địch sẽ được chia đều hơn cho các đội.
Nếu áp dụng mô hình draft vào các giải đấu hiện tại của bóng đá châu Âu thì sẽ như thế nào? Nếu lấy ví dụ ở Bundesliga, sẽ không có chuyện Bayern vốn đã vô địch Bundesliga hết mùa này tới mùa khác lại được tuyển thêm nhiều sao trẻ chất lượng nữa. Bielefeld, Bremen, Mainz, Augsburg và Hoffenheim mới là những đội được quyền ưu tiên chọn tài năng trẻ trước. Hay như nếu áp dụng draft vào Premier League, những đại gia như Man City, Man United hay Chelsea sẽ phải xếp hàng dài cổ chờ đến lượt chọn sao trẻ. Còn Burnley, Brighton, Newcastle, Southampton hay Crystal Palace mới là những đội giành lợi thế tuyển sao mới. Yếu tố mạnh vì gạo, bạo vì tiền khi đó không còn ý nghĩa trong quá trình tăng cường tân binh trẻ nữa.
BTC các giải đấu bóng đá ở châu Âu hẳn là biết về draft rồi. Nhưng họ đến nay vẫn không áp dụng mô hình này. Hẳn là họ có lý do của mình. Nếu draft được áp dụng, các lò đào tạo trẻ của mỗi đội sẽ gần như bị triệt tiêu. Cứ thử tưởng tượng nếu các đội tuyển sao trẻ từ các đội bóng đại học hoặc trung học, vậy còn nhiều tài năng trẻ từ bóng đá đường phố sẽ bị bỏ quên? Và khi áp dụng draft thì liệu Premier League sẽ có thêm nhiều Man City, M.U, Chelsea hay là sẽ thêm nhiều Burnley, Brighton và Newcastle?
Các mốc áp dụng draft tại Mỹ
Draft được áp dụng từ giải bóng đá kiểu Mỹ đầu tiên. Chủ tịch giải bóng đá kiểu Mỹ (NFL) Joseph Carr phê chuẩn thể thức draft với NFL vào năm 1935. Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) áp dụng draft từ năm 1947. Các giải hockey (NHL) và bóng chày (MLB) lần lượt áp dụng draft từ năm 1963 và 1965. Ở Mỹ, bóng đá không phải môn thể thao vua. Bóng đá phổ biến muộn hơn nên mãi tới năm 2000, draft mới được áp dụng vào giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS).
Draft trong game quản lý bóng đá
Draft chưa được áp dụng với Premier League. Nhưng những ai quen chơi trò quản lý bóng đá của Premier League (Premier League fantasy) thì hình thức draft không còn xa lạ nữa. Với trò draft của Premier League fantasy, người chơi sẽ tự lập nhóm và hẹn nhau vào mốc giờ nhất định để lần lượt chọn quân theo từng vị trí cho đội của mình trước mỗi vòng đấu. Ai chọn trước sẽ được ưu tiên chọn cầu thủ “ngon” hơn và nếu cầu thủ nào đó đã được một đội chọn rồi thì các đội khác không thể chọn cầu thủ đó về đội của mình nữa. Số người chơi draft ít hơn nhiều so với số người chơi Premier League fantasy thông thường.