Nghịch lý mang tên Kobe Bryant
Ngày 26/1/2020, nước Mỹ cũng như NHM thể thao toàn cầu rúng động với thông tin huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant qua đời. Ông cùng với cô con gái 13 tuổi Gianna thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay trực thăng cá nhân.
Kobe ra đi để lại một di sản thể thao đồ sộ. Ông được đánh giá là một trong những VĐV bóng rổ Nhà nghề Mỹ NBA vĩ đại nhất mọi thời đại với 5 chức vô địch. Bên cạnh đó, ông cũng có nhiều dự án kinh doanh lớn còn dang dở.
Sau cái chết của Kobe, gia đình ông gạt nỗi đau sang một bên để tiếp tục sự nghiệp kinh doanh mà vị huyền thoại bóng rổ từng thai nghén trước khi “dừng lại” ở tuổi 41. Trong năm 2020, nhà Bryant thu về hơn 20 triệu USD từ các nguồn khác nhau.
Khi đó, tờ Forbes đánh giá rằng cái chết của Kobe thậm chí càng khiến các hàng hóa, sản phẩm và kỷ vật liên quan tới anh bán chạy hơn. Phần lớn số tiền 20 triệu USD đến từ doanh thu bán giày và quần áo của hãng Nike, nhưng ngoài ra cuốn tự truyện của Kobe xuất bản năm 2018 cũng bán được tới 300.000 bản trong năm 2020, tăng gấp 10 lần so với số sách bán được trong cả năm 2019.
Kobe qua đời để lại một khối tài sản vào khoảng 680 triệu USD cho gia đình gồm bố mẹ, vợ và 3 cô con gái. Nhưng khối tài sản của họ đã gia tăng thêm 400 triệu USD nữa vào năm 2021, sau một vụ sáp nhập mua bán đình đám.
Năm 2014, Kobe Bryant chi ra 6 triệu USD mua 10% cổ phần của BodyArmour - một hãng nước uống thể thao non trẻ. Huyền thoại bóng rổ này cũng cho phép BodyArmour sử dụng hình ảnh, tên tuổi của mình cho các chiến dịch quảng bá sản phẩm.
Thật không ngờ, BodyArmour lớn mạnh đến mức vào năm 2021, nó đã được gã khổng lồ Coca-Cola mua lại 85% cổ phần với giá... 5,6 tỷ USD. Hiện nay, thương hiệu được đổi hoàn toàn thành Bodyarmor SuperDrink. Như vậy chỉ trong vòng 7 năm, giá trị của BodyArmour đã tăng lên hàng chục lần.
Vị doanh nhân tài năng và kín tiếng
Sở dĩ khoản đầu tư của Kobe Bryant có thể thành công lớn đến thế, đó là nhờ vào tài thao lược của doanh nhân Lance Collins. Vị doanh nhân này có thể coi là “ông trùm” của ngành đồ uống thể thao Mỹ.
Trước khi hợp tác với Kobe để tạo ra “siêu phẩm” BodyArmour, vị doanh nhân này cũng từng gặt hái thành công lớn khi tạo ra nhãn hàng Fuze Tea mà sau này thương hiệu kể trên được mua lại với giá 250 triệu USD, đối tác vẫn là Coca-Cola.
Sau Fuze Tea, Collins, cùng với doanh nhân Mike Repole, đã thành lập BodyArmour. Hãng đồ uống này thành công trong việc quảng bá hình ảnh rằng nowcs uống của họ như một giải pháp thay thế lành mạnh hơn cho Gatorade và Powerade - những loại đồ uống bị đánh giá là quá mạnh. Kobe thấy hời nên quyết định mua 10% cổ phần, để rồi sau đó nhân gần 10 lần tài khoản.
Vận may đang tìm đến với Travis Kelce, VĐV bóng bầu dục của đội Kansas City Chiefs. Trong trận chung kết Super Bowl - Chung kết Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ được hàng trăm triệu người theo dõi, Travis Kelce chính là người ghi bàn thắng đầu tiên, mở ra chiến thắng lịch sử 38-35 cho Kansas City Chiefs trước Philadelphia Eagles. Nhờ vậy, đội bóng này đăng quang xứ sở cờ hoa lần thứ hai trong vòng 4 năm.
Ấn tượng với hình ảnh của Travis Kelce, doanh nhân Lance Collins tìm đến với một lời đề nghị béo bở. Mô hình hợp tác mà Collins đề xuất cho Travis tương tự những gì ông từng làm với Kobe.
Hiển nhiên đề xuất ấy nhận được sự hưởng ứng từ ngôi sao bóng bầu dục, và hai bên đang hăm hở lên các phương án cho một cuộc hợp tác làm ăn lớn. Hai bên hướng tới mục tiêu phát triển thương hiệu đồ uống mới, với công ty con có tên Casa Azul Spirits.
Mục tiêu của họ không gì khác ngoài việc nâng tầm thương hiệu, sau đó bán cho các ông lớn trong lĩnh vực đồ uống như Coca-Cola hay Pepsi. Và đương nhiên rồi, một siêu sao bóng bầu dục mới 33 tuổi như Travis Kelce - người còn có khả năng chơi ít nhất 3 mùa giải nữa. Cho đến ngày Kelce giải nghệ, anh có thể lại kiếm được một khoản lớn từ công việc thứ hai không mấy tốn sức này, thay vì những trận bóng bầu dục mang đầy thương tích.
Những huyền thoại qua đời vẫn kiếm bộn tiền
Trang Forbes đưa ra một danh sách các huyền thoại Mỹ dù qua đời nhưng hàng năm, tài khoản vẫn “chảy” về hàng triệu USD. Ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson là trường hợp điển hình nhất, và là người dẫn đầu khi mỗi năm thu về 48 triệu USD, chủ yếu từ tiền tác quyền các bài hát của ông.
Đứng sau Jackson còn có nhà văn Dr.Seuss (33 triệu USD), họa sĩ truyện tranh Charles Schulz (32,5 triệu USD), tay golf Arnold Palmer (25 triệu USD) và “Vua nhạc Rock & Roll” Elvis Presley (23 triệu USD).
Kobe Bryant xếp ngay sau trong danh sách này với 20 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, nếu tính thêm khoản tiền khổng lồ từ việc mua bán lại BodyArmour trị giá 400 triệu USD thì Kobe mới là người đứng số 1.
Travis Kelce kiếm bộn tiền vẫn tham
Travis Kelce là một trong những VĐV sáng giá nhất tại giải bóng bầu dục Mỹ. Tuy nhiên, trong năm 2022, nhà vô địch của Super Bowl “chỉ” thu về 10,5 triệu USD và tăng lên 12,2 triệu USD trong năm nay. Anh còn 2 năm hợp đồng với Kansas City Chiefs và mức lương hứa hẹn sẽ còn tăng tiếp lên mức 13 và 17,2 triệu USD.
Nếu kết thúc sự nghiệp vào năm 2025, Travis Kelce sẽ bỏ túi 74 triệu USD từ hợp đồng với Kansas City Chiefs, tính từ năm 2021 đến 2025. Trước đó, giai đoạn 2016 đến 2020, Kelce thu về 46,8 triệu USD, và từ 2013 đến 2016 là 3,1 triệu USD.