Công phá thị trường
Khi ĐT Nga ghi bàn thắng thứ năm vào lưới Saudi Arabia ngay trận mở màn World Cup 2018, giấc mơ xưng hùng bóng đá thế giới của CĐV bóng đá đội tuyển vùng Trung Đông nhanh chóng tiêu tan. Nhưng ở mặt trận... game bóng đá lại khác. Vài tháng trước khi World Cup diễn ra, các game thủ FIFA hàng đầu thế giới đã chứng kiến một người chơi từ Saudi Arabia làm điều không tưởng trước vô số đối thủ sừng sỏ khác.
Từ một nhân vật vô danh, Mossad Aldossary nhanh chóng trở thành nhân vật nổi tiếng hàng đầu thế giới bằng việc đánh bại 20 triệu người chơi FIFA khác. Thi đấu dưới nickname “MSDossary”, anh vô địch giải Fifa eWorld Cup và nhận phần thưởng trị giá 250.000 USD. Đó hóa ra chỉ là khởi đầu cho một hành trình mới. Cái tên MSDossary được ví như Mbappe của thế giới bóng đá ảo, thế nên anh được vô vàn đội eSport theo đuổi.
Khi những đội eSport đều sẵn sàng đưa ra mức lương khủng hậu đãi người chơi có tiếng, điều gì sẽ khiến họ từ chối đội này để gia nhập đội khác? Câu trả lời chính là tiếng tăm của ông chủ đứng sau. Trong trường hợp của Mossad Aldossary, anh có thể rộng đường đầu quân cho đội eSport của... Mesut Oezil hoặc Ruud Gullit nếu muốn. Vừa có tiếng lại vừa có miếng, còn được gặp mặt trực tiếp thần tượng.
Lý giải về hiện tượng ngôi sao sân cỏ đổ tiền làm ông chủ các đội eSport, hậu vệ Christian Fuchs của Leicester cho biết: “Bây giờ niềm vui thích do eSport mang lại đã là một phần không thể thiếu của cuộc sống rồi. Những trò chơi như Fortnite hay FIFA được nhắc đến nhiều như bóng đá ngoài đời vậy. Nhưng người chơi hàng đầu thế giới cũng nổi tiếng chẳng khác gì Messi hay Ronaldo. Thế nên tôi nhận ra eSport cũng chuyên nghiệp và giàu tính cạnh tranh như thể thao đời thực”.
Nghĩ là làm, Fuchs chính là cầu thủ đầu tiên ở Premier League sở hữu một đội eSport gồm 9 người chơi FIFA có tên NoFuchsGiven. Ở châu Âu đại lục, cựu danh thủ Ruud Gullit chẳng màng đến công tác huấn luyện nữa vì ông còn bận rộn quản lý một đội eSport có tên Team Gullit. Ông còn hướng tới việc lập ra một học viện chuyên đào tạo người chơi eSport chuyên nghiệp trong tương lai. Còn ở Tây Ban Nha, cựu hậu vệ Alvaro Arbeloa cũng đầu tư không ít tiền cho đội Liên Minh Huyền Thoại Origen.
Xu hướng mới
Có vô vàn lý do khiến cầu thủ và cựu cầu thủ bỏ tiền ra thành lập một đội eSport. Như Fuchs đã nói, không ai trong số họ làm điều này cho vui. Oezil, Arbeloa đều công bố chuyện tổ chức một đội eSport sau khi bản thân họ vừa đưa ra thông báo quan trọng liên quan tới sự nghiệp: Giải nghệ, giã từ ĐTQG hay kết thúc mùa giải. Đó là cách tốt nhất để tự quảng bá bản thân, lôi kéo sự chú ý từ người hâm mộ trong bối cảnh sự nghiệp của họ dần bước sang sườn dốc bên kia.
Trong trường hợp của Oezil, việc thành lập đội eSport có tên TeamOezil thực sự đã cứu rỗi hình ảnh của anh trong mắt người hâm mộ. Trong vài năm gần đây anh liên tục trở thành tâm điểm của vô vàn bê bối cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Giữa lúc thành tích thi đấu ngày một tệ đi, Oezil trở lại với hình ảnh của một thiên thần: Ông chủ đội eSport của riêng mình.
Với tuyên bố “tìm game thủ giỏi trên toàn thế giới”, Oezil một lần nữa phủ tầm ảnh hưởng lên phạm vi quốc tế. Về phần những game thủ nói riêng và ngành eSport nói chung, sự quan tâm của những danh thủ như Oezil hay Gullit là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với họ. Từ việc mang tiếng “chơi game nhiều hại sức khỏe”, eSport ngày càng được thừa nhận rộng rãi nhờ sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng.
Đó là tiền đề giúp eSport dần được công nhận như một môn thể thao thực thụ, qua đó bắt đầu có tên trong những Đại hội thể thao quốc tế. eSport càng tiến xa, Oezil và Gullit càng nghĩ đến những mục tiêu táo bạo hơn. Viễn cảnh của họ là tạo ra những giải eSport trong tương lai với ông bầu gồm toàn những gương mặt cộm cán của giới bóng đá.
Các đội eSport tiêu biểu của cầu thủ Team Gullit Ellevens Esports R10 Esports M10 Esports |
XEM THÊM
Saul Craviotto & sứ mệnh kỳ lạ của một VĐV Olympic
Tour de Spain 2020: Giải tennis 'ly khai' đầu tiên của thế giới